Ca đậu mùa khỉ đầu tiên của Việt Nam đã xuất hiện ở TPHCM

Khởi Giao| 03/10/2022 12:17

Sáng 3/10, tại buổi giao ban của Sở Y tế TPHCM về dịch bệnh và hoạt động trọng tâm quý IV/2022, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết TPHCM đã ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng cho biết thành phố đã phát hiện 1 ca bệnh đậu mùa khỉ nhờ công tác kiểm soát và giám sát tốt. Sở Y tế TPHCM sẽ sớm có thông tin chính thức công bố về ca bệnh trên.

Trước đó, ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, Bộ Y tế cũng như Sở Y tế TP.HCM đã khẩn trương triển khai các giải pháp giám sát đậu mùa khỉ trong giai đoạn chưa ghi nhận ca bệnh.

Hiện nay, Sở Y tế TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan siết chặt công tác tầm soát ca bệnh cũng như phòng chống bệnh đậu mùa khỉ cũng như các dịch bệnh khác trên địa bàn để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.

Đối với công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) tiếp tục giám sát người nhập cảnh qua các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ.

Người nhập cảnh được giám sát thân nhiệt, triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin, lập phiếu điều tra dịch tễ.

Cập nhật thông tin về đậu mùa khỉ. Nguồn: Bộ Y tế

HCDC tổ chức truyền thông, hướng dẫn người nhập cảnh khi có các triệu chứng nghi ngờ hoặc yếu tố dịch tễ, thông báo ngay cho kiểm dịch viên y tế tại cửa khẩu để được hỗ trợ, tư vấn.

Sau khi điều tra, nếu người nhập cảnh được xác định là trường hợp có thể mắc đậu mùa khỉ (có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ), kiểm dịch viên y tế sẽ hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi.

Khi người dân có triệu chứng nghi ngờ, cần đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán (nếu cần).

Người dân khi có các triệu chứng như: sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược cần báo ngay cho trạm y tế nơi cư trú.

Ngành y tế hướng dẫn thêm, người bệnh mang khẩu trang y tế, di chuyển bằng xe cá nhân hoặc gọi tổng đài 115 để được hỗ trợ (hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng).

Ở giai đoạn hiện nay, khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hướng dẫn người bệnh đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán.

Trong khi đó, đối với tình hình dịch bệnh nói chúng và tình hình sốt xuất huyết của  TPHCM trong quý 4 vẫn còn khó khăn. Tính đến thời điểm này, TP.HCM đã có 25 ca tử vong do sốt xuất huyết. PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, e ngại vì trong 10 năm liên tục, chưa có năm nào có 25 ca tử vong vì sốt xuất huyết như thế này. Dịch bệnh chưa có dấu hiệu đi xuống, còn nguy cơ tăng nữa.

Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập, tư nhân (kể cả các bệnh viện bộ ngành đóng trên địa bàn thành phố) khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ bệnh viện phải tiến hành sàng lọc, phân luồng, hướng dẫn người bệnh di chuyển đến buồng khám sàng lọc.

Nếu là trường hợp có thể mắc bệnh sẽ thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Viện Pasteur TPHCM. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, bệnh viện hướng dẫn người bệnh tự cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện và không có triệu chứng nặng) hoặc cách ly tại khu cách ly của bệnh viện.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM được phân công là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp có thể kèm triệu chứng nặng; các trường hợp có thể nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh viện; các trường hợp xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được giao phối hợp Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng - Đại học Oxford (OUCRU) để tiến hành nghiên cứu ca lâm sàng đối với các trường hợp có thể. Các lớp tập huấn về phát hiện, cách ly, chăm sóc người mắc bệnh đậu mùa khỉ cho các đơn vị liên quan sẽ được tổ chức.

Đậu mùa khỉ lây qua dịch tiết, giọt bắn khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Thông thường tỷ lệ tử vong của bệnh này thấp, bệnh tự hết mà không cần điều trị nếu bệnh nhân được chăm sóc nốt ban đúng cách. Bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm đối với những người đề kháng yếu hoặc có bệnh lý nền đi kèm và trẻ em.

Theo hướng dẫn do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành, từ tháng 5/2022 đến nay, dịch đậu mùa khỉ đã có diễn biến bất thường. tính tới 23/8/2022, tổng số ca bệnh đậu mùa khỉ được công bố tại 96 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới là trên 44.503 ca, Phần lớn số ca nhiễm (44.116 ca) ở địa điểm chưa từng báo cáo về bệnh đậu mùa ở khỉ.

Bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Từ đó bệnh đậu mùa khỉ ở người trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.

Từ tháng 5/2022, 12 quốc gia khu vực châu Âu đã ghi nhận dịch đậu mùa khỉ. Đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại khu vực này, mà chưa xác định được mối liên hệ với khu vực dịch thường lưu hành trước đó như Châu Phi.

Số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận có ca đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục. Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. 

Hiện có một số quốc gia gần với nước ta ghi nhận trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…

Theo Bộ Y tế, trước tình hình mở cửa đón khách du lịch và các đối tác kinh tế trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn dịch đậu mùa khỉ xâm nhập trong cộng đồng và các cơ sở khám bệnh chữa bệnh. Trên thế giới cũng đã ghi nhận lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tại cơ sở y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ca đậu mùa khỉ đầu tiên của Việt Nam đã xuất hiện ở TPHCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO