Đáp: Em đừng quá lo lắng, vì những cục hạch đó xuất hiện là do viêm nhiễm của mụn nhọt vùng đầu mặt cổ, sau khi hết viêm nhiễm thì hạch này sẽ nhỏ lại hoặc mất đi. Hiện tại, tuy hạch vẫn còn nhưng nếu hạch không có hiện tượng sưng nóng – đỏ đau thì em đừng quá bận tâm, vì nó không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Khi cơ thể chúng ta hay trẻ nhỏ bị viêm ở đâu thì sẽ nổi hạch gần đó, hạch có nhiều nơi trong cơ thể nhưng chỉ có một số hạch mà chúng ta có thể sờ thấy như hạch cổ, hạch sau tai, sau gáy hay hạch bẹn... Hạch nổi sau tai như con của em sờ vào không đau hay thấy trẻ không có phản ứng gì thì được gọi là hạch bạch huyết. Chức năng của hạch này là sản xuất bạch cầu và kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus... ở quanh vùng có hạch.
Đôi khi hạch này cũng sưng to lên khi trẻ đang trong thời gian bị viêm như viêm họng, viêm tai, cảm cúm, nhiễm rubella, hay các bệnh truyền nhiễm thông thường và em không cần lo lắng, hạch sẽ mất đi sau đó một thời gian khỏi viêm. Em hãy giữ vệ sinh răng miệng và mũi họng của cháu thật tốt, nên giữ ấm cổ ngực khi thay đổi thời tiết, cho trẻ ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng.
Em hãy cho con đi khám khi thấy trẻ sốt trên 38 độ C mà không rõ nguyên nhân, hạch sưng to, có màu đỏ, sờ thấy chắc và đau, hoặc hạch tiếp tục sưng to trên hai tuần sau khi trẻ đã khỏi các bệnh nhiễm trùng trước đó, hay khi thấy trẻ nổi hạch nhiều nơi như gáy, chẩm, sau tai, góc hàm... thì nên đưa trẻ đi khám ngay để tránh những biến chứng như viêm hạch, lao sơ nhiễm hay lao hạch và những bệnh lý nghiêm trọng khác. Em đừng quá lo lắng, hãy chăm sóc trẻ thật tốt và theo dõi thêm cho trẻ nhé.