Khoa học

CARE xử lý nhiều vấn đề khoa học quan trọng về nước

Công Chương 16/11/2023 - 08:18

Sau 10 năm hình thành và phát triển, Trung tâm nghiên cứu châu Á về nước (CARE) đã thực hiện nhiệm vụ với nhiều kết quả đáng khích lệ, xử lý nhiều vấn đề khoa học quan trọng về nước tại Việt Nam và khu vực.

Chiều 15/11, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm nghiên cứu châu Á về nước (CARE).

Tham dự chương trình có Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, đại diện Viện nghiên cứu và Phát triển quốc gia Pháp, Trường Đại học Bách khoa Grenoble- Pháp, ĐHQG TP.HCM...

care-6.jpg
PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, cho biết 10 năm trước, vào ngày 19/11/2013, Trung tâm nghiên cứu châu Á về nước (CARE) đã được thành lập tại Trường Đại học Bách khoa với sứ mệnh đào tạo - nghiên cứu - chuyển giao trong lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường, biến đổi khí hậu tại TP.HCM và khu vực phía Nam. Trải qua thời gian dài với nhiều thách thức lớn về môi trường, CARE đã và đang kiên trì thực hiện nhiệm vụ của mình với nhiều kết quả đáng khích lệ.

Theo PGS.TS Mai Thanh Phong, nghiên cứu tại CARE luôn có sự tham gia sâu rộng và chặt chẽ của các trường thành viên mạng lưới RESCIF, sự tài trợ của Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, Viện Khoa học Địa chất Môi trường tại Grenoble (Pháp) và nhiều tổ chức quốc tế khác,...

Với 10,5 tỉ đồng đầu tư từ ĐHQG TPHCM, 10 năm qua, CARE đã kêu gọi được 25 dự án trong nước và quốc tế, có được 125 bài báo khoa học ISI, 72 bài báo ngoài ISI, 8 tiến sĩ được đào tạo. Cùng với đó là khoảng 200 lượt thực tập và trao đổi học thuật của các nhà khoa học, sinh viên nước ngoài.

Bên cạnh yếu tố quốc tế, các nghiên cứu tại CARE còn mang tính liên ngành cao khi huy động sự tham gia của các khoa thuộc Trường (khoa Kỹ thuật Xây dựng, Khoa Môi trường & Tài nguyên, Khoa Kỹ thuật Hóa học, Khoa Kỹ thuật Địa chất & Dầu khí, khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính). Song song đó, chương trình còn mở rộng hợp tác với các đơn vị khác (Viện Môi trường & Tài nguyên, Khoa Địa lý của trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, khoa Môi trường của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Viện Phát triển bền vững của Đại học Tài nguyên và Môi trường…).

“Hoạt động tích cực trong thời gian qua là minh chứng cho thấy CARE đã thực hiện cam kết của mình trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực nước tại Việt Nam và khu vực.

Trong giai đoạn tiếp theo, CARE tiếp tục phát triển các định hướng nghiên cứu của giai đoạn 1 và phát triển các hướng nghiên cứu mới theo tiêu chí mới về chất lượng không khí; tương tác giữa chất lượng nước và xã hội; khí tượng thủy văn và dự báo lũ; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế…” - PGS-TS Mai Thanh Phong chia sẻ.

care-4.jpg
Quang cảnh lễ kỷ niệm.

Trung tâm châu Á nghiên cứu về Nước được thành lập tháng 11/2013 trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác quốc tế giữa Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, Viện nghiên cứu và Phát triển quốc gia Pháp và Trường Đại học Bách khoa Grenoble- Pháp, nhằm phát triển các dự án nghiên cứu liên kết và các hoạt động đào tạo giữa các tổ chức nghiên cứu – đào tạo của Việt Nam và châu Âu về các vấn đề liên quan đến môi trường trọng điểm trong khu vực, bao gồm các lĩnh vực quản lý bền vững tài nguyên nước, kiểm tra ô nhiễm nước và nước thải, ô nhiễm không khí, đánh giá dễ tổn thương của chu trình nước và sinh thái môi trường.

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM chia sẻ, chiến lược Phát triển ĐHQG TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã xác định các nội dung chiến lược gồm: đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học – công nghệ liên ngành giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới; tăng cường hợp tác và chủ động hội nhập hướng đến hiện thực hóa tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam.

“Trên cơ sở này, cùng với nới những thành tựu mà Trung tâm đạt được trong thời gian qua, ĐHQG TP.HCM cam kết luôn hỗ trợ, đồng hành cùng sự phát triển của Trung tâm CARE và kỳ vọng Trung tâm sẽ tiếp tục hoạt động hiệu quả thông qua hợp tác quốc tế, thu hút thêm sự tham gia của các nhà nghiên cứu và sinh viên tài năng, có thêm nhiều công bố quốc tế, góp phần khẳng định uy tín và vị thế của Trường Đại học Bách khoa và ĐHQG TP.HCM trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế...” - PGS.TS Nguyễn Minh Tâm chia sẻ.

  • Mạng lưới các trường Đại học kỹ thuật Pháp ngữ xuất sắc, Le Réseau d’Excellence des Sciences de l’Ingénieur de la Francophonie (viết tắt là RESCIF), được thành lập từ sáng kiến của Trường Đại học Bách Khoa Lausanne (EPFL), nhằm tạo một sự liên kết và hỗ trợ nhau trong nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa một số trường đại học kỹ thuật sử dụng tiếng Pháp.
  • RESCIF gồm 17 trường đại học kỹ thuật, từ 13 nước tại Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi và Trung đông, tập trung vào các lĩnh vực, các vấn đề quan tâm của thế giới, nhất là các nước đang phát triển: nước, năng lượng, sức khỏe, lương thực, phát triển đô thị, khởi nghiệp và dữ liệu lớn.
  • Hoạt động của RESCIF tập trung qua trao đổi chuyên gia, các sinh viên thực tập tại các phòng thí nghiệm của mạng lưới; đồng thời phát triển hệ thống các giáo trình mở trực tuyến, MOOCs, dùng chung...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
CARE xử lý nhiều vấn đề khoa học quan trọng về nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO