Y học

Đi cầu ra máu, ngỡ bị trĩ, nào ngờ mắc ung thư trực tràng

An Quý 03/11/2023 - 17:00

Bệnh nhân nam 22 tuổi đi cầu ra máu một thời gian dài. Bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị bệnh trĩ. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị ung thư trực tràng và áp dụng phương thức điều trị đa mô thức

Điều trị đa mô thức ung thư đường tiêu hóa hiện đang phổ biến tại nhiều cơ sở y tế trong đó có Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, hỗ trợ người bệnh chiến đấu chống lại bệnh lý ung thư. Có thể kể đến các liệu pháp hóa xạ trị trước mổ, sau mổ; liệu pháp miễn dịch hay nhắm trúng đích.

z4829426132655_5adaa1b8616692728f5ebd09f9c9307d.jpg
Bệnh nhân mắc ung thư tiêu hóa đi khám tại khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, được ghi nhận ngày càng trẻ hóa.

Đi cầu ra máu, ngỡ bị trĩ, nào ngờ mắc ung thư tiêu hóa

Mới đây, một bệnh nhân nam T.V.H (22 tuổi) là sinh viên năm cuối một trường đại học ở TP.HCM, đi cầu ra máu một thời gian dài. Bệnh nhân đã đi khám tại một cơ sở y tế trên địa bàn, được chẩn đoán là do trĩ và điều trị theo hướng này.

“Rõ ràng đây là một bệnh nhân trẻ nên ít khi nào người ta nghĩ tới chuyện ung thư. Chính vì vậy bệnh nhân đã điều trị sai hướng vài tháng trời. Khi bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chúng tôi phát hiện ra ung thư trực tràng ở giai đoạn tiến triển. Khối u cách rất gần cửa hậu môn.

Nếu như trước đây, chúng ta hoặc là không được làm gì hoặc chỉ làm tạm bợ, hoặc là nếu điều trị triệt để, thường là phải khoét cả hậu môn,” TS.BS Lê Huy Lưu, phụ trách điều hành Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nói.

Do bệnh nhân còn quá trẻ, nên các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định triển khai đa mô thức để điều trị ung thư. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được điều trị hóa xạ trị để thu nhỏ khối u và đáp ứng tốt. Bệnh nhân sau đó được phẫu thuật nội soi để lấy khối u, vẫn giữ được hậu môn. Hiện tại, bệnh nhân đang trong quá trình hóa trị hỗ trợ cứ mỗi 3 tuần.

Đa mô thức được áp dụng rất hiệu quả đối với những bệnh nhân ung thư tiêu hóa cao tuổi. Vì thường khi nhập viện, bệnh nhân kèm theo nhiều bệnh lý mạn tính và cần được điều trị ổn định các bệnh lý nền, nâng đỡ tổng trạng trước khi điều trị ung thư.

Bệnh nhân nữ N.T.H (81 tuổi), nhập viện Nguyễn Tri Phương với biểu hiện đau bụng quặn cơn. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng phát hiện tình trạng bán tắc ruột do khối u ở đại tràng. Hình ảnh CTScan cho thấy khối u ở đại tràng góc gan làm hẹp lòng đại tràng; đồng thời khối u đã xâm lấn vào túi mật và tá tràng (đầu ruột non) ở lân cận. Nội soi đại tràng xác định khối u sùi ở đại tràng góc gan. Kết quả sinh thiết cho kết quả giải phẫu bệnh là ung thư (carcinoma tuyến của đại tràng).

Bệnh nhân có nhiều bệnh đi kèm như tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường… Ngoài ra, khối u đại tràng chảy máu rỉ rả và tình trạng ăn uống kém lâu ngày làm bệnh nhân thiếu máu và suy dinh dưỡng khá nặng.

z4842350965837_dab5239521f8496eb8fe7e37521d057c.jpg
TS.BS Lê Huy Lưu, phụ trách điều hành Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

“Đây là 1 trường hợp khó, với chỉ riêng khối ung thư, việc xâm lấn vào các cấu trúc xung quanh đã được phân loại là giai đoạn cuối, đặc biệt u đã xâm lấn vào tá tràng, việc phẫu thuật cắt bỏ u sẽ gây ra rất nhiều nguy hiểm. Hơn nữa, người bệnh cao tuổi, nhiều bệnh đi kèm, thể trạng kém nên càng khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp điều trị,” TS.BS Lê Huy Lưu cho biết.

May mắn là tình trạng bán tắc ruột đã được điều trị nội khoa thành công nên bệnh nhân có đủ thời gian để chuẩn bị (nếu tắc ruột, phải mổ cấp cứu). Bệnh nhân được tổ chức hội chẩn ung thư, cân nhắc lựa chọn và phối hợp các mô thức điều trị phù hợp với tình trạng riêng của bệnh nhân.

Chiến lược đưa ra là tiến hành hóa trị hỗ trợ kết hợp với liệu pháp nhắm trúng đích. Bên cạnh đó là hội chẩn đa chuyên khoa nhằm tối ưu hóa các bệnh đi kèm, truyền bù máu và cải thiện tình trạng dinh dưỡng người bệnh.

Sau 3 đợt điều trị, bệnh nhân được chụp CTScan đánh giá lại, thấy có đáp ứng với điều trị, khối u nhỏ đi, tình trạng xâm lấn tá tràng giảm đi rõ rệt. Bệnh nhân được ngưng vào thuốc và tiếp tục tối ưu hóa các bệnh đi kèm và cải thiện thêm tình trạng dinh dưỡng để chuẩn bị phẫu thuật.

z4829426155164_85ab49f2862c86c10d8b0b75b61a9ca6.jpg
Điều trị đa mô thức ung thư đường tiêu hóa hiện đang được triển khai tại nhiều cơ sở y tế trong đó có Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, hỗ trợ người bệnh chiến đấu chống lại bệnh lý ung thư; có thể kể đến các liệu pháp hóa xạ trị trước mổ, sau mổ; liệu pháp miễn dịch hay nhắm trúng đích.

Sau hai tháng kể từ ngày nhập viện, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải mở rộng, nạo vét hạch, cắt túi mật và khoét tá tràng thành 1 khối (en bloc).

TS.BS Huy Lưu chia sẻ thêm, sau mổ bệnh nhân tiếp tục được áp dụng các biện pháp phục hồi nhanh sau phẫu thuật như giảm đau đa mô thức, chống nôn ói, ăn uống sớm, vận động sớm, dự phòng huyết khối… Bệnh nhân phục hồi tốt và xuất viện mà không có biến chứng gì. Hiện tại bệnh nhân đang được tiếp tục hóa trị bỗ trợ sau mổ với tình trạng sức khoẻ tốt.

Tối ưu hóa và đa mô thức trong điều trị ung thư tiêu hóa

Thống kê từ Tổ chức Ung thư Toàn cầu GLOBOCAN 2020, Việt Nam mỗi năm có đến gần 200.000 ca mắc mới và hơn 100.000 ca tử vong do bệnh lý ung thư. Trong đó, ung thư tiêu hóa chiếm hơn 30% các trường hợp ung thư tại Việt Nam, thường gặp nhất là ung thư gan 14,5%, kế đến ung thư dạ dày 9,8% và ung thư đại trực tràng 9%.

Khoa Ngoại Tiêu hóa và Đơn vị Ung bướu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, mỗi ngày đều tiếp nhận điều trị các trường hợp ung thư tiêu hóa và đã phát triển đa mô thức trong điều trị như kết hợp các loại chẩn đoán hình ảnh, nhiều loại hình phẫu thuật tiên tiến như phẫu thuật nội soi cắt dạ dày hay cắt đại tràng nạo hạch tận gốc cùng với thực hiện quy trình phục hồi sớm sau mổ cũng như đưa ra các phác đồ điều trị hóa xạ trị phù hợp.

z4842350922016_bfb2f490e9b5c26a4c6f0e35f0540a79.jpg
TS.BS Lê Huy Lưu phụ trách điều hành Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thăm khám cho một bệnh nhân đang điều trị tại khoa.

BSCKI. Phan Vũ Đăng Khoa, đại diện Đơn vị Ung bướu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chia sẻ: “Phối hợp với các can thiệp ngoại khoa, cụ thể là phẫu thuật, chúng ta còn có nhiều công cụ và phương tiện khác để hỗ trợ người bệnh chiến đấu chống lại bệnh lý ung thư, có thể kể đến như các liệu pháp hóa xạ trị trước mổ, sau mổ và các liệu pháp điều trị miễn dịch hay nhắm trúng đích.

Với sự hợp tác và hỗ trợ từ các chuyên khoa, Khoa Ngoại Tiêu hóa và Đơn vị Ung bướu tự tin rằng chúng ta có thể nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như hiệu quả điều trị, đem đến giải pháp tối ưu nhất cho người bệnh ung thư.”

Không chỉ ung thư, các bác sĩ còn quan tâm tới chuyện phục hồi nhanh sau phẫu thuật. Theo TS.BS Lê Huy Lưu, cơ thể người là một cái hệ thống gồm rất là nhiều cơ quan; mỗi cơ quan đều có những cái chức năng khác nhau.

Khi điều trị, chúng ta thường quan tâm tới cơ quan bệnh, nhưng một cơ quan bị trục trặc, cả cơ thể cũng ảnh hưởng như một hệ thống giao thông. Do đó, chúng ta phải hỗ trợ nâng đỡ để tìm lại phiên bản tối ưu nhất cho người bệnh. Hô hấp phải cần có dưỡng khí, hệ tim mạch cần tuần hoàn tốt để đưa máu đến các cơ quan, dinh dưỡng tiết chế cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng…

z4842350962890_9765e495a6b115874a77065f2408dff1.jpg
Theo TS.BS Lê Huy Lưu, tuy vẫn còn khá mơ hồ về nhiều mặt, nhưng ít nhất khi chúng ta tuân thủ một lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, không chỉ giúp bản thân giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh ung thư mà còn giúp cơ thể khỏe lên.

“Ngày xưa chúng ta điều trị như đại phẫu cắt u đại tràng - trực tràng hay dạ dày thời gian nằm viện có thể 10 ngày đến 2 tuần. Hiện nay, với việc triển khai nhiều phương pháp điều trị tốt và tiên tiến, các thủ thuật ít xâm hại đã rút ngắn thời gian điều trị xuống còn khoảng 5 - 7 ngày đối với các phẫu thuật lớn, thậm chí có những ca chỉ cần nằm viện khoảng 3 ngày,” BS Lưu chia sẻ thêm.

Theo ghi nhận, TS.BS Lê Huy Lưu e ngại rằng bệnh nhân mắc ung thư tiêu hóa càng ngày càng trẻ hóa. Trước đây, khoa điều trị chủ yếu là bệnh nhân từ độ tuổi 60 trở lên, nhưng nay, nhiều bệnh nhân ở độ tuổi 40 - 50 cũng đã mắc ung thư tiêu hóa. Với trường hợp bệnh nhân trẻ ở độ tuổi 20 -30 đã bắt đầu được ghi nhận, dù tỷ lệ không nhiều.

“Nhiều trường hợp mắc ung thư không rõ nguyên nhân. Nhưng ở góc độ sinh học phân tử, chúng ta có thể nghĩ đến các yếu tố về mặt gene di truyền, kết hợp với tiếp cận môi trường không lành mạnh, có thể tích lũy các yếu tố bất lợi và thúc đẩy cái cái biểu hiện của bệnh ung thư,” TS.BS Lưu giải thích.

Ông khuyến cáo, chúng ta cứ đề phòng bệnh tật từ ăn uống rồi chế độ sinh hoạt thật tốt sẽ không bao giờ thừa. Thường, người ta vẫn đề cập đến những cái chế độ ăn giàu chất đạm, ăn nhiều thịt đỏ, ít chất xơ rồi những người thuộc thể trạng thừa cân - béo phì, ít vận động, luyện tập thể dục thể thao… sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Tuy vẫn còn khá mơ hồ về nhiều mặt, nhưng ít nhất khi chúng ta tuân thủ một lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, không chỉ giúp bản thân giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh ung thư mà còn giúp cơ thể khỏe lên.

Ngoài ra, đối với các dấu hiệu cảnh báo ung thư đường tiêu hóa, TS.BS Lê Huy Lưu khuyến nghị, bất kỳ thay đổi thói quen đi cầu, trong một vài ngày hay một vài tuần mà không có lý do gì hết, chúng ta nên gặp bác sĩ để tư vấn; hay đi cầu ra máu, đi cầu có đàm nhớt hay tính chất phân thay đổi đều phải đi kiểm tra tham vấn. Đặc biệt, cơ thể cảm thấy bất ổn, đau bụng mơ hồ, nhất là nếu trong gia đình có những người từng mắc những bệnh lý về ung thư bất cứ loại gì, chúng ta phải nâng cao cảnh giác và đi khám ngay.

“Hội nghị đồng thuận Chẩn đoán và điều trị đa mô thức ung thư đường tiêu hóa” vừa qua đã được tổ chức tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nhận được sự quan tâm của hơn 100 y bác sĩ và nhân viên y tế thuộc các chuyên khoa khác nhau như Ngoại tổng quát, Tiêu hóa, Gan mật, Ung bướu, Nội soi, Chẩn đoán Hình ảnh, Giải phẫu bệnh… từ các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM.

Đồng thời Bệnh viện cũng triển khai quy trình Hội chẩn liên chuyên khoa các trường hợp ung thư (Tumor Board) trước khi ra quyết định điều trị.

Đây là hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Kỷ niệm 120 năm thành lập Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhằm tăng cường sự hợp tác, trao đổi các vấn đề chuyên môn giữa các khoa phòng, các y bác sĩ và các chuyên gia nhằm mục đích hướng
đến điều trị toàn diện cho người bệnh ung thư, cụ thể là ung thư đường tiêu hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi cầu ra máu, ngỡ bị trĩ, nào ngờ mắc ung thư trực tràng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO