Đời sống

"Vui khỏe mỗi ngày" tháng 1/2025: Phòng ngừa bệnh xương khớp và bệnh tiêu hóa ngày Tết ở giới trẻ

HOÀNG NGUYỄN 15/01/2025 15:44

Mở đầu chuỗi “Vui khỏe mỗi ngày” năm 2025 cũng là thời điểm giáp Tết Ất Tỵ năm 2025, Tạp chí Khoa học phổ thông phối hợp với Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tổ chức chương trình chủ đề “Phòng ngừa bệnh xương khớp và bệnh tiêu hóa ngày Tết ở giới trẻ”.

Chương trình với sự đồng hành của Hệ thống bệnh viện Sài Gòn - ITO, Bệnh viện Nhân dân 115, sẽ được tổ chức vào sáng ngày 16/01/2025 tại Hội trường Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur (Số 37 Ngô Tất Tố, Phường 21, Quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Chương trình cuối năm có sự đồng hành của Ngân hàng UOB. Theo đó, các đại biểu tham dự chương trình sẽ được thưởng thức trà - bánh và được ông đồ viết tặng câu đối.

vui-khoe-moi-ngay-thang-1.2025.jpg

Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn nhất trong năm ở Việt Nam, đánh dấu thời điểm sum họp gia đình và tận hưởng những ngày nghỉ lễ. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ dễ xảy ra các vấn đề sức khỏe, đặc biệt liên quan đến xương khớp và tiêu hóa, do chế độ sinh hoạt không khoa học và thay đổi đột ngột trong lối sống. Dù các bệnh này thường gặp hơn ở người cao tuổi nhưng giới trẻ cũng không tránh khỏi nguy cơ, đặc biệt khi áp lực công việc, lối sống ít vận động và thói quen ăn uống không lành mạnh ngày càng phổ biến.

Vì vậy, 2 báo cáo viên của chương trình là TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115 và ThS.BS Hồ Sỹ Nam - Khoa Điều trị Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận, thuộc Hệ thống bệnh viện Sài Gòn - ITO sẽ trình bày những chủ đề này nhằm cung cấp những kiến thức hữu ích cho thầy trò Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur ngay trước thềm Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025. Bên cạnh đó, 2 báo cáo viên sẽ giải đáp trực tiếp những băn khoăn, thắc mắc về bệnh xương khớp và tiêu hóa cho những người tham dự chương trình.

Hãy chăm sóc hệ tiêu hóa của mình

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng cho biết, trong thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM và cả nước nói chung đã có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Đặc biệt, thống kê cho thấy thời điểm đầu năm cũng là dịp Tết Nguyên Đán hằng năm, số vụ ngộ độc thực phẩm và số người chết vì ngộ độc thực phẩm đều gia tăng.

ts.bs-le-thi-tuyet-phuong-truong-khoa-noi-tieu-hoa-benh-vien-nhan-dan-115.jpg
Từ phải qua: Nhà báo Bùi Hương - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115 và TS.BS Lê Minh Tiến - Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận trong chương trình "Vui khỏe mỗi ngày" tháng 9/2024.

Bệnh nhân ngộ độc thực phẩm thường do uống rượu bia, ăn nhiều chất béo, ăn thịnh soạn... dẫn đến bị viêm tụy cấp và có đến 10-15% bệnh nhân bị diễn tiến nặng dẫn đến suy đa cơ quan và tử vong.

Vào những ngày dịp Tết, do chế độ ăn uống thất thường (nhiều chất béo, uống bia rượu…) nên nhiều người bị tăng tiết acid dịch vị và rối loạn vận động dạ dày – thực quản. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do áp lực thi cử, công việc… Hậu quả, bệnh nhân mắc các triệu chứng như: đau ngực, ợ hơi, sâu răng, chảy nước bọt quá mức, cảm giác đau rát ở cổ họng hoặc ngực, khó nuốt hoặc khó ăn uống bình thường, phát triển vị chua trong miệng, thở khò khè triệu chứng hen suyễn, ho mãn tính và khó thở…

Bệnh dạ dày gây nhiều biến chứng và gần 90% ca mắc mới ung thư dạ dày tại Việt Nam được chẩn đoán ở giai đoạn muộn nên tỉ lệ tử vong cao; tỉ lệ bệnh nhân nam mắc mới và tử vong cao hơn so với nữ.

Bên cạnh bệnh dạ dày, chế độ ăn uống ngày Tết với bia rượu nhiều cũng là gánh nặng cho gan. Các bệnh về gan tiến triển âm thầm không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường.

bs-phuong-benh-vien-nhan-dan-115(1).jpg
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ tiếp tục trở lại với vai trò báo cáo viên của chương trình "Vui khỏe mỗi ngày".

Theo dữ liệu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), gần một nửa (46%) dân số thế giới tiêu thụ rượu, với tỷ lệ ở nam giới (54%) cao hơn nữ giới (38%). Năm 2021 trên toàn cầu, rượu chiếm 4% tổng số ca ung thư được chẩn đoán vào năm 2020. Trường hợp ung thư do rượu, uống nhiều rượu (hơn 60 g/ngày hoặc khoảng 6 ly mỗi ngày) chiếm 47%; uống rượu có nguy cơ (20 đến 60 g/ngày) chiếm 29% và uống rượu vừa phải (dưới 20 g/ngày hoặc khoảng 2 ly mỗi ngày) chiếm khoảng 14%.

Theo thống kê ở Anh, rượu gây ra gần 17.000 trường hợp ung thư năm 2020. Các loại ung thư liên quan rượu: ung thư vú, ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan, dạ dày và tụy.

benh-ung-thu.png
Số lượng ca mới mắc ung thư năm 2020 ở hai giới và mọi độ tuổi ở Việt Nam. Nguồn: Globocan 2020.

Bên cạnh rượu bia, aflatoxin là độc tố từ ngũ cốc hoặc động vật nuôi bằng ngũ cốc bị nhiễm nấm mốc (khi động vật ăn thức ăn nhiễm aflatoxin, chất độc có thể tồn tại trong gan, thận, cơ, máu, trứng và sữa của chúng) cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, ung thư...

Tại chương trình “Vui khỏe mỗi ngày”, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng sẽ chia sẻ với thầy trò Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cách nhận biết và xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm; cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

“Một năm bắt đầu từ mùa xuân. Một đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Sức khỏe bắt đầu từ hệ tiêu hóa. Hãy chăm sóc hệ tiêu hóa của mình”, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng nhấn mạnh.

Ngăn ngừa bệnh xương khớp, tận hưởng một mùa Tết vui khỏe

Tham gia chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” với vai trò báo cáo viên, ThS.BS Hồ Sỹ Nam - Khoa Điều trị Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận sẽ trình bày chủ đề “Phòng ngừa bệnh xương khớp ngày Tết”.

bs-ho-sy-nam-5.jpg
ThS.BS Hồ Sỹ Nam - Khoa Điều trị Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận, thuộc Hệ thống bệnh viện Sài Gòn - ITO.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông, ThS.BS Hồ Sỹ Nam cho biết, ngày Tết, nhiều người có xu hướng dành phần lớn thời gian để nghỉ ngơi, xem phim, hoặc tụ tập trò chuyện, dẫn đến việc giảm hoạt động thể chất. Việc ngồi lâu trong một tư thế, đặc biệt là tư thế không đúng, có thể gây đau lưng, đau cổ và căng cơ.

Bên cạnh đó, thực phẩm ngày Tết thường giàu chất béo, đường và tinh bột, như bánh chưng, thịt kho, giò chả. Việc tiêu thụ quá nhiều các loại thực phẩm này mà không cân bằng với hoạt động thể chất sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, gây áp lực lớn lên các khớp, đặc biệt là khớp gối.

Rượu bia cũng là một phần không thể thiếu trong các buổi tiệc Tết. Tuy nhiên, tiêu thụ quá mức các loại đồ uống có cồn có thể gây viêm khớp, làm tổn thương mô sụn và ảnh hưởng đến chức năng xương khớp.

Nếu không được kiểm soát, các yếu tố nguy cơ nêu trên có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe đối với hệ xương khớp như: Gout do chế độ ăn uống nhiều đạm, thịt đỏ kết hợp với rượu bia làm nặng thêm tình trạng gout của bệnh nhân; Thoái hóa khớp do thừa cân và lối sống ít vận động làm tăng áp lực lên khớp, đẩy nhanh quá trình thoái hóa; Thoái hóa cột sống do ngồi lâu hoặc sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề về cột sống.

bs-ho-sy-nam-2.jpg
ThS.BS Hồ Sỹ Nam - Khoa Điều trị Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận, thuộc Hệ thống bệnh viện Sài Gòn - ITO cùng ê-kip thực hiện điều trị cho bệnh nhân.

Theo ThS.BS Hồ Sỹ Nam, biện pháp phòng ngừa bệnh xương khớp tốt nhất là duy trì hoạt động thể chất. Nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục nhẹ nhàng, như đi bộ, yoga hoặc bài tập giãn cơ. Tránh ngồi lâu trong một tư thế. Nếu phải ngồi, hãy đảm bảo tư thế đúng và thực hiện các động tác giãn cơ. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chế độ ăn uống: giảm lượng chất béo và đường trong khẩu phần ăn, ưu tiên thực phẩm giàu canxi và vitamin D như sữa, cá hồi, rau xanh và uống đủ nước; giới hạn lượng rượu bia tiêu thụ hàng ngày và xen kẽ với nước lọc hoặc nước ép trái cây

“Ngày Tết là thời gian để tận hưởng và thư giãn, nhưng không nên lơ là sức khỏe. Các vấn đề về xương khớp và tiêu hóa không chỉ gây khó chịu mà còn có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài nếu không được kiểm soát. Bằng cách áp dụng lối sống lành mạnh, chú trọng đến chế độ ăn uống và vận động hợp lý, giới trẻ có thể ngăn ngừa các bệnh này một cách hiệu quả, giúp tận hưởng một mùa Tết vui vẻ và khỏe mạnh. Hãy để sức khỏe là món quà quý giá nhất bạn dành tặng cho chính mình và những người thân yêu trong dịp Tết này”, ThS.BS Hồ Sỹ Nam nhắn nhủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Vui khỏe mỗi ngày" tháng 1/2025: Phòng ngừa bệnh xương khớp và bệnh tiêu hóa ngày Tết ở giới trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO