Khoa học

Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững khu vực phía nam

Ngọc Hân, Trung tâm Tư vấn Phát triển Thương hiệu Việt Nam. 04/09/2024 - 16:30

Ngày 29/8/2024, tại TP. Tây Ninh, Văn phòng phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp để các nhiệm vụ khoa học và công nghệ góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững khu vực phía Nam”.

Nhằm đưa ra giải pháp thúc đẩy các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại khu vực phía Nam, đồng thời tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm triển khai các nhiệm vụ KH&CN tại các địa phương, Văn phòng phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo khoa họcGiải pháp để các nhiệm vụ khoa học và công nghệ góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững khu vực phía Nam vào ngày 29/8/2024 tại TP. Tây Ninh.

Đến tham dự hội thảo có ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN, Giám đốc Văn phòng phía Nam; bà Nguyễn Thị Kim Quyên, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Tây Ninh; TS Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ; ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu trí tuệ; … cùng sự tham dự của gần 200 đại biểu đại diện cho các Cơ quan của Bộ KH&CN, các Sở KH&CN khu vực phía Nam; các Sở, Ban, Ngành của tỉnh Tây Ninh; các Viện nghiên cứu, Trường Đại học; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và các báo đài truyền thông.

k1.jpg
Ảnh toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN, khằng định: các quốc gia hàng đầu thế giới đều phát triển dựa trên nền khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đây là công cụ then chốt thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước; hội thảo sẽ là cơ hội các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng nhau đóng góp cho các giải pháp về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý để các nhiệm vụ KH&CN đóng góp ngày càng hiệu quả hơn, thiết thực hơn nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của từng địa phương nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung.

k2.png
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN, Giám đốc Văn phòng phía Nam, phát biểu khai mạc hội thảo

Bà Nguyễn Thị Kim Quyên, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Tây Ninh, cũng chia sẻ: Tây Ninh là tỉnh miền Đông Nam Bộ thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam và có nhiều lợi thế về vị trí địa lý. Năm 2024, tỉnh Tây Ninh xác định là năm cao tốc để hoàn thành kế hoạch phá triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2012-2025. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế-xã hội tỉnh Tây Ninh đã đạt nhiều kết quả tích cực, GRDP tăng 7,9% so với và đứng nhất về tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ, xếp thứ 17/63 tỉnh thành cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, công tác cải cách hành chính được hình thành theo hướng công nghiệp hóa gắn với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, an sinh xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh được giữ vững và đóng góp vào sự thành công chung của tỉnh không thể không kể đến vai trò quan trọng của ngành khoa học công nghệ và các hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo.

k3.jpg
Bà Nguyễn Thị Kim Quyên, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Tây Ninh, phát biểu chào mừng

Mở đầu hội thảo, bà Phạm Thị Phương Dung, đại diện Văn phòng các Chương trình KH&CN Quốc gia (Bộ KH&CN), đã giới thiệu về các chương trình KH&CN quốc gia; các quỹ phát triển hoạt động KH&CN; mô hình tổ chức và các văn bản liên quan đến quản lý và triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cũng như một số kết quả đã đạt được trong gia đoạn vừa qua.

Tiếp đến trong tham luận của mình, ông Phạm Ngọc Minh,Viện trưởng Viện Nghiên cứu đổi mới và Phát triển bền vững (nguyên Giám đốc Văn phòng Chương trình KH&CN Tây Nam bộ) đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác triển khai nhiệm vụ KH&CN quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Bộ, như: tăng cường hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp giúp thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và kinh doanh; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo; tạo chính sách hỗ trợ tài chính và cơ chế khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và quảng bá các thành tựu KH&CN để nâng cao nhận thức và thu hút sự quan tâm của cộng đồng và doanh nghiệp.

Về phía Cục Sở hữu trí tuệ, ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu trí tuệ đã giới thiệu các nội dung, hoạt động, kết quả đạt được và định hướng của Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Mục tiêu chung của chương trình là: đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Để đạt được mục tiêu này, chương trình tập trung vào một số nội dung chính như:

- Tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ;

- Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước;

- Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ;

- Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

- Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;

- Hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước; tạo ra môi trường pháp lý và chính sách thuận lợi nhằm thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các chiến lược dài hạn cho việc tạo lập, đăng ký, bảo hộ, quản trị, khai thác, thương mại hóa và phát triển các tài sản trí tuệ, từ đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và sự bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Bộ.

k4.jpg
Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu trí tuệ tham luận tại hội thảo

Hội thảo cũng được lắng nghe các ý kiến tham luận của ông Quách Khoa Duy, đại diện Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng 3 (Quatest 3) và PGs, Ts Thoại Nam, Viện KH&CN Tiên tiến liên ngành – Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ về các giải pháp cụ thể trong lĩnh vực năng suất, chất lượng và làng xã thông minh trong quá trình chuyển đổi số; cũng như các giải pháp chung mang tính sáng tạo, phù hợp với đặc thù của các địa phương khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, hội thảo cũng có phiên tọa đàm sôi nổi với nhiều ý kiến thảo luận đến từ các nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý ... tập trung phân tích, đánh giá thực trạng, thẳng thắn nhìn nhận những “rào cản”, các bất cập của cơ chế, chính sách và đề xuất được nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực phát triển hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững khu vực Nam Bộ.

k5.jpg
Ảnh các diễn giả chủ trì tọa đàm tại hội thảo

Một số hình ảnh của hội thảo và trưng bày sản phẩm KH&CN

k6.jpg
k7.jpg
k8.jpg
k9.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững khu vực phía nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO