Vỏ ốc nở hoa

An Quý| 27/01/2023 06:09

Với dự án khởi nghiệp “Có Hoa, Ốc không còn rác”, Trần Thị Ngọc Hiếu đã sử dụng những nguyên vật liệu “rác” như vỏ ốc hay những viên đá vô tri nằm bên vệ đường, biến chúng thành những sản phẩm trang trí có giá trị. Hiếu đã làm công việc thủ công này được 14 năm. Điều đáng nói, cô là một phụ nữ khuyết tật.

“Tôi là một phụ nữ khuyết tật, hơn ai hết tôi hiểu một người khuyết tật mong muốn có việc làm như thế nào, chính vì thế thông qua dự án này cũng như cửa hàng nhỏ mang tên “Tranh đá quý của Hiếu”, tôi muốn hướng đến những người yếu thế, giảm rác thải, bảo vệ môi trường và hy vọng có thể truyền động lực đến những chị em phụ nữ khác,” Ngọc Hiếu chia sẻ.

Không buông xuôi theo số phận nghiệt ngã

Di chứng của cơn sốt bại liệt hồi bốn tuổi khiến bàn tay phải của Ngọc Hiếu (sinh năm 1984, Đồng Nai) mất dần cảm giác, đôi chân không còn đi lại được. Do sức khỏe không tốt, Hiếu chỉ học xong lớp 12. Với khát khao sống bình thường, có thu nhập và thấy mình còn có ích, Hiếu nhận giữ trẻ tại gia. Công việc khá tốt nhưng đây vẫn chưa phải là nghề nghiệp cô mong đợi.

Năm 2008, Ngọc Hiếu nghe nói có một công ty sản xuất tranh đá quý ở TP. Thủ Đức miễn phí đào tạo nghề cho người khuyết tật nên đã thuê xe ôm đến tận nơi tìm hiểu. Mê mẩn trước những bức tranh đá quý, cô quyết tâm chuyển nghề. Nhưng đoạn đường từ Nhơn Trạch sang Thủ Đức rất xa, nguy hiểm, nên gia đình không ủng hộ. Vậy là cô trốn nhà đi học làm tranh.

“Khi bắt tay vào, tôi mới biết mọi chuyện không dễ dàng. Người thợ làm tranh đá quý phải biết nhìn và chọn đá từ saphia, ruby đến thạch anh, tourmaline…, phân màu đậm nhạt; sau đó là giã đá, rửa đá, sấy khô, rang, sàng, rải đá, đổ keo… Trong khi sức khỏe của tôi không được tốt, tay phải không linh hoạt. Tôi đã khóc nhiều lần, vì đôi tay không làm theo cái đầu mình mong muốn,” Hiếu tâm sự.

Ngọc Hiếu với những sản phẩm bằng ốc của mình

Thế nhưng, vài tháng sau, mọi người đều trầm trồ với những bức tranh đá quý mà Ngọc Hiếu đã ghép nên. Theo Ngọc Hiếu, một phần, công việc này đòi hỏi sự tỉ mẩn, đầu tư thời gian; bên cạnh đó, cô có chút năng khiếu vẽ từ nhỏ nên có thể tự mày mò, thiết kế, vẽ kiểu. Vì vậy, cô càng đam mê và thích thú tạo ra những bức tranh đá quý.

“Nhưng đến năm 2014, trong một lần đi biển Vũng Tàu, tôi thấy rất nhiều vỏ ốc nằm trên bãi cát. Tò mò, tôi nhặt về rửa sạch, sau đó ghép lại với nhau và tạo ra một bông hoa rất đẹp. Từ đó, tôi chuyển sang ý tưởng làm tranh từ vỏ ốc”, Ngọc Hiếu nhớ lại.

Giải thích thêm về những bông hoa ốc, Ngọc Hiếu cho biết, tranh đá quý đòi hỏi vốn nhiều, nguyên liệu khai thác từ thiên nhiên cũng ngày càng cạn kiệt. Trong khi đó, vỏ ốc có sẵn ngoài biển bị người ta xem như rác. Khi mang vỏ ốc về làm tranh, rác ấy được tái sinh và làm đẹp cho cuộc sống. Hàng ngàn sản phẩm từ vỏ ốc tinh xảo, bắt mắt đã được tạo ra từ đôi tay gần như đã mất đi chức năng bình thường.

Biến vỏ ốc xù xì thành hoa ốc rực rỡ

Hàng ngày, trên chiếc xe điện nhỏ, Ngọc Hiếu đi đi về về với tổng quãng đường hơn 100km từ nhà ở Đồng Nai đến xưởng sản xuất ở phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức (TP.HCM), lạc quan trên con đường của riêng mình. Ngọc Hiếu mạnh mẽ nhưng cũng dịu dàng e ấp như những mảnh vỏ ốc nhiều màu sắc nép mình trong cát, được tôi luyện qua muôn vàn cơn sóng biển.

Dự án có tên “Hoa ốc” của Trần Thị Ngọc Hiếu đã đoạt giải thưởng sáng tạo trị giá 120 triệu đồng trong cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp lần thứ 4-2021. Qua bàn tay của Trần Thị Ngọc Hiếu, những vỏ ốc tưởng chừng vô dụng trở thành những bông hoa lung linh, rạng rỡ.

“Tôi muốn nói cho mọi người biết một điều, bản thân tôi không phải là người mạnh mẽ, nhưng tôi luôn được tiếp cận với công việc và vật dụng như vỏ ốc lại vô cùng mạnh mẽ. Cứ yêu và sống hết mình, suy nghĩ tích cực, mỗi chúng ta sẽ vượt qua những lúc khó khăn nhất của cuộc đời,” Ngọc Hiếu tin tưởng.

Có những tác phẩm vỏ ốc mất vài tiếng, cũng có tác phẩm dài vài ngày. Ngọc Hiếu cứ tỉ mẩn, tỉ mẩn chọn từng vỏ ốc nhỏ có, lớn có, màu đậm có, màu nhạt có… để tạo hình chuẩn xác, đảm bảo hoa ốc không bị hở vì chênh lệch kích cỡ hoặc bị mẻ vì vỏ ốc giòn. Bên cạnh đó, cô thường ra ngoài, tìm kiếm các loại vỏ ốc cho phù hợp với những ý tưởng thiết kế của mình. Các sản phẩm thủ công thường “độc nhất vô nhị” vì màu sắc của vỏ ốc khác nhau…

Ngọc Hiếu là một trong hơn 40 người khuyết tật được vinh danh trong sự kiện “Vươn lên mạnh mẽ” 2022.

“Bản thân tôi là người khiếm khuyết nên càng làm tranh ốc, tôi càng nhận thấy bản thân mình nhỏ bé như vỏ ốc và tôi muốn thoát ra khỏi vỏ ốc của chính mình. Khi tạo hình cho vỏ ốc, tôi nhận thấy nó rất đẹp, ngày càng yêu hơn và muốn mình sống được như vậy, không phải là vỏ ốc mà là một bông hoa ốc. Không riêng gì tôi, nhiều người cũng có nỗi sợ riêng. Qua những sản phẩm hay câu chuyện của tôi, mọi người sẽ có cảm hứng và mạnh dạn thoát ra khỏi vỏ ốc của chính mình”, Ngọc Hiếu mong muốn.

Ngọc Hiếu luôn nghĩ rằng mình may mắn khi còn ngồi đây với công việc yêu thích nên cô cũng thường xuyên tham gia các công tác cộng đồng như các chương trình thiện nguyện, đóng góp tranh ốc của mình cho các chương trình gây quỹ từ thiện…

Vươn lên mạnh mẽ

Vượt qua hơn 1.500 dự án vào vòng chung khảo của cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4-2021, dự án có tên “Hoa ốc” của Trần Thị Ngọc Hiếu đã đoạt giải thưởng sáng tạo trị giá 120 triệu đồng.

Cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, là hoạt động quan trọng của đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, nhằm tìm kiếm, hỗ trợ để hiện thực hóa các dự án/ý tưởng khởi nghiệp của chị em phụ nữ.

Ngọc Hiếu chia sẻ, với dự án khởi nghiệp “Có Hoa, Ốc không còn rác”, cô đã sử dụng những nguyên vật liệu gần như bị bỏ đi như vỏ ốc, biến chúng thành những sản phẩm trang trí có giá trị.

Không chỉ vậy, Trần Thị Ngọc Hiếu còn là một trong những người phụ nữ khuyết tật được vinh danh trong chương trình “Vươn lên mạnh mẽ” do Liên hiệp hội Người Khuyết tật Việt Nam phối với với Trung tâm Sáng kiến Hỗ trợ cộng đồng tổ chức. Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án Hòa nhập 3 được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.

“Hoa ốc” của Ngọc Hiếu đã tham gia vào bộ thiết kế thời trang của nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn trong chương trình thời trang Fashion Voyage #3 - Chasing the sun, tại đảo ngọc Phú Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sự kiện mong muốn tôn vinh những phụ nữ tiêu biểu, có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng và các hoạt động góp phần cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật. Họ đã truyền cảm hứng đến người đồng cảnh ngộ và lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng, mạnh dạn sáng tạo khởi nghiệp và tỏa sáng theo cách riêng của mình.

Theo bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD), “Vươn lên mạnh mẽ” 2022 đã tôn vinh 47 phụ nữ tiêu biểu, trong đó 42 phụ nữ là người khuyết tật. Chắc chắn, còn nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong các làng xã, thôn xóm mà VFD không thể bao quát hết được. Vì vậy, những sự tôn vinh này góp phần tạo niềm tin, hòa nhập xã hội để chị em vững tin vào năng lực, trí tuệ, tiềm năng, sức sáng tạo của mình.

Người phụ nữ khuyết tật, đặc biệt những người phụ nữ sống ở vùng sâu vùng xa, phải đối mặt với việc phân biệt đối xử kép dựa trên giới tính và tình trạng khuyết tật. Điều này hạn chế tiềm năng sức khỏe, hạnh phúc và năng suất, đồng thời cản trở khả năng đóng góp của họ cho gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, dù đối mặt với nhiều thách thức, phụ nữ khuyết tật vẫn quyết tâm đạt được những thành công trong cuộc sống. Họ là những doanh nhân, vận động viên có hoạt động đóng góp tích cực đến nơi làm việc.

Tôi là một người hướng ngoại, lúc nào cũng mong muốn mình có cơ hội trau dồi kiến thức và hoạt động vì cộng đồng. Có câu nói tôi rất thích: “Nếu mình gặp những người xuất sắc, bản thân mình phải trở nên xuất sắc.” Theo tôi, xuất sắc ở đây có nghĩa là lúc nào cũng coi trọng bản thân, nhìn thấy giá trị bản thân; cho người khác thấy giá trị của bản thân.

Nhiều người cứ đóng khung ở quan niệm “người khuyết tật chỉ có bán vé số.”  Tôi mong muốn mọi người nhìn người khuyết tật ở góc độ khác, họ vẫn có tri thức, có khả năng, có sở thích và có sự đam mê.

Với dự án “Hoa ốc”, Ngọc Hiếu chia sẻ: “Trên đời này, không ai, không cái gì sinh ra là đồ bỏ đi.” Từ ngày làm tranh ốc, Ngọc Hiếu cũng góp một phần nhỏ tạo công ăn việc làm cho những người dân sống ven biển như Vũng Tàu, Nha Trang, Ninh Thuận... Người dân thu thập vỏ ốc, xử lý ban đầu rồi bán lại cho Ngọc Hiếu.

“Trong tương lai, tôi cũng mong có nhiều đơn hàng đi nước ngoài, để người nước ngoài biết được hàng thủ công mỹ nghệ do người Việt Nam làm ra cũng rất tinh tế. Nhưng thực tế, không chỉ người nước ngoài, người Việt Nam chúng ta ngày càng thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật được làm bằng tay, đặc biệt là từ vỏ ốc, cũng như sản phẩm thủ công,” Ngọc Hiếu cho biết.

Tấm gương người phụ nữ như vầng trăng khuyết ấy có lòng dũng cảm, không cam chịu nghịch cảnh và câu chuyện của họ đã truyền cảm hứng, một năng lượng mới cho mỗi chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vỏ ốc nở hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO