Y học

Can thiệp bào thai - Giải pháp cuối cùng cứu sống thai nhi

Ngọc Ngân 18/12/2023 18:32

Ôm đứa con đỏ hỏn vừa mới sinh trong vòng tay, chị H. và người thân vui mừng không cầm được những giọt nước mắt hạnh phúc. Nhớ lại hành trình mang thai 9 tháng vừa trải qua để đưa con mình đến với thế giới tươi đẹp này, chị H. chỉ biết thốt lên: “Thật màu nhiệm và thiêng liêng!”.

Chị H. 25 tuổi, nhà ở Bắc Giang, lập gia đình một năm thì có thai tự nhiên. Khám thai lần đầu tại Bắc Giang, phát hiện song thai 7 tuần. Tái khám lúc 11 tuần thì siêu âm cho kết quả một thai sống 11 tuần và một phôi thai 9 tuần không rõ tim thai.

Từ Bắc Giang, chị H. lặn lội đến các bệnh viện chuyên khoa Sản lớn tại Hà Nội để được khám và tư vấn tình trạng thai. Kết quả khám cho thấy một thai phát triển tốt còn một khối thai không rõ tim thai nhưng kích thước vẫn lớn lên theo thời gian. Các bác sĩ nghi ngờ đây là một biến chứng thai kỳ trong song thai “1 nhau - 2 ối” mà thuật ngữ chuyên môn gọi là hội chứng TRAPS. Ngay lập tức, chị được các bác sĩ tư vấn đến Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM để điều trị.

TRAPS là một biến chứng hiếm gặp của song thai có chung một bánh nhau, nguyên nhân chính xác vẫn chưa rõ ràng, TRAPS được cho là kết quả của sự thông nối bất thường giữa các mạch máu trong bánh nhau của cả hai thai. TRAPS xảy ra ở khoảng 1% các trường hợp song thai một bánh nhau, với tỷ lệ 1/35.000 ca sinh.

Trong hội chứng TRAPS, có một thai được gọi là "thai không tim", "thai TRAP", là khối thai không có tim hoặc có tim nhưng không hoạt động và nhận máu từ thai còn lại được gọi là “thai bơm”. Bởi vì chỉ có một trái tim của thai bơm phải bơm máu cho cả hai thai, nên khiến cho “thai bơm” có nguy cơ bị suy tim.

Theo các bác sĩ, nếu TRAPS không được điều trị, tỷ lệ “thai bơm” sẽ không sống sót lên đến 50% - 75% trường hợp do suy tim. Khi thai không tim sẽ không thể sống và phát triển bất thường sẽ ngày càng lớn, lúc này nguy cơ đối với “thai bơm” tăng lên.

Trước nguy cơ tử vong của thai bình thường (thai bơm), ngày 23/8/2023, từ Bắc Giang hai vợ chồng chị H. lặn lội đến Khoa Chăm sóc trước sinh Bệnh viện Từ Dũ khám và siêu âm, cũng như tư vấn tiền sản. Kết quả cho thấy, tình trạng thai chị H. là song thai “có chung 1 nhau và 2 túi ối, thai được 22 tuần 4 ngày, cả 2 thai bị đa ối, kèm hội chứng TRAPS (kích thước khối thai không đầu, không tim 72x121x65 mm)”. Lúc này, các bác sĩ hội chẩn và quyết định cho chị Hạnh nhập viện để chuẩn bị phẫu thuật kẹp tắc dây rốn nuôi khối thai bất thường nhằm cứu sống thai bình thường còn lại.

sieu-am-thai.jpg
Chị H. được siêu âm và xét nghiệm tiền phẫu kỹ càng trước khi bước vào ca mổ

Sau khi hoàn tất hồ sơ bệnh án, xét nghiệm tiền phẫu, sáng ngày 24/8, BS trưởng khoa Chăm sóc trước sinh trực tiếp thực hiện ca mổ. Dưới hướng dẫn của siêu âm đưa Trocart vào buồng ối của khối thai bất thường, tiến hành kẹp tắc dây rốn nuôi khối thai không đầu, không tim. Sau đó, phổ Doppler không thấy dòng máu chảy vào khối thai bất thường nữa. Đồng thời, các bác sĩ tiến hành giảm ối được 1.000ml từ buồng ối thai bất thường và lấy 30ml nước ối từ khoang ối thai bình thường để làm xét nghiệm Karyotype (nhằm xem thai bình thường còn lại có bị bất thường nhiễm sắc thể không).

ca-mo.jpg
Ê kíp bác sĩ khoa Chăm sóc trước sinh trong phòng mổ

Sau phẫu thuật, chị H. xuất hiện dấu hiệu sanh non với cơn gò liên tục. Chị được các bác sĩ điều trị giảm gò bằng thuốc Tractocile (thuốc tác dụng đối vận lên thụ thể Oxytocin, cắt cơn gò tử cung). Sau khi truyền được 4 lọ, cơn gò tử cung thưa dần và chị được chuyển sang thuốc dưỡng thai dạng uống và xuất viện sau đó 2 ngày.

Chị H. về nhà tiếp tục khám thai tại Bắc Giang sau đó mỗi 2 tuần. Một tín hiệu đáng mừng là kết quả thăm khám mỗi lần đều cho thấy thai phát triển rất tốt, mọi chỉ số trên siêu âm cho thấy thai lớn lên theo đúng với tuổi thai; khối thai bất thường không lớn lên nữa và sau đó có xu hướng nhỏ dần. Kết quả khiến chị H. tạm yên tâm dần và niềm hy vọng, niềm háo hức chờ đợi chào đón thiên thần lớn dần lên trong chị khi chị bước qua các cột mốt quan trọng như 28 tuần, 32 tuần, 36 tuần và rồi cuối cùng chị cán đích được 38 tuần 3 ngày. Mặc dù trong suốt hành trình này chị phải dưỡng thai liên tục vì tình trạng đa ối và dọa sanh non.

Sáng ngày 12/12/2023, chị Hạnh được mổ lấy thai và chào đón thiên thần đáng yêu của mình trong vòng tay yêu thương ấm áp với niềm hạnh phúc trào dâng là một bé trai kháu khỉnh cân nặng 3.300g. Chị Hạnh bày tỏ lòng biết ơn đến Khoa Chăm sóc trước sinh của Bệnh viện Từ Dũ đã kịp thời xử trí thành công ca mổ cứu sống con chị.

ca-mo_1.jpg
Vỡ òa trong niềm hạnh phúc "mẹ tròn - con vuông"

Qua đây cho thấy, y học bào thai đã phát triển vượt bậc không chỉ ở các nước phát triển mà ngay tại Việt Nam cũng đã cứu sống nhiều trường hợp bất thường bẩm sinh mà trước đây không có cơ hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Can thiệp bào thai - Giải pháp cuối cùng cứu sống thai nhi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO