Ăn … nhện tarantula!

TS. NGUYỄN VĂN HUỲNH| 02/11/2011 18:18

Ngày nay du khách đang đổ xô đến Campuchia do đường sá đi lại đã dễ dàng, trước tiên là để tham quan Angkor hùng vĩ, nhà tù diệt chủng Tung Sleng và đất nước Campuchia đang hồi sinh.

 Du khách có thể từ Việt Nam qua cửa ngõ Mộc Bài hay Tịnh Biên để đến Phnom Penh, rồi dùng xe buýt cao cấp để đi Siem Reap thăm phế tích Angkor. Dọc đường họ sẽ ghé ở một trạm dừng chân ở tỉnh Kompong Cham. Ở đây, ngoài những đặc sản của vùng đất nông nghiệp trù phú dọc theo Biển Hồ này như trái cây hay đường thốt nốt, họ còn được thưởng thức một sản phẩm độc đáo khác của vùng đất bán lâm bạt ngàn bên trong: đó là nhện chiên giòn hay nhện sống ngâm rượu làm thuốc.

Du khách sẽ được các cô gái chào mời mua dế cơm hay nhện chiên giòn đựng trong thau để ăn liền. Những con nhện lớn và đen bóng được chiên nguyên con trông hơi “dễ sợ” nhưng ăn giòn và nếu có rượu hay bia thì còn thú vị hơn nữa. Còn nhện sống thì đựng trong thùng xô, lớn bằng hơn nửa bàn tay, màu nâu đen. Khoảng một chục con nhện được đem bỏ vào một thùng nhựa nhỏ đựng một lít rượu đế (làm từ mía hay nhựa bông thốt nốt) có giá 4 - 5 đô la.

Rượu thuốc được xem là có tác dụng “kích thích gân cốt và máu huyết lưu thông dễ dàng hơn”. Đây là loại nhện có kích thướclớn nhất trong số các loài tarantula. Thuộc họ Theraphosidae của lớp nhện lớn Araneae, chúng hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới với hàng trăm loài khác nhau. Loài nhện ở Campuchia và Thái Lan có màu đen, dài đến 10 cm, với nhiều lông mịn nâu vàng trên khắp thân mình, và ở trước đầu có hai càng với nọc độc. Chúng thường làm hang để sống biệt lập từng con trong đất hoặc kẹt đá. Hang sâu chênh chếch, vách có lót tơ cho dễ di chuyển và nhện phục kích ở cửa hang để đón bắt các loại côn trùng hay động vật nhỏ như thằn lằn, kỳ nhông, cắc ké, và kể cả chim hay chuột nhỏ. Vùng cư trú của chúng là rừng núi, nhất là nơi có trảng đất trống. Chúng nhanh chóng tiêm nọc độc làm tê liệt con mồi rồi nhả tơ gói gọn lại để tha vào hang. Khi bắt nhện người ta đào hang hay dùng cây ngoáy vào để xua nhện ra. Nọc độc của nhện không đủ mạnh để giết chết con người nhưng cũng gây đau nhức, sưng tấy qua nhiều ngày. Chúng chỉ cắn để tự vệ chớ không chủ động tấn công đối tượng lớn như con người, do đó người ta có thể bắt chúng nhẹ nhàng bằng tay. Một số người còn nuôi nhện làm động vật cảnh trong nhà.

Tuy nhiên loài nhện này có lẽ sẽ sớm trở nên quý hiếm và bị đe dọa tuyệt chủng do sự can thiệp thô bạo của con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ăn … nhện tarantula!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO