Thuốc chống huyết khối là các thuốc ngăn chặn quá trình thành lập cục máu đông, mỗi nhóm thuốc có cơ chế tác động lên một giai đoạn của quá trình đông máu, bao gồm: thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc kháng đông, và thuốc tiêu sợi huyết.
Thuốc chống kết tập tiểu cầu sử dụng phổ biến ở nước ta là aspirin, clopidogrel (tên biệt dược là Plavix), hay cilostazol (tên biệt dược Pletaal). Các thuốc này được dùng cho bệnh nhân có bệnh động mạch vành mạn, bệnh nhân sau đặt stent hay mổ bắc cầu động mạch vành. Bệnh nhân uống thuốc chống kết tập tiểu cầu không cần theo dõi đông máu định kỳ. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể có triệu chứng về đường tiêu hóa và biến chứng xuất huyết tiêu hóa.
Bệnh nhân có van tim cơ học có chỉ định dùng thuốc kháng vitamin K như Sintrom hay Coumadin lâu dài. Bệnh nhân rung nhĩ, thuyên tắc phổi, hay huyết khối tĩnh mạch sâu cần dùng Sintrom, Coumadin, hay Pradaxa (hoạt chất dabigatran). Khi điều trị bằng thuốc kháng vitamin K (Sintrom hoặc Coumadin), bệnh nhân cần được theo dõi INR (International Normalized Ratio) định kỳ để điều chỉnh liều thuốc sao cho đạt được hiệu quả điều trị. Bệnh nhân uống Pradaxa không cần theo dõi đông máu.
Bệnh nhân uống các thuốc chống huyết khối có nguy cơ chảy máu cao khi làm các thủ thuật chảy máu hay phẫu thuật, do đó, bệnh nhân thường được hướng dẫn ngưng các thuốc này trước khi làm. Tuy nhiên, khi ngưng thuốc chống đông hay thuốc chống kết tập tiểu cầu ở bệnh nhân có nguy cơ thuyên tắc cao lại dễ đưa bệnh nhân đến tình trạng huyết khối thuyên tắc, gây đột quỵ, kẹt van cơ học, hay huyết khối trong stent mạch vành. Đối với những trường hợp trên, người bệnh cần nhập viện khi ngưng thuốc chống đông, và được chuyển sang dùng heparin hay enoxaparin truyền tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da.
Những phẫu thuật có nguy cơ chảy máu cao như phẫu thuật tim, đặt máy tạo nhịp, phẫu thuật thần kinh, sọ não, phẫu thuật các tạng trong ổ bụng như gan, thận, đại tràng, phẫu thuật bàng quang, hay tiền liệt tuyến. Trước khi làm những phẫu thuật này bệnh nhân cần ngưng thuốc chống huyết khối trước đó.
Những phẫu thuật đơn giản như mổ đục thủy tinh thể, phẫu thuật ngoài da, nhổ răng đơn giản không cần ngưng thuốc chống huyết khối. Bệnh nhân nội soi đại tràng không cần ngưng thuốc, tuy nhiên, nếu có dự kiến cắt polype đại tràng qua nội soi thì nên ngưng thuốc trước khi làm để tránh biến chứng chảy máu.
Người bệnh ngưng các thuốc chống huyết khối bao lâu thì phẫu thuật an toàn?
Đối với Sintrom và Coumadin cần ngưng trước phẫu thuật 5 ngày.Dùng lại 24 giờ sau mổ khi tình trạng cầm máu ổn định. Đối với aspirin cần ngưng 7 - 10 ngày trước mổ; clopidorel 5 ngày trước mổ. Dùng lại 24 giờ sau mổ khi tình trạng cầm máu ổn định.
Khi bệnh nhân mổ chương trình, chủ động ngưng thuốc kháng đông trước 5 ngày, 1 ngày trước mổ đo lại INR, nếu INR < 2.0, phẫu thuật an toàn. Trong trường hợp mổ cấp cứu, không thể chờ đợi, có thể trung hòa tác dụng chống đông của Sintrom hay Coumadin bằng cách tiêm vitamin K hoặc truyền huyết tương tươi đông lạnh.
Bệnh nhân bệnh động mạch vành mạn, đang điều trị với aspirin và clopidogrel, khi cần mổ bắc cầu động mạch vành cần ngưng clopidogrel 5 ngày trước mổ, aspirin uống được liên tục đến ngày mổ.
Bệnh nhân đã được đặt stent mạch vành, khi cần phẫu thuật nên trì hoãn ít nhất 6 tuần sau đặt stent trần (stent không phủ thuốc), và ít nhất 6 tháng sau đặt stent phủ thuốc. Trường hợp bệnh nhân không thể trì hoãn mổ lâu dài thì phải uống liên tục aspirin và clopidogrel đến ngày mổ nếu dưới 6 tuần sau đặt stent trần, và dưới 6 tháng sau đặt stent phủ thuốc. Khi đó bệnh nhân đối diện với nguy cơ chảy máu cao trong và sau thủ thuật.
Tóm lại, bệnh nhân uống thuốc chống huyết khối có nguy cơ chảy máu cao trong và sau phẫu thuật. Người bệnh cần khám tư vấn với bác sĩ điều trị trước khi phẫu thuật. Cần thông báo với phẫu thuật viên về thuốc chống huyết khối đang uống để bác sĩ chủ động điều chỉnh, có hướng theo dõi và xử trí thích hợp.