Sống xanh

Chuyển đổi xanh: “Muốn phát triển bền vững, cần cơ chế hỗ trợ vốn”

HỒNG DUNG 19/02/2024 - 14:48

TP.HCM đang nghiên cứu, đề ra khung chiến lược phát triển xanh và cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới net zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Thành phố cần làm gì trong giai đoạn chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, Tạp chí Khoa học phổ thông - Sống Xanh có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Văn Phước, Ủy viên đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM về vấn đề này.

Thưa GS.TS. Nguyễn Văn Phước, thành phố đang hướng đến “chuyển đổi xanh”, Giáo sư giải thích về cụm từ này?

thay-phuoc.jpg
GS.TS. Nguyễn Văn Phước phát biểu tại diễn đàn Trao đổi kinh doanh quốc tế

Chuyển đổi xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh, là tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính; giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn; đồng thời, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm sự mất công bằng trong xã hội.

Giải pháp nào thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển biền vững?

Để chuyển đổi xanh phát triển bền vững, cần các Bộ, Ngành cùng chung tay, phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện các quy định pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn thực hiện cộng sinh công nghiệp; cộng sinh nông nghiệp; chuyển đổi và xây dựng khu công nghiệp sinh thái; chuyển dịch năng lượng; kinh tế tuần hoàn. Phải có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành, các tổ chức, người dân, nhà khoa học,…

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho chuyển đổi xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế, khuyến khích tư nhân trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ liên quan đến chiến lược chuyển đổi xanh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và các quy trình cấp phép - đây là vấn đề rất quan trọng, cấp thiết, để tạo điều kiện thu hút đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh.

Bên cạnh đó, cả nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách, nên thúc đẩy các doanh nghiệp đưa ra sự minh bạch và đặt ra mục tiêu liên quan đến lượng phát thải của họ. Đặt ra các mục tiêu giảm phát thải và báo cáo minh bạch về tiến độ hướng tới các mục tiêu này. Quá trình chuyển đổi không chỉ của từng doanh nghiệp mà còn của toàn bộ chuỗi giá trị.

Việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ giúp giảm thiểu nguyên nhiên liệu đầu vào, giảm tiêu hao năng lượng và tài nguyên, giảm thiểu và hướng đến zero, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng vòng đời sản phẩm.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay trong chuyển đổi xanh là gì, thưa Giáo sư?

Chính là nguồn vốn. Đặc biệt, là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ thiếu nguồn vốn ban đầu để đầu tư chuyển đổi. Do đó, các cơ chế hỗ trợ tài chính trực tiếp hiện có và bảo lãnh tín dụng của Chính phủ là những công cụ hỗ trợ và chia sẻ rủi ro phù hợp, để đi đến phát triển bền vững.

Ở giai đoạn đầu, doanh nghiệp phải nghiên cứu, để đưa ra quy trình công nghệ xanh. Giai đoạn này, doanh nghiệp rất cần đầu tư công, vì đầu tư tư nhân thường không khả thi do có rủi ro cao. Giai đoạn sau, bắt đầu khởi nghiệp, sau khi hình thành và thương mại hóa thị trường xanh, đầu tư tư nhân sẽ diễn ra tự nhiên trên thị trường, giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững.

do-thi-nong-nghiep.jpg
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, hữu cơ ngày càng được chú trọng

Vai trò của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh?

Doanh nghiệp là người tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đóng vai trò then chốt để triển khai thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tạo ra thị trường Carbon trong nước, như: các doanh nghiệp dẫn đầu về khoa học và công nghệ trong giảm phát thải khí nhà kính có thể mua bán, trao đổi tín chỉ carbon từ các hoạt động chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Họ tiên phong trong quá trình hợp tác cộng sinh công nghiệp, chuyển giao công nghệ; linh hoạt trong thay đổi quá trình quản lý, sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên, chi phí sản xuất, phát triển nền kinh tế không chất thải.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. Với vai trò đầu tàu, Thành phố cần làm gì?

Cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, gắn với thị trường trong nước và quốc tế; phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, miền, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, hữu cơ ngày càng được chú trọng, nên có nhiều mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ nông sản phát triển đa dạng, hiệu quả để kinh tế, đời sống nông dân ngày càng cải thiện rõ rệt, hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành nơi đáng sống văn minh xanh, sạch đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.

Đối với TP.HCM, cần ưu tiên phát triển đô thị nông nghiệp, để cung ứng một phần nông sản đáp ứng nhu cầu cho thị trường. Trong giai đoạn đô thị hóa, đất đai quy hoạch cho đô thị mà chưa kịp xây dựng, Thành phố nên tận dụng quỹ đất trống này để phát triển đô thị nông nghiệp. Vì thị trường tiêu thụ nông sản hầu như tập trung ở các thành phố lớn, việc đầu tư nông nghiệp ở các tỉnh thành xa thành phố sẽ phát sinh rất nhiều chi phí như phí vận chuyển, thêm vào đó lượng phát thải CO2 từ xe vận chuyển cũng tăng – đây là điều trái ngược với phát triển xanh.

Bên cạnh đó, chất thải từ việc chế biến rau củ hoặc tiêu thụ không hết, có thể tập trung lại một chỗ và ủ làm phân bón xanh, tái sử dụng, như vậy tạo nên dòng tuần hoàn khép kín, đúng với qui trình phát triển xanh.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều vấn đề tồn tại, làm kìm hãm phát triển nông nghiệp. Chẳng hạn, thể chế chính sách, pháp luật còn nhiều bất cập: pháp luật về đất đai, tín dụng, bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản, bảo hiểm nông nghiệp, về phát triển các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, về thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

mo-hinh.png

Sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến; giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học còn yếu nền sản xuất giá trị thấp, nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Ô nhiễm môi trường, suy thoái đất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học bừa bãi. Tình trạng phá rừng để canh tác và vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản chưa bảo đảm.

Cảm ơn Giáo sư đã dành thời gian cho Tạp chí Khoa học phổ thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi xanh: “Muốn phát triển bền vững, cần cơ chế hỗ trợ vốn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO