Y học

Chăm sóc sức khỏe hệ tiết niệu khi dùng rượu ngày Xuân

Hương Cát 08/02/2024 - 16:34

Tết đến xuân về, không có gì tuyệt vời hơn uống một ít bia rượu để chung vui cùng người thân và bạn bè. Khi chúng ta uống đồ uống có cồn một cách có trách nhiệm sẽ đem lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe; nhưng nếu sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn sẽ đưa đến nhiều tác hại đến sức khỏe nói chung và sức khoẻ hệ tiết niệu nói riêng.

824f599a641fd4652b87a28fdf01c896.jpeg
Khi chúng ta uống đồ uống có cồn một cách có trách nhiệm với số lượng vừa phải sẽ đem lại những lợi ích tuyệt vời như kích thích tiêu hóa, ăn uống ngon miệng...

Thời gian gần đây, Bệnh viện Bình Dân vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam 30 tuổi, tên D. Đ. H, nhập viện do đau bụng kèm tiểu máu. Trước nhập viện 1 ngày, anh H đã đi ăn tất niên với công ty và uống bia hơi nhiều. Trên đường về, anh H bị té đập bụng xuống đường. Thấy xây xước không đáng kể, anh H không đến bệnh viện kiểm tra, về nhà nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, sau đó, anh H thấy đau bụng ngày càng nhiều, đi tiểu khó khăn, tiểu ra máu. Hôm sau anh được người nhà đưa đi khám tại Bệnh viện Bình Dân và bác sĩ chẩn đoán anh H bị vỡ bàng quang. Anh được mổ cấp cứu khâu lại chỗ vỡ bàng quang bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. Do nhập viện kịp thời, sau 5 ngày, bệnh nhân đã xuất viện và không để lại biến chứng gì nghiêm trọng.

Tết đến Xuân về, không có gì tuyệt vời hơn uống một ít bia rượu để chung vui cùng người thân và bạn bè. Khi chúng ta uống đồ uống có cồn một cách có trách nhiệm với số lượng vừa phải sẽ đem lại những lợi ích tuyệt vời như kích thích tiêu hóa, ăn uống ngon miệng, tăng lưu thông máu, giảm nguy cơ tim mạch và giúp tinh thần phấn chấn, dịu bớt căng thẳng. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn sẽ đưa đến nhiều tác hại đến sức khỏe nói chung và sức khỏe hệ tiết niệu nói riêng.

Rượu ảnh hưởng đến sức khỏe hệ tiết niệu

Vỡ bàng quang

Khi chúng ta uống quá nhiều đồ uống có cồn sẽ gây tăng tiết nước tiểu và có những rối loạn nhận thức. Điều này làm giảm cảm giác mắc tiểu dù bàng quang đã đầy. Đồng thời cơ thể uể oải nên đôi lúc chúng ta sẽ “quên đi tiểu”. Trong thời điểm bàng quang đang căng đầy, nếu có những lực tác động cho dù là nhẹ vào vùng bụng thì cũng có thể làm bàng quang bị vỡ.

ThS.BS Huỳnh Đoàn Phương Mai, Điều hành khoa Niệu nữ - Niệu chức năng, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, cảnh báo: “Khi vỡ bàng quang người bệnh sẽ có các triệu chứng như đau bụng, không thể đi tiểu, tiểu máu. Nếu người bệnh có các triệu chứng này sau chấn thương vùng bụng cần đến ngay các cơ sở y tế để được đánh giá và can thiệp sớm, tránh các biến chứng nặng nề. Nếu vỡ bàng quang phát hiện trễ, nước tiểu chảy vào ổ bụng quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc, có thể gây nguy hiểm tính mạng”.

f22a06aff27d5823016c.jpg
Êkíp mổ của các bác sĩ khoa Niệu nữ, Bệnh viện Bình Dân, đang thực hiện ca nội soi khâu lỗ thủng bàng quang

Bí tiểu cấp

Rượu bia sẽ làm suy yếu các tín hiệu mà não gửi đến phần còn lại của cơ thể, bao gồm cả bàng quang và làm cho khả năng kiểm soát việc đi tiểu của bàng quang bị suy giảm. Theo BS Mai, khi đó bạn sẽ không nhận ra rằng bàng quang của mình đã đầy và cần phải đi tiểu.

“Khi trong bàng quang có một lượng nước tiểu quá lớn, làm cho bàng quang không còn khả năng co bóp để tống xuất được nước tiểu, dẫn đến bí tiểu. Lúc này cần phải đến các cơ sở y tế để được đặt ống thông để xả nước tiểu ra. Các bác sĩ thống kê, số trường hợp cần đặt ống thông tiểu cấp cứu trong những dịp lễ tết tại các bệnh viện thường tăng cao đáng kể”, ThS.BS Phương Mai cho biết.

Tiểu nhiều lần và tiểu gấp

Nếu uống nhiều đồ uống có cồn, sẽ khiến cho bàng quang của bạn phải làm việc nhiều hơn do lượng nước tiểu sẽ tăng nhanh hơn. Từ đó nhu cầu đi tiểu sẽ tăng lên nhiều hơn, đặc biệt ở những người có chứng bệnh bàng quang tăng hoạt thì các triệu chứng sẽ càng trầm trọng hơn.

Nhiễm trùng tiết niệu

Người bệnh đang điều trị bệnh lý nhiễm trùng tiết niệu không nên uống bia rượu khi đang điều trị. Bia rượu có thể gây kích ứng bàng quang, ảnh hưởng lên khả năng chống nhiễm trùng của bàng quang. Ngoài ra nó còn làm tăng độ axit trong nước tiểu làm kích thích niêm mạc bàng quang.

Những điều trên sẽ khiến cho các triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu trở nên tồi tệ hơn. Đồ uống có cồn là một chất lợi tiểu, khiến cơ thể mất nước làm nước tiểu sẽ bị cô đặc lại. Nước tiểu bị cô đặc chính là tác nhân có thể gây kích ứng bàng quang và làm niêm mạc bàng quang có phản ứng viêm.

Giảm ham muốn và kích thích tình dục ở cả nam và nữ

Lạm dụng đồ uống có cồn có thể gây giảm ham muốn tình dục, cũng như đạt cực khoái ít mãnh liệt hơn hoặc chậm hơn. Do sự hưng phấn phụ thuộc vào sự lưu thông máu, rượu bia sẽ làm giảm tuần hoàn máu, nên chúng ta sẽ giảm ham muốn và khó đạt cực khoái hơn.

Bí quyết giải rượu ngày Xuân

Theo BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Cơ sở 3, vui Xuân, chúc Tết chắc hẳn sẽ không thiếu chén rượu mừng. Nhưng khi “quá chén” có thể sẽ khiến cơ thể mỏi mệt dài ngày. Một số cách giải rượu sẽ giảm các triệu chứng khó chịu khi say rượu theo kinh nghiệm của y học cổ truyền.

Giải rượu với trái cây Trái quýt

Sau khi uống rượu bia, ăn một vài trái quýt hoặc ép trái quýt lấy nước uống sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, giải bia rượu, giảm say rất hay.

qua-quyt.jpg
Giải rượu với trái quýt

Dưa hấu

Ăn thịt trái dưa hấu hai và dùng vỏ quả dưa hấu xay lấy nước mà uống sẽ giúp giải rượu rất nhanh.

Giải rượu với lá dong

Trong cuốn sách “Những cây thuốc vị thuốc Việt Nam” của giáo sư Đỗ Tất Lợi có ghi rõ công dụng của lá dong như sau: Lá dong có khả năng chữa say rượu nhanh chóng; có công dụng làm mát gan, giải độc, hạ men gan...

la-giong-giai-ruou-3-7275-1613178781.jpg
Giải rượu với lá dong

Cách dùng: lấy một nắm lá dong, khoảng từ 100 g - 200g rửa sạch để ráo nước, sau đó đem giã ra vắt lấy nước cốt cho người đang trong tình trạng say sỉn uống, cơn say sẽ biến mất chỉ trong vòng 20 phút, sau khi uống nước lá dong.

Giải rượu với hoa sắn dây tươi

Hoa sắn dây tươi 30 - 50g. Rửa sạch, giã nát, thêm 50ml nước chín quấy đều, ép vắt lấy nước uống 1-2 cốc (100 - 150ml).

Giải rượu với rau má

Rau má tươi 100g, 2 trái chanh, 1g muối ăn. Rau má tươi rửa sạch, giã nhỏ, ép lấy nước cốt, vắt thêm nước chanh trộn đều thêm muối, uống 1 - 2 cốc (150 - 300ml). Hoặc chỉ dùng rau má, rửa sạch, giã nhỏ ép lấy nước cốt, hòa thêm nước chín nguội, uống 2-3 cốc (200 - 300ml).

Giải rượu bằng của địa liền tươi

Củ địa liền tươi, rửa sạch, giã nhỏ ép lấy 100ml uống 1 lần.

Giải rượu bằng lá cây Kiến cò tươi (Bạch hạc)

Lá cây Kiến cò 50g, rửa sạch, giã nhỏ, hoà vào 200ml nước chín nguội quấy đều, gạn lấy nước trong uống.

bach_hac_9d9eda556f.png
Giải rượu bằng lá cây Kiến cò tươi (Bạch hạc)

Giải rượu bằng rễ cỏ tranh tươi

Dùng rễ cỏ tranh tươi 100g, rửa sạch, giã nhuyễn, thêm 100ml nước chín quấy đều ép lấy nước pha thêm 10 - 15g đường cát uống.

Giải rượu bằng chanh tươi

Chanh tươi 1 trái, vắt lấy nước cho uống hoặc thái mỏng cho ăn luôn cả quả càng tốt.

Giải rượu bằng vỏ quýt phơi khô

Vỏ quýt phơi khô (vị thuốc Trần Bì) 30g sao thơm tán vụn, mơ chua 2 trái bỏ hạt thái vụn. Hai vị đem sắc nhỏ lửa với 360 ml nước, sau 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước cho uống. Nếu có thêm một chút nước gừng tươi hoặc trà càng hay.

Giải rượu bằng búp trà và trái quất

Trà búp 5g, trái quất hoặc mứt quất 16g thái vụn. Hai thứ đem hãm với nước sôi, uống đặc. Hoặc Trà búp 9g, cà rốt tươi 60g, vỏ bí xanh 15g. Ba vị sắc uống.

Theo BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, bên cạnh các giải pháp nói trên, sau khi uống rượu nên uống nhiều nước, vì rượu khiến cơ thể tăng bài tiết nước tiểu dẫn đến tình trạng mất nước. Vì thế, uống nhiều nước là biện pháp đơn giản nhưng khiến bạn cảm thấy dễ chịu và đỡ mệt mỏi hơn. Song song đó, nghỉ ngơi và ngủ sâu, ngủ đủ giấc cũng là biện pháp giúp khôi phục cơ thể và giảm nhẹ các biểu hiện khó chịu của say rượu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăm sóc sức khỏe hệ tiết niệu khi dùng rượu ngày Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO