Độc đáo mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm

NGUYỄN ĐÀO| 14/09/2015 09:23

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Chùa nằm tại ngã ba sông Phượng Nhỡn, nơi gặp gỡ của 2 con sông lớn (sông Thương và sông Lục Nam) thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Đây từng là trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam thời Trần (thế kỷ 13 - 14), nơi đào tạo tăng đồ của cả nước và cũng là nơi tu hành của 3 nhân vật sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử gồm: Điều Ngự Giác Hoàng vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa thiền sư Đồng Kiên Cương và Huyền Quang đại sư Lý Đạo Tái.

Chùa hiện lưu giữ hơn 3.050 mộc bản khắc ngược (âm bản) trên gỗ thị bằng chữ Hán, Nôm thuộc nhiều thời khác nhau từ thế kỷ 17 - 19. Bản khắc lớn nhất là các loại sớ điệp, chiều dài hơn 100 cm, rộng 40 - 50 cm, bản nhỏ nhất chỉ khoảng 15 cm x 20 cm, nhưng phần lớn mộc bản có kích cỡ 33 cm x 23 cm x 2,5 cm, trong đó hầu hết là kinh, sách, luật giới nhà Phật và một số trước tác (thơ, phú, nhật ký...) của một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm, với các bộ kinh tiêu biểu như: Yên Tử nhật trình, Di Đà kinh, Sa di ni giới kinh, Kính tín lục, Đại thừa chỉ quán... Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được xem là “độc nhất vô nhị”.

Một số mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm - Ảnh: N.Đ

Ông Ngô Văn Trụ, phó giám đốc Sở văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết, khác với kho mộc bản kinh Phật khác, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm mang tư tưởng nhập thế của Trần Nhân Tông, nhấn mạnh yếu tố tu tại tâm, bởi các cụ xưa thường nói “thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Nó nhập thế phù hợp với tư tưởng, tín ngưỡng của người Việt, thể hiện tư tưởng của Vua Trần Nhân Tông, mang giá trị bản sắc rất cao cũng như giá trị mỹ thuật của người Việt xưa.

Trong số 9 cuốn sách mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm thì chỉ có 2 cuốn là kinh Phật, số còn lại là luận giải của các thiền sư và những kiến thức liên quan đến y thuật chữa bệnh, tác phẩm văn học... Mặt khác, dòng thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông là người sáng lập, mang những dấu ấn riêng của người Việt Nam. Đặc biệt, cuốn mộc bản “Thiền tông bản hạnh”, được Hội thảo bảo tồn di sản chữ Nôm (the Vietnammese Nôm Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (ký hiệu NomNaTongLight.ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới. Điểm khác biệt nữa của mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là dùng cả chữ Hán và chữ Nôm, trong khi mộc bản của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc chỉ dùng chữ Hán... Những mộc bản giúp đời sau hiểu một cách chính xác và đầy đủ về lịch sử Phật giáo Việt Nam, thiền phái Trúc Lâm, thân thế, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các danh nhân lịch sử văn hóa của đất nước, lịch sử nghề khắc in mộc bản, tư tưởng, văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO