Sống xanh

Chú trọng xây dựng đô thị sinh thái

Minh Phương 09/10/2023 - 08:37

Hiện nay, dù còn có nhiều cách hiểu khác nhau về đô thị sinh thái nhưng theo một số nhà nghiên cứu, về cơ bản đô thị sinh thái là đô thị được thiết kế hài hòa, đảm bảo sự cân bằng với thiên nhiên, tức là sự sinh sống của các cư dân trong điều kiện chất lượng được bảo đảm ở mức cao nhưng sử dụng tối thiểu các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Các biểu hiện của một đô thị sinh thái là mật độ dân cư và mật độ đô thị thấp hoặc tương đối thấp (so với mức bình quân chung), dàn trải, các cụm dân cư có quy mô giới hạn được phân cách bởi các không gian xanh hoặc được bao phủ với một tỷ lệ cao về cây xanh và các hệ sinh thái tự nhiên; đồng thời, hầu hết các hoạt động của cư dân thân thiện với môi trường (như ít hoạt động công nghiệp, ít phương tiện giao thông cơ giới, sử dụng năng lượng tái tạo hoặc năng lượng sạch…).

Nói một cách cụ thể hơn, đô thị sinh thái có những đặc điểm nổi bật như: về kiến trúc, các công trình phải đảm bảo khai thác tối đa các yếu tố tự nhiên để phục vụ người dân, nhất là về điện, gió... Nhà ở ít lệ thuộc các thiết bị hiện đại phải sử dụng năng lượng, như nhiều cửa để lấy ánh sáng tự nhiên, lấy gió trời; việc thiết kế và vật liệu bảo đảm mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát; các vật liệu thân thiện với môi trường…

Sự đa dạng sinh học của đô thị phải được đảm bảo với các hành lang cư trú tự nhiên, nuôi dưỡng sự đa dạng sinh học; quan tâm bảo vệ các hệ sinh thái trong khu vực đô thị này, như hệ sinh thái ở môi trường nước (có một số loại thực vật thủy sinh cùng với một số loài động vật sống trong ao, hồ, kênh, rạch…), hệ sinh thái ở các khu vườn (có mật độ cây xanh dày, có thể làm nơi sinh sống của một số loài chim và thú nhỏ)...

Giao thông và vận tải được hạn chế ở một mức độ cho phép; dân cư giảm thiểu nhu cầu di chuyển bằng xe cơ giới hoặc chuyển sang dùng phương tiện vận hành bằng sức người hoặc sử dụng năng lượng sạch. Công nghiệp ở đô thị sinh thái sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có thể tái sử dụng, tái sản xuất và tái sinh. Kinh tế đô thị sinh thái là một nền kinh tế tập trung sức lao động thay vì tập trung sử dụng nguyên liệu, năng lượng và nước, thân thiện với môi trường...

Như vậy, ở đô thị sinh thái, các hoạt động của con người sẽ ít xâm phạm đến môi trường tự nhiên, đồng thời giữ cho sự phát triển dân số đô thị và tiềm năng của môi trường được cân bằng một cách tốt nhất.

Tất nhiên, đây là các tiêu chí mang tính lý tưởng. Trong điều kiện ở nước ta với mật độ dân cư đông, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TP.HCM, việc đáp ứng các yêu cầu này có thể khó bảo đảm nhưng ở một số đô thị mới, nơi vừa phát triển ở khu vực nông thôn, có thể tiệm cận với đô thị sinh thái nếu có quy hoạch và xây dựng một cách khoa học, cũng như thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường và tuân theo các quy định về đô thị sinh thái.

Kể cả tại TP.HCM, một số huyện ngoại thành trong quá trình đô thị hóa, phát triển thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM, vẫn có thể đáp ứng nếu gắn với các quy hoạch nghiêm ngặt, trên cơ sở học tập mô hình đô thị sinh thái ở các nước, đồng thời bám sát các quy định về vấn đề này.

eae32f97531c30d0dac1c1bf03434e45-1570173683286107929969.jpg
Ảnh minh họa

Trước hết, vấn đề luật hóa về đô thị sinh thái là rất cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý để xây dựng các đô thị mới thực sự thân thiện với môi trường, có chất lượng sống tốt, bảo đảm hài hòa sự phát triển của xã hội con người với các quần thể tự nhiên… Đồng thời, có các quy định về đô thị sinh thái cũng sẽ thúc đẩy các đô thị đã có trong chừng mực nào đó quan tâm việc gìn giữ các nét riêng biệt về tự nhiên của mình, không chạy theo các đòi hỏi phát triển kinh tế mà bỏ qua yêu cầu bảo vệ môi trường… Trong khi chờ các quy định mang tính phổ quát cho cả nước, TP.HCM có thể xây dựng cho mình một bộ tiêu chí riêng phù hợp với điều kiện của thành phố để làm cơ sở xây dựng đô thị sinh thái ở các huyện đang trong quá trình đô thị hóa.

Quy định về đô thị sinh thái nên quan tâm một số vấn đề chủ yếu sau: về mật độ dân số nên ở một tỷ lệ phù hợp; về tỷ lệ đất dành cho cây xanh và các yếu tố tự nhiên khác (như sông, suối, ao hồ, thảm cỏ…) phải ở một mức cao và luôn có giới hạn nhất định (cho cả một khu vực đô thị lớn hoặc từng cụm đô thị nhỏ - khu dân cư chẳng hạn); về giao thông, phải bảo đảm thân thiện môi trường, dùng nhiều phương tiện sử dụng năng lượng sạch (điện, năng lượng mặt trời…); về hoạt động kinh tế, phải hạn chế các ngành nghề thâm dụng lao động, ít hoạt động công nghiệp và có sự hài hòa giữa hoạt động dịch vụ, xây dựng, nông nghiệp...; về môi trường, cần chú ý đa dạng sinh học, có nhiều hệ sinh thái tự nhiên và luôn giữ ở một mức cân bằng nhất định.

Tức là, đô thị sinh thái phải là một đô thị có chất lượng sống tốt, có thể lấy sự phát triển kinh tế làm động lực nhưng phải bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sống của con người với môi trường tự nhiên.

Thí dụ, khi thực hiện quy hoạch huyện Cần Giờ thành một đô thị biển, với điều kiện tự nhiên đặc biệt của địa phương này cùng với yêu cầu về bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn thế giới, việc quy hoạch các khu dân cư cần thiết phải bảo đảm yếu tố đô thị sinh thái. Thành phố cần ban hành các quy định và tiêu chí cụ thể, như diện tích, quy mô dân số, mật độ giao thông, khoảng cách đến các khu đô thị khác và đến Khu dự trữ sinh quyển, mật độ cây xanh, tỷ lệ cây xanh so với dân cư, giới hạn số lượng xe cơ giới theo tỷ lệ dân cư… Đây có thể coi là một “bộ khung” chuẩn về đô thị sinh thái để các địa phương khác có thể vận dụng; đương nhiên có thể điều chỉnh theo điều kiện cụ thể.

Để xây dựng các đô thị sinh thái nói chung ở nước ta và ở TP.HCM nói riêng hiện nay, đòi hỏi khả năng quy hoạch và quản lý hết sức chặt chẽ, khoa học và có tính kỷ luật cao. Chẳng hạn, khi hình thành một khu đô thị sinh thái thì phải xác định quy mô dân số, phải quy hoạch chi tiết cho từng khu vực (nơi nào là khu dân cư, khu hành chính, đường giao thông, mảng xanh và các không gian tự nhiên khác…) và không phá vỡ quy hoạch đó. Khi nhu cầu sống của người dân ở đây tăng cao thì cũng không thể lấy đất dành cho mảng xanh để làm nhà, không biến các đất được sử dụng cho các công trình bắt buộc phải có để xây dựng nhà máy, xí nghiệp…

Chẳng hạn, trong điều kiện của huyện Hóc Môn, để xây dựng quận hoặc thành phố đô thị sinh thái, cần tính toán quy mô dân số hợp lý; chuyển đổi mục đích sử dụng đất hài hòa giữa đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, đất sản xuất công nghiệp, đất giao thông, đất dự trữ cho các hệ sinh thái tự nhiên…; định hướng cơ cấu kinh tế phù hợp; tích cực cải tạo môi trường tự nhiên (các sông, rạch, kênh… trên địa bàn) gắn với xây dựng các mảng xanh; có kế hoạch xây dựng các cụm dân cư (cụm đô thị) thân thiện với môi trường; tạo sự kết nối hợp lý với các khu vực khác, nhất là về lâu dài có thể tiếp tục mở rộng các đô thị sinh thái khác xung quanh…

Đây là một quá trình lâu dài nhưng phải được quan tâm thực hiện ngay từ bây giờ với những định hướng cụ thể, khoa học, phù hợp với thực tiễn địa phương và xu hướng phát triển trong thời gian tới. Do đó, chỉ mấy chữ “đô thị sinh thái” có thể là cả một định hướng lớn lao cần phải nỗ lực quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng xây dựng đô thị sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO