Bộ GD&ĐT thông tin về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa đăng tải hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh, như: phân cấp, phân quyền và cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục; cấu trúc cấp học; hoạt động của hội đồng trường trong trường công lập; quy định về chương trình, sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương.

Trước thực tế này, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024, yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ các điểm nghẽn; đồng thời tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn 2045 tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg năm 2024, nhấn mạnh việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng hiện đại, đồng bộ, liên thông và hội nhập.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn thi hành, bảo đảm thống nhất với các quy định pháp luật mới được ban hành và thực hiện chủ trương tổ chức, sắp xếp lại bộ máy nhà nước, đơn vị hành chính.
Hệ thống giáo dục quốc dân
Dự thảo lần này xác định giáo dục nghề nghiệp là một cấp học, gồm hai bậc: trung học nghề và cao đẳng, với ba trình độ đào tạo: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Trung học nghề dành cho học sinh sau THCS, tích hợp dạy nghề với kiến thức phổ thông; cao đẳng dành cho người học sau THPT hoặc tương đương. Thiết kế này hướng tới cấu trúc hệ thống mở, phân rõ cấp học, trình độ đào tạo, bảo đảm liên thông và phù hợp với Khung trình độ quốc gia, thông lệ quốc tế.
Văn bằng, chứng chỉ
Dự thảo đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS. Việc xác nhận hoàn thành chương trình THCS do hiệu trưởng trường THCS hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục đảm nhiệm, thay vì Trưởng phòng GD&ĐT. Tương tự, bằng tốt nghiệp THPT sẽ do hiệu trưởng trường THPT cấp, thay vì Giám đốc Sở GD&ĐT.
Quy định mới nhằm cụ thể hóa chủ trương phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục; tinh giản thủ tục hành chính, giảm áp lực cho cơ quan quản lý; phù hợp với bản chất phổ cập giáo dục và thông lệ quốc tế. Việc xác nhận hoàn thành chương trình học được cho là đủ cơ sở pháp lý để chuyển cấp hoặc định hướng nghề nghiệp mà không làm ảnh hưởng đến quyền học tập của học sinh.
Hội đồng trường
Dự thảo bỏ quy định về Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập. Báo cáo tổng kết Luật Giáo dục 2019 cho thấy HĐT ở các trường này hoạt động mang tính hình thức, thiếu thực quyền, trùng vai với hiệu trưởng và các thiết chế khác trong nhà trường.
Trong bối cảnh trường công lập chưa có quyền tự chủ rõ ràng, việc duy trì HĐT không mang lại hiệu quả, thậm chí làm tăng gánh nặng hành chính. Việc bỏ HĐT được kỳ vọng giúp bộ máy nhà trường tinh gọn, hiệu lực hơn, phát huy vai trò của các thiết chế dân chủ sẵn có như cấp ủy, công đoàn, Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội đồng Sư phạm...
Sách giáo khoa và tài liệu giáo dục
Dự thảo xác định rõ tài liệu giáo dục địa phương không phải là sách giáo khoa; giao Giám đốc Sở GD&ĐT tổ chức biên soạn, Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và UBND cấp tỉnh phê duyệt. Quy định này phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và chủ trương “Bộ không làm thay địa phương”, đồng thời giúp địa phương chủ động xây dựng nội dung phù hợp với đặc thù, giảm thủ tục hành chính cho Bộ GD&ĐT.
Cải cách thủ tục hành chính
Dự thảo sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính, với mục tiêu cắt giảm hơn 50% thủ tục trong lĩnh vực giáo dục. Điều này sẽ góp phần rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và hồ sơ giấy tờ cho người học, cơ sở giáo dục, nhà đầu tư; thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tăng minh bạch, trách nhiệm giải trình và hạn chế tiêu cực.
Dự thảo cũng điều chỉnh thẩm quyền quản lý nhà trường theo hướng: UBND cấp xã quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS; UBND cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở GD&ĐT quản lý các cơ sở giáo dục ở cấp học còn lại, trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT khẳng định, việc sửa đổi lần này nhằm bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, phù hợp thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển giáo dục toàn diện, bền vững trong thời kỳ mới.