Bệnh đau nửa đầu (Migraine) có nguy hiểm?

BS. LÊ TRUNG NGÂN| 09/11/2016 10:33

Bệnh lý đau nửa đầu (Migraine) là loại nhức đầu có liên quan đến vai trò của chất dẫn truyền thần kinh thuộc hệ serotoninergic, nó có tác dụng co các động mạch lớn và giãn các động mạch nhỏ cũng như các vi mạch, thuyết này hiện nay được các nhà thần kinh học thế giới công nhận.

Tố Nh. (Phường 1, TP. Tây Ninh)

Đáp: Triệu chứng đau đầu của em khá phù hợp với bệnh lý đau nửa đầu (Migraine). Bệnh nhân có thể đau nửa bên đầu, không cố định hoặc có thể đau cả hai bên, có thể kèm theo triệu chứng mạch đập. Trước khi xuất hiện đau đầu thì có triệu chứng tiền triệu về thị giác như nhìn nhòe, ruồi bay, hoặc buồn nôn... Migraine là loại nhức đầu có liên quan đến vai trò của chất dẫn truyền thần kinh thuộc hệ serotoninergic, nó có tác dụng co các động mạch lớn và giãn các động mạch nhỏ cũng như các vi mạch, thuyết này hiện nay các nhà thần kinh học thế giới vẫn còn công nhận.

Migraine điển hình không có thoáng báo (không Aura) là đau nửa đầu theo cơn với tính chất: cơn đau nửa đầu kéo dài từ 4 - 72 giờ (A). Kèm theo phải có ít nhất 2 trong các triệu chứng như: đau một bên và thể lần lượt đổi bên (không cố định bên nào), có hiện tượng mạch đập ở vùng thái dương, mức độ đau có thể vừa hoặc dữ dội tùy theo từng bệnh nhân và đau tăng lên khi gắng sức (B). Trong cơn có ít nhất một trong các triệu chứng nôn hoặc buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động (C). Ít nhất có 5 cơn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên (D). Đối với Migraine điển hình có thoáng báo (có Aura) thì việc chẩn đoán phải có ít nhất 2 cơn nhức đầu đầy đủ tiêu chuẩn (A) - (C) ở trên và kèm theo xuất hiện các triệu chứng trong cơn như rối loạn cảm giác nửa người, liệt các dây thần kinh sọ, liệt nửa người, rối về thị giác, rối loạn ngôn ngữ, các triệu chứng này chỉ thoáng qua và mất đi sau vài phút, kéo dài không quá 1 giờ. Nếu triệu chứng này tồn tại lâu và tồn tại cả sau cơn thì đây là thể Mgraine có biến chứng. Tuy nhiên, phải loại trừ được các bệnh khác có nguyên nhân tổn thương thực thể. Một số thể Migraine không điển hình như: kèm theo mất ý thức, liệt nửa người có tính chất gia đình, thể tiêu hóa, thể có thất điều, thể giả hội chứng tiền đình (nhức nửa đầu kèm theo ù tai một bên, chóng mặt)... Migraine có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đó là Migraine mạn tính kéo dài, trạng thái Migraine, nhồi máu não do Migraine, co giật do Migraine.

Trước khi điều trị cần làm một số xét nghiệm thăm dò tùy theo từng trường hợp cụ thể như chụp cắt lớp vi tính sọ não (CT scanner) hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI: magnetic resonance imaging), siêu âm hệ thống mạch máu trong và ngoài sọ hoặc chụp mạch não và một số xét nghiệm cơ bản cần thiết khác để loại trừ các bệnh lý thực tổn ở não nguy hiểm, cụ thể là: dị dạng mạch não, u não, tụ máu, não úng thủy... và cũng có thể phát hiện các bệnh lý nội khoa khác kèm theo. Để điều trị có hiệu quả Migraine cần phải kết hợp song song 2 phần dưới đây:

1. Các phương pháp điều trị chung là ngăn ngừa các yếu tố có thể gây cơn: chế độ ăn uống hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Chế độ giấc ngủ phù hợp, tránh thức khuya hoặc rối loạn giấc ngủ. Chế độ lao động và sinh hoạt tránh căng thẳng (stress) kết hợp với thư giãn luyện tập. Điều kiện môi trường nơi ở phải có ánh sáng phù hợp và tránh nhiều tiếng động. Giáo dục cho bệnh nhân biết về tình trạng bệnh, cách dùng thuốc và cách theo dõi tiến triển của bệnh.

2. Điều trị cắt cơn đau sử dụng các nhóm thuốc đặc hiệu thường dùng: nhóm ergotamine tartrat hoặc nhóm triptan (Sumatriptan, Eletriptan, Naratriptan, Rizatriptan, Almotriptan và Zolmitriptan), có thể dùng dạng viên uống hoặc dạng tiêm. Ngoài ra, cần phải kết hợp với các thuốc giảm đau thông thường thuộc nhóm không steroid như Paracetamol, Aspirin và có thể kết hợp với thuốc chống nôn khi bệnh nhân nôn nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh đau nửa đầu (Migraine) có nguy hiểm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO