Cần đổi mới hoạt động tổ chức công đoàn tại các trường đại học
Trong bối cảnh của sự phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra sâu rộng, dẫn đến nhiều yếu tố cần đổi mới ở hoạt động tổ chức công đoàn.
Đây là chia sẻ của TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, tại Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở tại các trường đại học trong tình hình mới”, chiều 2/7.
Theo TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, nhấn mạnh tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn là một thiết chế quan trọng trong việc duy trì ổn định và phát triển các trường đại học. Chính vì vậy, trong bối cảnh của sự phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra sâu rộng, dẫn đến nhiều yếu tố cần đổi mới ở hoạt động tổ chức công đoàn.
"Tọa đàm nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ công đoàn và công đoàn viên tại các trường đại học chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn – Đây cũng là hoạt động cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới", TS. Lê Trường Sơn chia sẻ.
Giải pháp đổi mới chất lượng hoạt động công đoàn
Tọa đàm được chia làm 2 phiên thảo luận với 6 tham luận được trình bày. Ở phiên thứ nhất là tham luận “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM trong tình hình mới” của ThS. Đặng Kiên Cường – Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.
Tham luận đã đi sâu phân tích về những nguyên nhân dẫn đến hạn chế của chất lượng hoạt động công đoàn nói chung và tại các cơ sở giáo dục đại học nói riêng như phương thức tập hợp người lao động còn mang nặng tính hành chính; người lao động chưa hiểu được một cách đầy đủ về vai trò chức năng của tổ chức công đoàn; công tác kiểm tra thực hiện pháp luật lao động trong các công đoàn bộ phận chưa thường xuyên...
Từ đó, nhóm nghiên cứu đưa ra các giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn; xây dựng nguồn tài chính cho công đoàn; đổi mới nâng cao công tác vận động phát triển đoàn viên; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn để đáp ứng tình hình mới; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp.
Từ góc độ thực tiễn hoạt động Công đoàn tại Trường Đại học Luật TP.HCM, TS. Lê Thế Tài – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Đại học Luật TP.HCM đã chia sẻ những giải pháp đổi mới chất lượng hoạt động của công đoàn như: sửa đổi xây dựng hệ thống quy định về công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ; tham gia cùng với Ban Giám hiệu trường trong việc phối hợp trong công tác hợp tác, đối ngoại; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công đoàn viên và người lao động. Từ kết quả hoạt động thực tiễn đã đạt những kết quả nhất định trong việc xây dựng mối quan hệ hài hòa, thân thiện trong môi trường làm việc; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có chuyên môn nghiệp vụ.
Xây dựng môi trường công bằng
Tại phiên thứ hai của tọa đàm, nhiều bài học kinh nghiệm về triển khai thực hiện công tác nữ công tại các trường đại học; sự phối hợp của công đoàn cơ sở trong tổ chức hội nghị viên chức, người lao động hàng năm đáp ứng yêu cầu mới trong luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và một số chế độ, quyền lợi của người lao động tại cơ sở giáo dục đại học đã được các diễn giả chia sẻ.
Theo ThS. Trần Thị Ánh Minh – Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Luật TP.HCM, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở không chỉ có những quy định đổi mới trong việc tổ chức Hội nghị viên chức, người lao động hàng năm mà còn tập trung đổi mới phương thức đôn đốc, triển khai việc thực hiện nghị quyết của Hội nghị. Chính vì vậy, thông qua việc phối hợp tổ chức Hội nghị viên chức, người lao động hàng năm, Công đoàn cơ sở góp phần quan trọng trong việc xây dựng một môi trường làm việc công bằng, bền vững và phát triển, đồng thời đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người lao động tại các trường đại học.
TS. Đinh Thị Chiến – Giảng viên dạy môn Luật Lao động của Trường Đại học Luật TP. HCM, lưu ý, ngoài quy định của pháp luật, quyền lợi của người lao động còn được quy định trong các văn bản nội bộ của cơ sở giáo dục đại học như thoả ước lao động tập thể, quy chế lương thưởng đối với các cơ sở tư thục; hoặc quy chế thu chi nội bộ đối với các cơ sở giáo dục công lập. Một nguyên tắc quan trọng của pháp luật mà cán bộ công đoàn cần biết để đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động là các quy định nội bộ không được trái với quy định của pháp luật.
Tổng kết hội thảo, ThS. Huỳnh Công Ba - Phó Ban Cán sự Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết những ý kiến đóng góp và giải pháp được đề xuất tại tọa đàm sẽ tiếp tục là nền tảng quan trọng giúp các công đoàn viên tại các trường đại học cùng nhau phát triển, nâng cao hiệu quả công việc trong bối cảnh mới.