Sống xanh

Bơi lội – Môn thể thao nhiều lợi ích và những lưu ý khi bơi

HỒNG DUNG 21/06/2024 - 13:13

Thời tiết oi bức, được hòa mình trong dòng nước mát là điều hạnh phúc nhất. Hè đến, nhiều phụ huynh càng muốn cho con trẻ tham gia các khóa học bơi, vì vừa tốt cho sức khỏe lại vừa giúp trẻ biết bơi - một kỹ năng giúp trẻ tránh được các trường hợp đuối nước.

Bơi lội mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bên cạnh đó, các chuyên gia sức khỏe cũng đồng thời lưu ý những nguyên tắc cần biết trước khi tham gia môn thể thao này.

boi.jpg
Học bơi một cách bài bản, giúp trẻ bơi đúng cách và mang lại hiệu quả cho sức khỏe

Vì sao trẻ thích bơi lội?

BS. Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, bơi là vận động có sẵn trong tiềm thức mỗi người. Khi còn trong bào thai, trẻ đã sống hoàn toàn trong môi trường lỏng. Nguồn gốc con người xuất phát từ đời sống dưới nước. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy, dạy cho trẻ biết bơi lội sớm, trẻ sẽ có một sức khỏe dẻo dai hơn những trẻ khác.

“Khi ở trong nước, cơ thể gần như ở trạng thái không trọng lượng do tác động của lực đẩy Ac-si –met, nhờ đó áp lực tì nén lên các khớp xương giảm đến mức thấp nhất. Khác hẳn khi ở trên cạn, các khớp xương và cơ bắp luôn phải tiêu hao thêm một số năng lượng để chống lại tác động của trọng lực đè ép từ trên xuống. Với trẻ em, khi áp lực trên các sụn tiếp hợp giảm đi sẽ giúp kích thích sự tăng trưởng chiều dài của xương. Vì thế người ta nói đi bơi giúp tăng chiều cao là hoàn toàn chính xác,” BS Thạc chia sẻ.

Bên cạnh đó, khi bơi lội, các sóng nước xung quanh sẽ tác động xoa bóp làn da và cơ bắp toàn cơ thể. Điều này sẽ kích thích tăng sự lưu thông máu, cung cấp thêm nhiều dinh dưỡng cho các tế bào, thải trừ các chất không cần thiết hay độc hại. Vì vậy, người bơi cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn hẳn tập luyện các bộ môn khác. Điều này cũng lý giải tại sao nhiều trẻ rất thích bơi, nhiều phụ huynh phải khó khăn lắm mới có thể kéo chúng lên bờ.

Các động tác bơi lội đều “nhái” theo động tác trong tự nhiên như bơi ếch, bơi sải, bơi bướm… Vì thế nó có được sự cân bằng giữa các bắp cơ, gần như toàn bộ cơ thể đều tham gia vận động khi bơi. Trong khi đó, một số bộ môn khác chỉ tác động lên một nhóm cơ hay một phần cơ thể. Bơi lội không chỉ trẻ em thích mà còn là bộ môn được người lớn chọn để chữa bệnh.

Bơi giúp xương khớp thêm vững chắc, dẻo dai

Cùng với các phương pháp khác như thiền, yoga, massage, bơi lội là môn thể thao được nhiều bệnh nhân thoát vị đĩa đệm lựa chọn vì giúp xương khớp thêm vững chắc dẻo dai.

Theo BS.CKII. Đinh Thị Thanh Nhàn, Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115, bơi lội thường xuyên giúp xương khớp bền vững dẻo dai, phòng và trị các bệnh thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp, thoái hóa khớp gối, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ... Tác dụng thấy rõ ở giai đoạn đầu của bệnh là giảm đau nhức, giảm tê buốt các khớp, các chi, tập đúng dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên sẽ mang lại hiệu quả cao.

“Lợi ích của bơi lội đối với thoát vị đĩa đệm cột sống là tập thở sâu khi bơi giúp tuần hoàn đến các khớp, đĩa đệm tốt hơn. Khi thở sâu, cơ hoành vận động giúp máu truyền đầy đủ dinh dưỡng tới xương. Thở sâu khi bơi, cơ hoành cũng đồng thời giúp giữ lượng máu lưu thông đến cột sống, đĩa đệm lâu hơn, nhiều hơn để bổ sung dưỡng chất và tiếp nhận chất thải. Động tác thở ra kéo cơ hoành về vị trí bình thường, máu cùng chất thải lại trở về tim và được thanh lọc. Ngoài ra, bơi lội giúp tăng cường độ săn chắc của cơ bụng và cơ lưng, giúp ổn định cột sống và giảm khả năng thoát vị,” BS.CKII. Đinh Thị Thanh Nhàn giải thích.

Những lưu ý khi tham gia bơi lội

Mặc dù có nhiều lợi ích, nhưng để đảm bảo sức khỏe tốt khi tham gia môn này, cần lưu ý một số nguyên tắc khi tham gia.

Đối với trẻ nhỏ, BS. Thạc lưu ý phụ huynh nên cho trẻ đi khám bác sĩ để quyết định trẻ có thể tham gia hoạt động bơi lội được không; chọn hồ bơi đạt tiêu chuẩn chất lượng và có uy tín để đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường và nguồn nước sử dụng; nên có thầy hướng dẫn cho trẻ cách học bơi một cách bài bản nhằm giúp trẻ bơi đúng cách và mang lại hiệu quả cho sức khỏe.

“Một số trẻ không nên đi bơi như mắc bệnh hen phế quản, còn gọi là suyễn. Vì khi tiếp xúc với nguồn nước lạnh, trẻ rất dễ bị lên cơn khò khè, khó thở đôi khi nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp mạn tính như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn… khi đi bơi tại các hồ bơi nhân tạo có thể sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Trẻ bị viêm da dị ứng do hóa chất được pha trong nguồn nước của hồ bơi cũng gây nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của trẻ”, BS. Thạc nhấn mạnh.

Đối với người lớn, để việc bơi lội hiệu quả trong chữa bệnh, BS. Nhàn khuyến cáo, người bệnh thoát vị đĩa đệm nên thường xuyên bơi lội đều đặn 30 - 60 phút/lần, mỗi tuần từ 3 - 4 lần sẽ giúp xương khớp vững chắc, giảm đau và phục hồi tình trạng thoát vị đĩa đệm. Nhóm người này chỉ nên bơi ếch nhẹ nhàng không nên bơi sải, nếu dùng quá nhiều sức lực sẽ khiến các cơ thêm đau nhức; có thể chọn bơi vào buổi sáng hoặc chiều tối và tuyệt đối tránh việc bơi khi đã ăn no bụng.

BS.CKII. Đinh Thị Thanh Nhàn lưu ý, cần khởi động kỹ càng trước khi bơi để tránh bị co cơ, chuột rút. Sau bơi, nên vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý dành cho mắt và xúc miệng, khò họng bằng nước muối. Vệ sinh tai để tránh viêm tai giữa.

Không nên để trẻ ngâm nước quá lâu, tối đa chỉ kéo dài 30 phút đối với trẻ dưới 5 tuổi và khoảng 1 giờ đối với trẻ lớn, để phòng ngừa chứng cảm lạnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuổi có thể cho trẻ học bơi tốt nhất là khi trẻ tròn 6 tuổi.

Cha mẹ phải luôn giám sát trong suốt thời gian trẻ ở dưới nước để đảm bảo sự an toàn cho trẻ, nhất là những trẻ ở vùng nông thôn không có điều kiện đến các hồ bơi công cộng, trẻ thường phải ra sông, suối hoặc ao sâu quanh nhà để bơi lội, những nơi này thường rất nguy hiểm nếu không có sự chú ý của cha mẹ.

- BS. Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 -

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bơi lội – Môn thể thao nhiều lợi ích và những lưu ý khi bơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO