Sống xanh

Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững là xu hướng chủ đạo của TP.HCM

Hoàng Nguyễn 18/08/2023 16:07

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.

Ngày 18/8, Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 với chủ đề "Net Zero - đường đến phát triển bền vững" được Tạp chí Kính tế Sài Gòn tổ chức tại TP.HCM.

Diễn đàn tạo ra không gian để cộng đồng các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và nhà kinh doanh cùng nhau kết nối, thảo luận và chia sẻ quan điểm về những thách thức và cơ hội khi tham gia tiến trình Net Zero. Đây cũng là nơi để các doanh nghiệp cùng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau nắm bắt xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam, từ đó phục vụ đúng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng.

Phát biểu tại diễn dàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 là mục tiêu đầy tham vọng. TP.HCM là trung tâm lớn của cả nước cam kết tiên phong trong thực hiện mục tiêu này và sẽ cùng với các bên để hành động. TP.HCM xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới và TP mong muốn, kêu gọi sự đồng hành, hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện được mục tiêu.

chu-tich-phan-van-mai.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Văn Dương.

Tại diễn đàn, GS.TS Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP đánh giá lộ trình Net Zero hiện nay chưa khả quan. Vì vậy, thế giới cần phải nỗ lực hơn nữa và các quốc gia phát triển sẽ gặp áp lực lớn hơn. Ông cho biết, Việt Nam được đánh giá là có nỗ lực rất đáng kể khi “sử dụng phần lớn GDP” để chuyển đổi từ việc sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo trong thời gian qua.

gs.ts-jonathan-pincus.jpg
GS.TS Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP trình bày tại diễn đàn. Ảnh: Văn Dương.

Theo phân tích của các chuyên gia, cuộc đua hướng tới Net Zero vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sớm cam kết sẽ hưởng lợi thế người tiên phong, định vị thương hiệu trước xu hướng thay đổi của người tiêu dùng, công nghệ mới và thị trường mới. Sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân, và người tiêu dùng, được kỳ vọng sẽ tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh.

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế giảm phát thải sẽ đòi hỏi sự chuyển mình của toàn bộ tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, chính phủ và các địa phương cần có những chính sách mang tính đổi mới và sáng tạo, để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, gia tăng ý thức cộng đồng với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

chuyen-gia-2-.jpg
chuyen-gia-1-.jpg
Các chuyên gia thảo luận tại diễn đản. Ảnh: Văn Dương.

Net Zero vào năm 2050 – cam kết này của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) đã trở thành một dấu mốc lịch sử, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững.

Đối với các doanh nghiệp, việc tham gia tiến trình Net Zero được nhận định sẽ ẩn chứa nhiều thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội, đặc biệt là khi nắm bắt được xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam.

Trong thời gian qua, kinh tế xanh cũng đã được xác định là con đường tất yếu, được nhấn mạnh trong các chiến lược, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đơn cử như Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn. Nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững là xu hướng chủ đạo của TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO