Đời sống

Định vị thương hiệu du lịch TP.HCM

Theo Thi Hồng/SGGP 20/10/2023 09:53

Từ đầu năm đến nay, du lịch là một trong số ít ngành kinh tế của TPHCM có mức tăng trưởng tốt, gần cán mốc doanh thu 126.000 tỷ đồng; hàng loạt mục tiêu, kế hoạch của năm 2023 sắp về đích. Tuy nhiên, để có thể đạt được những bước tiến vững chắc, rất cần có chiến lược cụ thể. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với TS Tạ Duy Linh (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TPHCM xung quanh vấn đề này.

dl1.jpg

Thưa Tiến sĩ, ông đánh giá ra sao về các sản phẩm du lịch hiện tại của TP.HCM?

TS Tạ Duy Linh: Hệ thống sản phẩm du lịch tại TP.HCM khá phong phú, nhất là sau cuộc vận động thực hiện chương trình “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng” giúp số lượng sản phẩm du lịch tại TP.HCM gia tăng đáng kể. Với thế mạnh nổi bật về hệ thống tài nguyên du lịch văn hóa, các sản phẩm du lịch chủ đạo tại TP.HCM phần nhiều dựa trên chất liệu đặc thù từ hệ thống các giá trị lịch sử và nhân văn. Ngoài ra, các không gian thực hành du lịch gắn với giá trị sinh kế sẵn có của cộng đồng, điển hình như điểm đến du lịch cộng đồng ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) cũng góp phần tăng sức hút cho du lịch thành phố. Hay các sự kiện mới được đầu tư về trí tuệ, vật chất và quy mô như “Lễ hội sông nước” với điểm nhấn đặc sắc là chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” cũng phát huy hiệu quả việc tái định vị sản phẩm du lịch TP.HCM. Chính các giá trị lịch sử, kiến trúc, ẩm thực, nghệ thuật,… đã tạo nên sắc thái đặc biệt hấp dẫn cho du lịch thành phố. Việc xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng trong không gian đô thị cũng là hướng gợi mở thú vị để giới thiệu “văn hóa hẻm”, “văn hóa cộng sinh” đô thị cho du khách.

Tiếp đến, các sự kiện và lễ hội cần được chăm chút, “gây thương nhớ” để khách quay trở lại nhiều lần và chi tiêu nhiều hơn. Bên cạnh đó, TP.HCM còn là trung tâm của việc cung ứng các dịch vụ từ cơ bản đến đẳng cấp, vì vậy có thể phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị); các sản phẩm du lịch đường thủy (cảnh sắc từ trung tâm bến Bạch Đằng đến huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ về cơ bản tạo nên nhiều cảm xúc lắng đọng cho du khách). Hành trình theo sông mà đến, nương sông mà ở, nhờ sông mà phát triển là chất liệu dẫn truyền hấp dẫn để xây dựng các tuyến du lịch chuyên đề, mang hình thái đô thị sông nước riêng có của TP.HCM.

Mặc dù được đánh giá có dư địa tăng trưởng, nhưng thực tế du lịch TP.HCM đang mất dần lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh, thành bởi nhiều nguyên nhân. Theo ông, làm sao để từng bước cải thiện thực trạng này?

Cá nhân tôi cho rằng ngành du lịch TP.HCM nên xác định rõ động lực tăng trưởng phát triển du lịch và chú trọng tham mưu UBND TP.HCM thiết kế thêm các “động lực mềm” về mặt chính sách nhằm kích thích sự tham gia của các bên trong khai thác, phát triển du lịch. Chẳng hạn, bước đầu có chính sách hỗ trợ kinh phí để các hộ gia đình khu vực nông thôn có điều kiện tham gia phát triển du lịch cộng đồng.

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc tái khởi nghiệp phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn (lượng khách ít hơn do ảnh hưởng các biến động chính trị - xã hội trên thế giới, sự mất giá của đồng tiền…) rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Ví dụ, sự hỗ trợ lãi suất ưu đãi của các ngân hàng; hay thành phố làm cầu nối tổ chức các hội thảo, hội nghị kết nối doanh nghiệp ngành hàng không, đường sắt… trợ giá cho du khách. Trên hết, cần có chiến lược kích cầu du lịch nội địa thường xuyên; thúc đẩy động lực tăng trưởng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ; xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch từ nguồn lực cạnh tranh của TP.HCM….

dl2.jpg
Du khách được hướng dẫn về kỹ thuật chèo SUP tại huyện Cần Giờ, TP.HCM

Thêm nữa, ngành du lịch TP.HCM cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến du lịch, kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng kiến tạo những không gian trải nghiệm du lịch mang tính đồng bộ, phát triển theo định hướng chuỗi giá trị; thực hành du lịch thông minh trong việc xây dựng các điểm đến, không gian trải nghiệm thực cảnh gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển thành phố.

Theo ông, làm thế nào để phát triển du lịch bền vững tại TP.HCM?

Để phát triển du lịch bền vững, tôi thiết nghĩ cần tái định vị và tái cấu trúc sản phẩm du lịch tổng thể của TP.HCM trong bối cảnh mới. Cần có câu chuyện chung, triết lý chung cho việc khai thác và phát triển du lịch tại TP.HCM. Các triết lý cần dễ hiểu, gần gũi và dễ đón nhận được sự đồng thuận của người dân để mỗi người dân gia tăng cảm giác thuộc về và tự hào qua việc tận tâm, chung tay quảng bá, xây dựng và phát triển du lịch tại TP.HCM. Cần phải chú ý đến việc gia tăng giá trị trong mọi khâu từ thiết kế đến thương mại hóa sản phẩm du lịch. Điều quan trọng là giá trị gia tăng trong phát triển du lịch cần được thực hành một cách tinh tế, gia tăng chiều sâu về mặt lan tỏa giá trị cho sản phẩm du lịch. Phát triển du lịch TP.HCM cần được định hướng phát triển bao trùm và toàn diện; đặc biệt, có cơ chế chính sách cụ thể trong việc tăng cường, thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ các bên liên quan vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tổng thể của thành phố.

Trong thời gian vừa qua, những nỗ lực của các sở ngành, doanh nghiệp đã “giải tỏa” hợp lý nhiều nguồn lực nhằm kiến tạo những sản phẩm du lịch tinh tế, chú trọng những giá trị chuyên sâu là sự thành công rất đáng khích lệ của ngành du lịch TP.HCM. Tuy nhiên, để nâng tầm vị thế và phát huy một cách đồng bộ các giá trị tài nguyên du lịch, TP.HCM cần chú trọng đến tính hội tụ trong xây dựng sản phẩm du lịch tổng thể; đồng thời tập trung xác định sản phẩm du lịch tạo nên sự khác biệt làm nổi bật giá trị điểm đến. Có như vậy, du khách mới quay trở lại và khi đến Việt Nam nhất định phải đến TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định vị thương hiệu du lịch TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO