Loài mực có tên khoa học là Hapalochlaena thuộc họ bạch tuộc (Octopodidea) được gọi là mực tuộc, mực đốm xanh hay mực tuộc đốm xanh. Loài mực này sống nhiều ở ven biển thuộc các tỉnh duyên hải Trung bộ nước ta như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa. Trong những năm qua đã có nhiều người bị ngộ độc dẫn đến tử vong do ăn hay bị chích bởi loài thủy sản này.
Đây là một loài mực nhỏ có những vòng xanh lốm đốm trên da, nặng khoảng 50 - 60 g, có các xúc tu dài 8 - 10 cm. Màu sắc của mực thường thay đổi theo môi trường xung quanh, như chuyển thành màu nâu nhạt, màu xanh lá cây, vàng, da cam để tránh kẻ thù. Khi tự vệ hoặc tấn công, thường các vòng xanh nước biển trên da hiện lên rất rõ, còn khi thua chạy, mực có thể chuyển thành màu trắng và nằm ép sát xuống đáy biển.
Cơ thể mực có chứa tetrodotoxin, độc tố thần kinh rất mạnh, rất bền với nhiệt độ, dù có đun sôi, phơi khô hay sấy khô vẫn tồn tại. Tetrodotoxin được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa trong 5 - 10 phút, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút. Chất tetrodotoxin sẽ tác dụng lên thần kinh trung ương làm liệt các trung khu thần kinh, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng do liệt cơ hô hấp và hạ huyết áp. Liều gây tử vong đối với người là 1 - 2 mg. Trong trường hợp nhẹ, sau khi ăn khoảng 10 phút đến vài giờ người bệnh sẽ thấy tê môi, lưỡi, miệng, mặt, tê các ngón tay, bàn tay, ngón chân và bàn chân; đồng thời thấy đau đầu, vã mồ hôi; đau bụng, buồn nôn và nôn, tăng tiết nước bọt. Tetrodotoxin cũng hiện diện ở cá nóc.
Để chủ động đề phòng ngộ độc, khi mua đồ biển cần xem xét cẩn thận để khỏi mua nhầm loài mực độc này.
Cách xử trí ngộ độc: cũng như các loại ngộ độc thực phẩm khác, việc đầu tiên là tìm mọi cách làm cho nôn thức ăn ra. Khi gây nôn chú ý để bệnh nhân nằm nghiêng, đầu thấp để tránh sặc. Cho bệnh nhân uống than hoạt càng sớm càng tốt để hấp phụ chất độc và hơi độc ở đường tiêu hóa. Đưa bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện.
PHƯƠNG THANH