Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Vai trò quan trọng của Tâm lý học trường học

NGUYÊN CÁT thực hiện| 28/10/2022 15:11

Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 (GDPT mới) chính thức bắt đầu từ năm học 2020 - 2021. Song song với việc chuẩn bị các điều kiện về dạy học, việc chuẩn bị công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh và phát triển Tâm lý học (TLH) trường học cũng là vấn đề quan trọng.

Tìm hiểu thêm vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Thị Tứ - Trưởng khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TP.HCM - người cùng các cộng sự vừa tiến hành đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về Tâm lý học (TLH) trường học với những kết quả tích cực.

PGS.TS. Nguyễn Thị Tứ (thứ 5 từ trái qua) trong một dịp làm việc với các chuyên gia Tham vấn học đường của Mỹ.

Tâm lý học trường học rất cần thiết 
Thưa PGS.TS. Nguyễn Thị Tứ, trong chương trình GDPT 2018, mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất là yếu tố căn bản. Vậy công tác TLH trường học quan trọng như thế nào khi thực thi chương trình này?
- PGS.TS. Nguyễn Thị Tứ: Nổi bật nhất trong chương trình này là sự nhấn mạnh phương pháp giáo dục “phải phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh (HS), phù hợp với đặc trưng môn học, đặc điểm đối tượng HS, điều kiện của từng lớp học, bồi dưỡng cho HS phương pháp tự học, khả năng hợp tác” và hình thức tổ chức giáo dục “đảm bảo chất lượng giáo dục chung cho mọi đối tượng và tạo điều kiện phát triển năng lực cá nhân của HS” và “giáo viên chủ động lựa chọn vận dụng các phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục cho phù hợp với nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể”. 
Từ đặc trưng của chương trình GDPT 2018 cho thấy TLH trường học tồn tại là rất cần thiết bởi nó có vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng. Từ những yêu cầu của chương trình GDPT 2018 xét trong mối quan hệ với nhiệm vụ của TLH trường học, có thể nhận thấy một số yêu cầu sau đây cần đảm bảo: Xác định và lượng giá năng lực HS; Xây dựng môi trường dạy - học thực tiễn, thực nghiệm; Phát triển kỹ năng đảm bảo an toàn cho HS; Hỗ trợ, tham vấn cho HS lựa chọn môn học tự chọn trong hoạt động học; Tổ chức động viên, hỗ trợ tâm lý HS trong hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục; Tư vấn định hướng nghề nghiệp, phát triển bản thân; Tham vấn cho các HS có khó khăn, gặp các vấn đề trong đời sống tinh thần, các HS có nhu cầu đặc biệt; Phối hợp với các lực lượng giáo dục, các bên có liên quan của nhà trường trung học triển khai chương trình giáo dục hiệu quả… 
Hoạt động Tham vấn học đường hay Tư vấn tâm lý trong học đường sẽ diễn ra thế nào khi có sự xuất hiện của công tác TLH trường học?
- Đây cũng là vấn đề xuất phát từ những suy nghĩ và lo lắng của các bên có liên quan! Trong tiến trình phát triển của đất nước, của ngành giáo dục, hoạt động Tham vấn học đường hay Tư vấn tâm lý trong học đường xuất hiện và có những đóng góp nhất định cho công tác tư vấn, hỗ trợ HS, đồng thời phối hợp làm tốt hơn nữa công tác giáo dục HS. Tuy nhiên, các hoạt đông này chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của HS và các hoạt động đa dạng trong trường phổ thông. 
TLH trường học là một chuyên ngành gắn bó với môi trường học đường và đảm bảo sẽ cung cấp các dịch vụ tham vấn, tư vấn, hỗ trợ tâm lý hiệu quả cho HS cũng như cho phụ huynh và giáo viên. Khi TLH trường học phát triển, Tham vấn học đường hay Tư vấn tâm lý trong học đường cũng vẫn tiếp tục phát triển, bởi đó là một trong những nội dung trọng yếu của TLH trường học. Ngoài ra, TLH trường học cũng sẽ chú trọng giáo dục kỹ năng sống và giáo dục hướng nghiệp cho HS, đồng thời kết nối với các hoạt động của công tác xã hội học đường - một mắt xích quan trọng trong công tác TLH trường học. Các hoạt động này bổ trợ lẫn nhau và không thể tách rời trong công tác TLH trường học.

Sinh viên ngành Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực tập tại trường THPT.

Các tiêu chuẩn đảm bảo TLH trường học?
Hiện nay, ở nhiều trường phổ thông đã có tổ tham vấn học đường hay tổ công tác tư vấn tâm lý học đường. Vậy đâu là những tiêu chuẩn có liên quan, thưa bà?
- Các trường phổ thông hiện nay đã có những cố gắng rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có sự nỗ lực đồng bộ của các lực lượng có liên quan trong trường học. Cụ thể, các hướng dẫn của Bộ giáo dục và đào tạo về vấn đề này khá rõ ràng như:
Về nhân sự: thành lập Tổ tư vấn đảm bảo đủ các thành phần sau: Tổ trưởng (đại diện lãnh đạo nhà trường), tư vấn viên (từ 1 đến 2 người là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội), giám sát mô hình (đại diện cha mẹ HS/một số HS là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội). 
Về cơ sở vật chất: mô hình tư vấn cần đảm bảo có phòng tư vấn riêng (không ghép chung với các phòng chức năng khác), có hệ thống nhận diện phòng tư vấn (bảng tên phòng, poster, banner lịch công tác, nội dung hoạt động, quy trình hoạt động), có kênh liên lạc độc lập (email, điện thoại, hòm thư), có đủ vật dụng văn phòng cơ bản để hoạt động tư vấn (bàn ghế, bảng, tủ kệ hồ sơ, các loại văn phòng phẩm lưu trữ hồ sơ, các loại sổ theo dõi ca, máy vi tính, máy in, máy ghi âm...); có nguồn kinh phí được bố trí cho vận hành mô hình (đảm bảo các quy định về quản lý tài chính trường học). 
Về hình thức thực hiện: đảm bảo triển khai cơ bản 4 hình thức chính như sau: (1) tư vấn tâm lý thông qua các chuyên đề báo cáo độc lập hay lồng ghép trong các môn học; (2) Thiết lập kênh thông tin để nhận ca cần hỗ trợ tư vấn; (3) Tư vấn, tham vấn cá nhân hoặc nhóm, phân tách để tư vấn trực tiếp tại phòng tư vấn hoặc tư vấn gián tiếp qua các kênh truyền thông; (4) Kết hợp với các trung tâm tham vấn trị liệu tâm lý, các cơ sở y tế, bệnh viên để chuyển ca sang điều trị (nếu là ca phức tạp). 
Về nội dung tư vấn: tập trung vào các mảng chính: (1) khó khăn trong học tập – hướng nghiệp (phương pháp học tập, định hướng nghề nghiệp, động lực học tập...); (2) khó khăn trong giao tiếp - ứng xử và các mối quan hệ (quan hệ gia đình, quan hệ xã hội...); (3) khó khăn trong phát triển bản thân (tâm lý lứa tuổi, sức khỏe sinh sản, cảm xúc, hành vi, kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường...).
Nhìn chung với các hướng dẫn này, những giáo viên đã có chứng chỉ bồi dưỡng năng lực tư vấn, có kinh nghiệm và yêu thích công việc cùng với sự giám sát chuyên môn có thể đáp ứng bước đầu cho công việc.

Một buổi học của sinh viên ngành Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.


Thực tế công việc tham vấn học đường không phải dễ nếu không nói là khó khăn. Vậy liên quan đến giám sát trong tư vấn, các trường sẽ làm thế nào?
- Giám sát và các vấn đề khác là những vấn đề cần quan tâm trong mô hình tư vấn học đường hiện tại hay cái lõi về hoạt động này trong công tác TLH trường học. Cụ thể hơn, mô hình tham vấn học đường trong công tác TLH trường học được tổ chức giám sát qua 2 hình thức: (1) giám sát vận hành, sẽ do Hiệu trưởng nhà trường trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo vận hành của Tổ tư vấn, ngoài ra các thành phần khác trong Tổ tư vấn cũng được tham gia cơ chế giám sát để bảo vệ quyền lợi của HS và của tư vấn viên; (2) giám sát chuyên môn, sẽ do các chuyên gia tư vấn uy tín được tổ chức mời theo chu kỳ thực hiện giám sát quy trình, nội dung, các thủ tục... của quá trình tư vấn nhằm đảm bảo mô hình vận hành đúng định hướng.
Trong chương trình GDPT bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục. Vậy công tác TLH trường học sẽ đóng góp gì cụ thể?
- Với hoạt động học tập, người làm công tác TLH trường học có thể khai thác kỹ năng, kinh nghiệm để tìm hiểu, khơi gợi, khám phá năng lực tiềm ẩn của HS, tạo ra những cảm xúc tích cực để chính HS thể hiện mình. Hơn thế nữa, những vấn đề cơ bản của HS sẽ được người làm TLH trường học chia sẻ trên nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân nếu giáo viên bộ môn hay giáo viên chủ nhiệm cùng hợp tác, trao đổi... Hay hoạt động học của HS phổ thông trong chương trình GDPT 2018 thể hiện rõ tính độc lập, tự giác, vì thế, việc hiểu chính mình là điều quan trọng. TLH trường học hỗ trợ giúp các em hiểu hơn về chính mình, thể hiện bản thân một cách chủ động. Từ việc tìm hiểu về sở trường hay năng khiếu của bản thân đến việc chọn lựa môn học và định hướng phát triển bản thân, TLH trường học cần phải đáp ứng trong biên độ cho phép cũng như trong khả năng đặc trưng của mình. Song song đó, những khó khăn tâm lý khi nảy sinh sẽ được HS và chuyên viên tham vấn tâm lý hay giáo viên tư vấn kiêm nhiệm cùng tháo gỡ, giúp đỡ, nâng đỡ. 
Đối với hoạt động giáo dục, chương trình GDPT 2018 xác định rõ năng lực định hướng nghề nghiệp và yêu cầu cần đạt cụ thể về giáo dục hướng nghiệp trong môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với đặc điểm, tính chất của môn học nhằm giúp HS chủ động và phát triển. TLH trường học sẽ thể hiện khả năng đặc thù của mình khi cùng đồng hành với giáo viên thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp. Với sự quan tâm về định hướng phát triển, khả năng, tiềm lực, hứng thú nghề nghiệp, sở thích nghề nghiệp, giáo viên kiêm nhiệm hay người làm TLH trường học có thể mang đến các dữ liệu khách quan, phối hợp với các lực lượng khác trong nhà trường hoạt động một cách hiệu quả. 
Trong triển khai chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm được tổ chức cho HS tiểu học với nhiều hình thức thú vị, hấp dẫn. Người làm TLH trường học có thể cùng đồng hành và hỗ trợ thực hiện các dạng thức: chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp (có thể lựa chọn) và giờ trải nghiệm ở HS tiểu học. Với HS THCS, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp đòi hỏi không chỉ giáo viên phụ trách hoạt động giáo dục này (dù đội ngũ này đang được đào tạo - bồi dưỡng), người làm TLH trường học có thể khai thác các công cụ trắc nghiệm và một số công cụ khác để tìm hiểu HS, định hướng nghề nghiệp và tổ chức giáo dục hướng nghiệp. Còn với HS THPT, HS cần lắm được tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp có chiều sâu và gắn kết với tương lai của các em. 
Theo đó, đánh giá chung của chúng tôi, những bước chuẩn bị về đội ngũ chuyên viên tâm lý học đường và giáo viên kiêm nhiệm làm công tác tư vấn hỗ trợ HS đã đặt những nền tảng vững chắc cho TLH trường học phát triển theo định hướng chung và hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện chương trình GDPT 2018. 

Tâm lý học trường học đóng vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh minh họa từ Internet.


Xin cám ơn PGS.TS. Nguyễn Thị Tứ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Vai trò quan trọng của Tâm lý học trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO