3 yếu tố tác động đến đạo đức học sinh

Như Quỳnh| 10/11/2011 11:35

Trong quá trình tự rèn luyện tư cách đạo đức, học sinh luôn chịu sự tác động của nhiều yếu tố, trong đó gia đình là nền tảng sớm nhất, tác động thường xuyên, liên tục và lâu dài nhất; xã hội là môi trường mà các em sẽ tự thể hiện và biến đổi mạnh mẽ hàng ngày; nhà trường là nơi cung cấp những kiến thức khoa học về tự nhiên và xã hội… Kết quả của đề tài khoa học “Khảo sát sự tác động của một số yếu tố gia đình và xã hội đến quá trình tự rèn luyện tư cách đạo đức của học sinh trung học phổ thông tại TP.HCM” của ThS. Đào Thị Vân Anh, Trường đại học sư phạm TP.HCM đã khẳng định vấn đề này.

Theo ý kiến của học sinh, phụ huynh và giáo viên: yếu tố tình cảm gia đình rất có ý nghĩa đối với học sinh, đó là quan hệ giữa cha mẹ, họ hàng, cách đối xử của cha mẹ đối với các thành viên trong gia đình. Mối quan hệ với bạn bè là xu hướng chính trong giao tiếp của học sinh: các em thường xuyên trao đổi các vấn đề về bản thân, chia sẻ sở thích, niềm vui với các bạn nhiều nhất, sau đó mới tới cha mẹ và thầy cô giáo. Tác động từ bạn bè đến nhận thức và hành vi đạo đức của học sinh là rất mạnh, ảnh hưởng này có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Một trong những nguyên nhân chính gây nên thực trạng đạo đức hiện nay là do học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực từ bạn bè có tư cách đạo đức không tốt. Yếu tố xã hội quan trọng có ảnh hưởng đến nhận thức về chuẩn mực đạo đức và hình thành thế giới quan và nhân sinh quan của học sinh là nguồn thông tin từ mạng internet: trang tin, nhật ký điện tử (blog), trò chơi trực tuyến (game online), ngoài ra, ảnh hưởng của sách báo, tạp chí, phim ảnh và các chương trình trên truyền hình cũng có tác động đáng kể. Các sự kiện chính trị - xã hội diễn ra hàng ngày trong cuộc sống và các hoạt động phong trào chưa có tác động nhiều đến nhận thức của học sinh về trách nhiệm, nghĩa vụ của người công dân và phát triển tinh thần tập thể. Hiện nay cũng chưa có sự kết hợp cụ thể và hiệu quả giữa gia đình, địa phương và nhà trường về các trường hợp học sinh có vi phạm về đạo đức. Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa phát huy hết vai trò là cầu nối giữa nhà trường và gia đình. Phần lớn các gia đình ở thành phố sống khép kín, ngày càng ít có sự giao tiếp giữa các gia đình trong khu dân cư.

Kinh tế gia đình cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, có thể cha mẹ chỉ lo làm kinh tế, ít quan tâm tới quá trình phát triển về tâm sinh lý và các yếu tố tác động đến hành vi đạo đức của con em mình, hoặc ở một số gia đình có cuộc sống kinh tế đầy đủ, con cái có biểu hiện sai lệch chuẩn mực hành vi đạo đức là do phụ huynh chỉ cung cấp tiền nhưng lại không quan tâm đến việc học tập, đời sống tinh thần, giao tiếp xã hội của con và việc giáo dục đạo đức thì gần như phó mặc cho nhà trường, dẫn đến tình trạng nhiều học sinh không được trang bị những kỹ năng sống tối thiểu.

Trước thực trạng đạo đức học sinh như hiện nay, chương trình giáo dục đạo đức trong nhà trường lại chưa có tác động hiệu quả. Học sinh lứa tuổi trung học phổ thông cần được tác động từ những bài học mang tính thực tế. Vì vậy, các bài giảng giáo dục đạo đức phải có tính thuyết phục, nhưng chương trình sách giáo khoa môn giáo dục công dân hiện nay còn nặng về lý thuyết, thiếu kiến thức về kỹ năng sống, chưa tạo được dấu ấn để giúp hình thành nhân cách cho học sinh; nhiệm vụ của giáo viên, chủ yếu tập trung vào việc truyền thụ kiến thức môn học, thời gian giao tiếp giữa giáo viên và học sinh ngoài giờ học còn hạn chế, chưa đủ điều kiện để tác động đến quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh.

Một số biện pháp cần được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả quá trình tự rèn luyện đạo đức của học sinh, đó là biên soạn lại chương trình giáo dục đạo đức, xác định hướng can thiệp đối với từng loại chuẩn hành vi, giáo dục đạo đức từ trong gia đình, tổ chức các hoạt động xã hội và hoạt động tập thể, tăng cường sự hơp tác giữa gia đình và nhà trường, thường xuyên tự đánh giá về nhận thức và hành vi đạo đức của bản thân học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
3 yếu tố tác động đến đạo đức học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO