30 năm Vietcombank Nam Sài Gòn: Vững mãi một niềm tin
Vietcombank (VCB) Nam Sài Gòn bước vào tuổi 30, trưởng thành, vững chắc và mạnh mẽ. Dù chặng đường phát triển không phải lúc nào cũng trải đầy hoa, nhưng cùng với sự nỗ lực chung của cả tập thể mọi thứ rồi cũng vượt qua. VCB Nam Sài Gòn nay là một trong những chi nhánh (CN) đứng đầu hệ thống VCB.
Đây là thành tựu đáng tự hào, là kết quả của sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, mãi vững một niềm tin quyết thắng của toàn thể cán bộ nhân viên (CBNV) cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Ban lãnh đạo CN và lãnh đạo cấp trên.
Phát triển toàn diện các mặt hoạt động
Là một CN phát triển toàn diện, các mặt hoạt động của VCB Nam Sài Gòn luôn được Ban lãnh đạo CN quan tâm, chỉ đạo sát sao, nhờ thế mà tất cả các mặt hoạt động của CN đều đạt được những thành tựu đáng kể, như các khen thưởng chuyên đề về huy động vốn, tín dụng bán buôn - bán lẻ, thu hồi và xử lý nợ xấu, TTQT, thẻ và NHĐT, cán bộ đạt các giải cao trong những cuộc thi tay nghề toàn hệ thống…
Với hoạt động huy động vốn, những năm trước 2006, mặc dù có lợi thế là ngân hàng đầu tiên hoạt động tại KCX Tân Thuận, CN có được nguồn vốn huy động từ các công ty hoạt động trong KCX cùng lượng lớn khách hàng cá nhân là những công nhân trong KCX nhưng huy động vốn của CN chưa từng vượt qua con số 2.000 tỷ đồng. Càng những năm về sau, công tác huy động vốn ngày càng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt; tuy nhiên, bằng sự lãnh đạo sáng suốt của Ban lãnh đạo CN, sự năng động của lãnh đạo các phòng, sự nhiệt tình và nỗ lực của toàn thể cán bộ, cùng với việc mở rộng mạng lưới hợp lý; mở rộng quan hệ hợp tác với khách hàng theo đúng định hướng và chỉ đạo của cấp trên; tới nay huy động vốn của CN xấp xỉ 28.000 tỷ đồng, nằm trong TOP đứng đầu của hệ thống VCB.
Với công tác tín dụng, CN không chỉ tăng trưởng về số lượng mà còn đảm bảo được chất lượng. Thời kỳ đầu những năm 2000, tín dụng CN tăng trưởng nóng, dư nợ lúc ấy vào khoảng 1.500 tỷ đồng, thiên về tín dụng bán buôn; khi đó, đã có lúc tỷ lệ nợ xấu CN lên đến 20%, thuộc tốp cao trong hệ thống lúc bấy giờ. Nhưng với tâm thái quyết liệt, quyết tâm xử lý nợ xấu đến mức tối thiểu, Ban lãnh đạo CN đã đề ra phương hướng giải quyết hợp lý, theo dõi, xử lý sát sao; kết quả là đến năm 2006, CN đã vinh dự được nhận bằng khen chuyên đề dẫn đầu chất lượng tín dụng trong hệ thống. Cùng với định hướng phát triển dịch vụ bán lẻ của VCB, chính sách phát triển hợp lý, định hướng đúng đối tượng khách hàng cùng với đội ngũ cán bộ công tác tín dụng năng động, hoạt động tín dụng của CN ngày càng phát triển, vượt mức 22.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022; tín dụng bán lẻ từ chỗ chỉ chiếm tỷ trọng vài % nay lên tới hơn 56%/tổng dư nợ CN. Đồng thời, CN đã duy trì được tỷ lệ nợ xấu dưới mức 1%; thậm chí những năm gần đây, chỉ ở mức dưới 0,5% mà thôi.
Tăng trưởng ổn định
Hoạt động TTQT - TTTM và KDNT của CN cũng được Ban lãnh đạo và khách hàng đánh giá cao. Khi mà nền kinh tế ngày càng phát triển, hội nhập, thì sự cạnh tranh ngày càng trở nên rõ nét, trải rộng trên tất cả các hoạt động dịch vụ ngân hàng. Trong lĩnh vực ngoại hối, nếu như trước đây VCB là anh cả đứng đầu và không có đối thủ thì những năm về sau này thị phần đang dần bị thu hẹp. Cùng chung làn sóng cạnh tranh đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về tỷ giá cũng như phí dịch vụ từ các ngân hàng bạn, VCB Nam Sài Gòn vẫn chứng tỏ được vị thế của mình khi mà doanh số (DS) thanh toán và DS mua bán nhìn chung vẫn tăng trưởng ổn định qua các năm. Nguồn thu từ phí TTQT và lợi nhuận KDNT luôn xấp xỉ ở mức 12%/tổng lợi nhuận; hoạt động TTQT của CN đã được xếp vào câu lạc bộ tỷ USD trong hệ thống VCB kể từ năm 2014 và đến năm 2022 con số đạt được đã vượt mốc 3 tỷ USD.
Thẻ và NHĐT là mặt hoạt động đáng tự hào của VCB Nam Sài Gòn, khi mà CN luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với địa thế hoạt động trong KCX Tân Thuận, nơi có lượng lớn công nhân làm việc và được trả lương đều đặn, trở thành lợi thế cho CN phát triển dịch vụ thẻ và NHĐT. Khi cuộc sống ngày càng năng động và hiện đại, nhất là tác động của đại dịch Covid-19 thì dịch vụ thẻ và NHĐT trở thành xu hướng tất yếu, là vùng đất hứa cho các ngân hàng tranh đoạt, chia lại thị phần. Đây cũng là bài toán khó không chỉ riêng với CN. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của BGĐ cùng sự năng động, nỗ lực, lăn xả của đội ngũ lãnh đạo các phòng ban cùng toàn thể nhân viên bán hàng, CN thường đạt được thành tích cao trong các cuộc thi đua bán hàng về thẻ và NHĐT do cấp trên phát động.
Và trên hết, để đánh giá hiệu quả hoạt động của một đơn vị kinh doanh, cái cần quan tâm là lợi nhuận mà đơn vị đó mang lại. Từ mức lợi nhuận chỉ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, thậm chí có lúc thua lỗ, đến nay cái tên VCB Nam Sài Gòn luôn nằm trong TOP những CN mang lại lợi nhuận cao nhất trong hệ thống VCB, gần chạm mốc 1.100 tỷ đồng vào cuối năm 2022.
Trong suốt hơn 3 năm qua, chịu sự tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế trong nước cũng như kinh tế thế giới trở nên trì trệ, hoạt động kinh doanh của khách hàng khó khăn dẫn đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng trở nên khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. VCB Nam Sài Gòn cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Dù vậy, Ban lãnh đạo CN vẫn vững tay chèo, lãnh đạo VCB Nam Sài Gòn một khối đại đoàn kết, vững niềm tin tiếp bước trên con đường dài sắp tới, tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới.