Đại lễ Vesak 2025: Thả hoa đăng cầu nguyện hòa bình
Tối 6/5, lễ thả hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới trong Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 diễn ra tại TP.HCM.

Buổi lễ có sự tham dự của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung; đại diện các vụ, đơn vị thuộc Bộ Dân tộc và Tôn giáo; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương.
Tham dự buổi lễ còn có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc gia Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025; Hòa thượng Gs.Ts PhraBrahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV); các vị Hoà thượng, Thượng tọa, Đại đức; cùng đông đảo bà con phật tử.
.jpg)
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung phát biểu: “Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 được tổ chức trong thời gian Việt Nam đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 80 năm Quốc khánh. Chúng tôi rất cảm kích khi các vị chư tăng hôm nay đã thành kính, tưởng nhớ đến hơn 3 triệu người Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước, đặc biệt là trên 1,2 triệu Anh hùng liệt sĩ; đồng thời, tri ân trên 800.000 thương binh và hàng triệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình có công với cách mạng”.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Đức Phật dạy, hận thù không thể hóa giải bởi hận thù, chỉ có tình thương mới hóa giải được hận thù. Từ ánh sáng của mỗi ngọn đèn, chúng ta nguyện thắp sáng một tương lai nơi lòng người chan chứa hiểu biết, trái tim tràn đầy thương yêu".

Hòa thượng Gs.TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc cũng chia sẻ: “Trong mỗi ánh đèn lung linh ấy, tôi thấy niềm tin, lòng từ bi và trách nhiệm toàn cầu. Phật giáo không chỉ là tôn giáo, mà còn là con đường dẫn nhân loại đến hòa bình đích thực: Hòa bình bên ngoài khởi nguồn từ hòa bình bên trong”.
Lễ hội bắt đầu với nghi thức hành thiền và tụng kinh cầu nguyện do chư tôn đức tăng ni chủ trì tại khu vực sân khấu chính đối diện giảng đường Minh Châu (Học viện Phật giáo Việt Nam, huyện Bình Chánh).