Nếu quả thực sinh phẩm rắn hổ đất (máu và mật rắn hổ đất pha với nước dừa lửa) có tác dụng chữa trị - dù là tạm thời - các bệnh ung thư, thì đây là một tin vui lớn, không riêng gì cho người bệnh ở nước ta, mà cho cả nền y học thế giới!
Chúng ta nên biết rằng, trước đó tại nước ta cũng đã có những trường hợp “thầy thuốc rắn” (ở cả miền Bắc và miền Nam) nói rằng trị được ung thư hay bệnh hiểm nghèo, khó trị khác, nhưng rốt cuộc mọi chuyện cũng rơi vào quên lãng, không phải do ngành y tế thiếu quan tâm, mà là vì thực tiễn chữa trị rốt cuộc cũng không đáp ứng được với mong mỏi của các bệnh nhân và thân nhân người bệnh.
Trước đây (và hiện nay), ngành đông y và y học dân gian từ lâu đã sử dụng thịt rắn, chủ yếu là để... bồi dưỡng cơ thể và trị các chứng đau nhức, kinh phong và mụn nhọt.
Mật rắn (cũng như mật gấu, mật vịt...) được xem là một vị thuốc quý, được sử dụng làm thuốc trị ho, đau lưng và nhức đầu (không có chỉ định chữa ung thư), song các phân tích khoa học cho thấy các thành phần hóa học cơ bản của mật rắn chẳng mấy khác biệt so với mật các loài động vật khác.
Thành phần trong các cơ thể rắn được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất là nọc rắn, đặc biệt ở Nga và một số nước châu Âu. Mặc dù nọc rắn có thể có tác dụng hạ huyết áp và ức chế sự phát triển một số loại tế bào ung thư, người ta đã dùng nọc rắn chế thành thuốc tiêm hay thuốc xoa bóp chủ yếu là để chống đau cho các trường hợp ung thư (chỉ định chữa triệu chứng đau, không chữa căn bệnh), bệnh phong, viêm thần kinh, viêm khớp, viêm cơ, nhức xương và có khi để chữa bệnh ưa chảy máu.