Giáo dục

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: 'Sẵn sàng đầu tư hàng nghìn tỉ đồng đào tạo nguồn nhân lực mỗi năm'

HOÀNG NGUYỄN 01/03/2024 - 14:28

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỉ đồng, hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm cho việc đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ cho phát triển xã hội của TP mà cho phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Ngày 29/2, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TP. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM chủ trì hội nghị.

1.chu-tich-phan-van-mai.jpg
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM chủ trì, phát biểu tại hội nghị.
hieu-truong-cac-truong-tham-du.jpg
Hội nghị thu hút đông đảo Hiệu trưởng, đại diện các trường đại học địa bàn TP.HCM.

Đặt hàng đào tạo học sinh, sinh viên, cán bộ

Tại hội nghị, một trong những nội dung đáng chú ý là kế hoạch triển khai đặt hàng đào tạo đối với Đề án thành phần thuộc Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2035 và Đại học chia sẻ. Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, đến nay, có 8/9 đề án đã ký kết hợp đồng với các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ; 4/9 đề án được Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Quyết định của Sở KH&CN nghiệm thu với kết quả “Đạt”.

ong-duong-tri-dung.-pho-giam-doc-so-giao-duc-dao-tao-tphcm.jpg
Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM trình bày tham luận tại hội nghị.

Sở GD&ĐT đã triển khai các nội dung với 4 đề án đã được nghiệm thu, chuẩn bị cho quá trình đào tạo. Đối tượng tham gia chương trình đào tạo được tuyển chọn từ nguồn học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức của TP đáp ứng chuẩn năng lực về kiến thức, kỹ năng, thái độ (đầu vào) theo quy định tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH và đáp ứng đủ năng lực tài chính. Kinh phí thực hiện đề án được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước, đóng góp của các tố chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn xã hội hóa và các nguồn thu họp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sở GD&ĐT kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế đặt hàng đào tạo, trong thời gian chưa tiến hành đại trà có thể tiến hành theo cơ chế thí điểm đặt hàng cụ thể cho trường ĐH chủ trì Đề án thành phần, với số lượng sinh viên cụ thể nhằm đáp ứng mục tiêu của TP. Đồng thời, TP cần nghiên cứu nội dung Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM trong việc đặt hàng đào tạo hoặc thí điểm cho các cơ sở giáo dục ĐH, ĐH trọng điểm đào tạo theo cơ chế đặt hàng.

Đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục ĐH

Tại hội nghị, vấn đề quốc tế hóa giáo dục ĐH và hội nhập quốc tế cũng là nội dung được quan tâm. Theo các đại biểu, quốc tế hóa giáo dục và thu hút sinh viên quốc tế là một thành tố không thể thiếu để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập về kinh tế và phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Từ kinh nghiệm triển khai tại Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM trong thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, PGS.TS Bùi Hoài Thắng – Trưởng phòng Đào tạo trường cho biết, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến lược của nhà trường. Trường ĐH Bách khoa đã cử nhiều giảng viên đi đào tạo, tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn trong nước cũng như tại các nước đối tác thuộc mạng lưới các dự án quốc tế mà nhà trường là thành viên, để cập nhật thành tựu về khoa học công nghệ, chương trình đào tạo tiên tiến, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, trường xây dựng chế độ tiền lương, cơ chế đãi ngộ để thu hút giảng viên có năng lực cao. Tính đến tháng 11/2023, toàn trường có 639 giảng viên, trong số đó hơn 96 % trình độ sau ĐH và 401 giảng viên được đào tạo ở nước ngoài.

pgs.ts-bui-hoai-thang-dh-bach-khoa.jpg
PGS.TS Bùi Hoài Thắng – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM trình bày tại hội nghị.

Trường ĐH Bách khoa đã triển khai công tác quốc tế hóa với các nội dung chính gồm: phát triển các chương trình đào tạo liên kết quốc tế; sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy; tăng cường và mở rộng cơ hội cho sinh viên và giáo viên trong trao đổi học tập, nghiên cứu với đối tác nước ngoài; tham gia các mạng lưới kiểm định quốc tế; tham gia các mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế.

“Tuy nhiên, quốc tế hóa giáo dục là một quá trình lâu dài và liên tục thay đổi, trong đó việc thu hút sinh viên quốc tế đến học là một chỉ số đánh giá mức độ thành công của quốc tế hoá giáo dục. Do đó, rất cần thiết có những chính sách, quy định đồng bộ và linh hoạt từ Quốc hội, Chính phủ và TP.HCM để có thể thực hiện”, PGS.TS Bùi Hoài Thắng nhận định và cho biết, mục tiêu của Trường ĐH Bách khoa đến năm 2025 là có 1% sinh viên quốc tế và đến 2030 có 2% sinh viên quốc tế đến học.

Tại hội nghị, TS. Phan Thị Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen trình bày tham luận “Xây dựng văn hóa hội nhập trong môi trường ĐH tại TP.HCM” cho rằng, một trường ĐH để xây dựng môi trường hội nhập cần xác định rõ tầm nhìn đưa trường ĐH đó đạt vị trí quan trọng trong xếp hạng quốc tế, trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động quốc tế và thu hút sinh viên quốc tế đến học tập. Theo TS. Phan Thị Việt Nam, mô hình xây dựng văn hóa hội nhập gồm: Liên kết quốc tế trong đào tạo; Cơ sở giáo dục đạt kiểm định quốc tế, chương trình đào tạo đạt kiểm định quốc tế và được xếp hạng quốc tế; Tầm nhìn và mục tiêu triết lý giáo dục hướng đến hội nhập quốc tế; Công bố nghiên cứu khoa học quốc tế; Đội ngũ nhân sự đạt chuẩn quốc tế; Môi trường trải nghiệm hội nhập; Ứng dụng công nghệ, liên kết nguồn lực mở và đặc biệt là cơ sở chính sách cởi mở.

2.ts-phan-thi-viet-nam.jpg
TS. Phan Thị Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen trình bày tham luận.

Từ đó, TS. Phan Thị Việt Nam kiến nghị TP cần có những cơ chế, chính sách đặc thù cho các trường ĐH như: Tạo điều kiện cho các trường khai thác quan hệ đối ngoại giữa TP và các quốc gia trong hợp tác giáo dục, tiếp cận các quỹ quốc tế đầu tư cho giáo dục và dự án cộng đồng trong mạng lưới đối ngoại, tiếp cận quỹ đất cho giáo dục nhằm mở rộng, hiện đại hóa cơ sở vật chất để đủ chuẩn liên kết với các trường ĐH uy tín thế giới. Tháo gỡ các rào cản hành chính trong việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài; TP cần có quỹ học bổng và chính sách đặc thù dành cho sinh viên quốc tế đến học tập và sinh sống tại TP,… Các trường ĐH có các trung tâm nghiên cứu được hưởng chính sách thu hút chuyên gia trong Nghị quyết 98 (không phân biệt công lập với tư thục, dựa trên cam kết nhiệm vụ được đặt hàng với Thành phố).

“Phải đầu tư thì mới có được kết quả”

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sớm gửi gợi ý về tiêu chuẩn đại học khởi nghiệp để từng trường đăng ký. Từ đó đề xuất để TP có chính sách đầu tư, hỗ trợ cho các trường phát triển; các trường đăng ký đầu tư xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Hoàn thành đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo thu hút sinh viên khu vực và thế giới.

“Chúng ta phải đầu tư thì mới có được kết quả. TP sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỉ đồng, hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm cho việc đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ cho phát triển xã hội của TP mà cho phát triển kinh tế xã hội của cả nước”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định.

Liên quan đến Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành: Công nghệ thông tin - truyền thông; Cơ khí - tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị) giai đoạn 2020 – 2035, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị hoàn thành đề án như một đề tài nghiên cứu khoa học. Song song đó cần triển khai kế hoạch, cố gắng đến tháng 6/2024 triển khai được kế hoạch đào tạo của ít nhất 4 ngành, sau đó tiếp tục hoàn thành 4 ngành còn lại. "Các sở ngành và trường phải trả lời cho được cần đào tạo những ngành nào, số lượng bao nhiêu, ai sẽ tham gia đào tạo và TP phải có chính sách nào?” - ông Mãi nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm quốc tế cũng cần sớm được hoàn thiện. TP sẵn sàng đầu tư để hình thành các trung tâm xuất sắc tại các trường đại học. Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng đề nghị phải nâng cao chất lượng và phát huy hoạt động của Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TP.HCM bằng cách tăng cường hơn góp ý của các đại học, đặc biệt là các hiệu trưởng đối với tầm nhìn, chiến lược các đề án, kế hoạch phát triển các chính sách của TP.HCM.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Hội đồng năm 2023. Trọng tâm, Hội đồng đã tập trung cho Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế 8 ngành (Công nghệ thông tin - Truyền thông, Cơ khí - Tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo, Quản trị doanh nghiệp, Tài chính - Ngân hàng, Y tế, Du lịch, Quản lý đô thị) giai đoạn 2020 - 2035 và ĐH chia sẻ; và Đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo thu hút sinh viên khu vực và thế giới. Các đề án thành phần được TP.HCM đặt hàng, các cơ sở giáo dục ĐH chủ trì thiết kế, xây dựng và đến nay Sở Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt và ký kết hợp đồng thực hiện 7/9 đề án với tổng kinh phí là 8.371.000.000 đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: 'Sẵn sàng đầu tư hàng nghìn tỉ đồng đào tạo nguồn nhân lực mỗi năm'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO