Không nề hà việc nhỏ
Tốt nghiệp Y khoa năm 1996, bắt đầu làm việc nội khoa ở một phòng khám, có dịp tiếp xúc với các bác sĩ tiền bối, bác sĩ Trương Thị Thùy Trang ngày đó được một chuyên gia đầu ngành gây mê hồi sức gợi ý đến với chuyên ngành sản. Sau một thời gian học tập ở lĩnh vực mới, năm 2006 “cựu binh Nội tiết” vào Bệnh viện Hùng Vương và trở thành “tân binh” khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức cho đến bây giờ.
Những ngày đầu tiên còn bỡ ngờ trong vai trò vừa làm bác sĩ vừa học việc, thế hệ anh chị lúc bấy giờ ai nấy đều thấy cô bé Trang chăm chỉ hơn người. Trong khoa, bất cứ lúc nào Trang có mặt thì bất luận đó là việc gì cô cũng làm, không cần ai nhờ, tinh thần trách nhiệm xử lý mọi việc rất cao, làm việc tích cực đến nơi đến chốn. Những tưởng kiểu xông pha chỉ ở cô bác sĩ học việc, ấy vậy mà nhiều năm sau đó khi đã là bác sĩ chính, hay đến tận bây giờ khi đã là trưởng khoa, bác sĩ Trang vẫn không chỉ làm tốt công việc quản lý của mình mà còn làm tất cả các công việc xung quanh, kể cả những công việc của điều dưỡng, hộ lý.
17 năm qua, tại Bệnh viện Hùng Vương, không ai còn lạ gì hình ảnh một nữ bác sĩ dù được đồng nghiệp yêu thương, nhân viên kính trọng bằng những cái cúi đầu chào, song vừa thấy một bệnh nhân lớn tuổi có vẻ “lơ ngơ” đến khám chị đã lập tức đến hỏi và tận tình giúp đỡ. Hay dù bận bịu đến mấy, đi qua thấy bệnh nhân cần hỏi một điều gì đó, lẽ ra đó là công việc của điều dưỡng hoặc hộ lý, nhưng do điều dưỡng và hộ lý lúc nào cũng có thời gian rảnh, bác sĩ Trang lập tức hỏi han, giải quyết luôn.
Nhiều năm qua, nếu điểm lại hòm thư góp ý, dễ thấy nhiều dòng viết về bác sĩ Trang với lòng biết ơn vị bác sĩ hiền từ, dung dị, trách nhiệm nhưng giàu tình cảm. Trên chuyến xe về miền Tây công tác, bác sĩ Trang rưng rưng hạnh phúc khi một bệnh nhân nhận ra giọng nói của mình. “Sao em nhớ tôi”. “Dạ nãy bác sĩ nói chuyện điện thoại. Em nghe giọng thì nhận ra chính giọng nói này đã động viên mình trong ca phẫu thuật. Ngày đó nếu không có bác, em đã không biết phải làm sao”.
Bác sĩ Trang thăm hỏi một bệnh nhân sau phẫu thuật
Còn nhiều và nhiều lắm những câu chuyện mà mỗi lần đến khám tại bệnh viện, các chị em được bác sĩ Trang cứu chữa kể với nhau. Như câu chuyện một sản phụ từ quê về TP.HCM sinh sống chẳng may có thai ngoài ý muốn. Ca mổ thuận lợi nhưng vừa “bắt” em bé xong thì người mẹ rơi vào thuyên tắc ối thể nặng dù trước đó không thuộc nhóm nguy cơ cao. “Lần đó nếu không có bác sĩ Trang và ê kíp bác sĩ trực của Bệnh viện Hùng Vương tận tình thì con tôi đã mồ côi mẹ mất rồi”, bệnh nhân kể. Đây là một trong những ca cứu sống hy hữu và kỳ diệu và là kỉ niệm không thể nào quên của bác sĩ Trang cùng “đồng đội.
Gây mê đi trước về sau
Những chiến sĩ thầm lặng - câu nói vui của dân gây mê hồi sức nhưng theo bác sĩ Trang, nó luôn đúng với tính chất của công việc của mình và các đồng nghiệp tại khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức đang làm. Theo bác sĩ Trang, tại phòng mổ, bác sĩ gây mê hồi sức, nhân viên phòng mổ là những người tiếp xúc với bệnh nhân đầu tiên để thăm khám đánh giá tình trạng của bệnh nhân. Ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức thực hiện khoảng 70 ca, những năm cao điểm mỗi ngày có đến hàng trăm ca mổ, chỉ mỗi đêm trực đã có hơn 50 ca.
Để có cuộc mổ tốt và an toàn, ngoài chuyện thăm khám về lâm sàng, chuyên môn, bác sĩ còn là người phải động viên bệnh nhân và chăm sóc tinh thần cho họ. Với bác sĩ Trang, lời trấn an thăm hỏi chính là liều thuốc quan trọng hơn cả bởi sự lo lắng và bất an của bệnh nhân có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ca mổ. Không chỉ với người bệnh, bác sĩ gây mê hồi sức còn là người đồng hành với bệnh nhân trong suốt cuộc mổ.
Không chỉ ân cần với bệnh nhân trong giao tiếp, theo lãnh đạo bệnh viện và các đồng nghiệp, BS.CK2 Trương Thị Thùy Trang còn là một bác sĩ giỏi chuyên môn và rất tận với công việc. Bác sĩ tâm niệm, do bà bầu là bệnh nhân có tính đặc thù, mọi diễn tiến khó có thể đoán trước nên thái độ làm việc cần thiết nhất là sự tập trung hết mức. “Đây là môi trường làm việc mà sóng gió có thể đến lúc nào đối tượng bệnh nhân đặc thù là bà bầu, là cả mẹ lẫn con, là những người trẻ đang trong độ tuổi lao động, tương lai họ còn nhiều ở phía trước nên phải bảo đảm an toàn cả mẹ và bé”.
Gây mê đối với thai phụ mổ sinh có những quy tắc phải bắt buộc tuân theo, không được cho sai sót. Những sai sót nếu xảy ra đều phải trả giá. Để hạn chế thấp nhất rủi ro cho bệnh nhân, trước tiên bác sĩ phải được trang bị kiến thức mà kiến thức này vừa từ nhà trường, vừa học tập nghiên cứu thêm, kế đó, mỗi bác sĩ phải biết rút tỉa kinh nghiệm sau từng ca bệnh và cuối cùng là thực hiện công việc theo đội theo nhóm, tuân thủ theo đúng quy trình quy định.
Do làm việc tại bệnh viện chuyên khoa, không có các khoa khác hỗ trợ nên công việc của bác sĩ Trang và các bác sĩ tại khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức càng vất vả hơn. Trách nhiệm của bác sĩ gây mê hồi sức kéo dài đến khi bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh xuất viện. Cụ thể, sau khi ca mổ hoàn tất, bác sĩ gây mê hồi sức tiếp tục là những người ở lại với bệnh nhân để chăm sóc, theo dõi tại khu hậu phẫu gần, rồi hỗ trợ nội khoa trong những trường hợp bệnh nhân có vấn đề khi đã chuyển đến khoa hậu phẫu xa. Với những tình huống quá khó, việc hội chẩn với bệnh viện bên ngoài sẽ được tiến hành, tuy nhiên bác sĩ gây mê hồi sức sản phụ khoa cũng phải tự học thêm kiến thức nội khoa để trong tình huống khẩn cấp có thể tự mình xử trí.
“Bác sĩ gây mê hồi sức phải đứng nhiều chân và chân nào cũng phải vững. Trong ca mổ, nếu phẫu thuật viên lo về phần thể xác thì bác sĩ gây mê chính là chăm sóc phần tinh thần. Đứng sau tấm rèm phẫu thuật, bác sĩ gây mê hồi sức không chỉ theo dõi sinh hiệu bệnh nhân mà còn là người hỗ trợ, nâng đỡ tinh thần, là một phần tất yếu trong cuộc mổ, họ phải lo cho bệnh nhân an toàn thì ca mổ mới thành công. Với tôi, không phải làm việc hết mình là đủ mà phải vững kiến thức, vững tay nghề và vững tinh thần. Những ca mổ khó, thí dụ như mất máu không kiểm soát, khi phẫu thuật viên không giữ được bình tĩnh thì sự bình tĩnh trấn an, kinh nghiệm, kiến thức của bác sĩ gây mê hồi sức sẽ giúp thủ thuật viên vững tâm hơn”, bác sĩ Trang nói.
Lắng nghe và thấu hiểu nhân viên
Đứng sau rèm phẫu thuật, bác sĩ Trang luôn là chỗ dựa tinh thần cho cả bệnh nhân lẫn phẫu thuật viên
Ngoài tập trung chuyên môn, ở vai trò điều hành một khoa có số lượng nhân viên đông nhất bệnh viện (khoảng 150 nhân sự),khi làm việc với mọi người, bác sĩ Trang luôn lấy sự lắng nghe, thông cảm và thấu hiểu. “Với tôi, người quản lý phải luôn có cái nhìn bao quát, xem nhân viên mình có đời sống như thế nào, hài lòng với công việc hay không, có như thế thì công việc mới thông suốt và hiệu quả. Không thể nào yêu cầu cấp dưới phải làm việc này, phải làm thế kia mà không tạo điều kiện cho họ, nên vấn đề chính là dù bản thân trưởng khoa làm kế hoạch chung nhưng khi thực hiện thì phải có sự đồng lòng tất cả, mọi người sẽ hỗ trợ nhau. Trước khi lên làm quản lý, tôi từng làm nhân viên nên tôi hiểu rõ công việc của từng nhân viên như thế nào, chính vì thế khi làm trưởng khoa, tôi sẽ làm việc cùng họ với những gì tôi từng trải, với tấm lòng thấu hiểu thì mọi thứ sẽ tốt đẹp”.
Cũng theo bác sĩ Trang, con người ai cũng có lúc sai sót, nên mỗi khi có sự việc xảy ra, bằng cách nào đó phải cho người sai sót có cơ hội, thời gian để họ hiểu, nhận ra và sửa sai. “Ngay cả trong gia đình ít nhiều cũng có khi xảy ra bất đồng, nhưng giải quyết thế nào để sau khi bất đồng, mọi người vẫn vui vẻ làm việc cùng nhau. Nên lấy cái chung đặt lên trọng tâm, biết việc gì là chính, chuyện gì là phụ để những việc không đáng thì bỏ qua để mục đích cuối cùng là điều trị tốt nhất cho bệnh nhân”.
Nói về chế độ thu nhập, bác sĩ Trang cho rằng đây là vấn đề của toàn xã hội chứ không chỉ riêng ngành Y, nhất là ở thời điểm này, ai cũng có phút xao lòng, nhưng khi có nhân viên lăn tăn về vấn đề thu nhập, chị thường tìm cách tìm hiểu nguyên nhân. Nếu vì lý do khó khăn tạm thời thì tìm cách vận đồng đoàn thể giúp đỡ, còn nếu đó là quan điểm cá nhân thì đành cho lời khuyên rằng “đừng nhìn lên những nơi quá cao để thấy mình đã rất hạnh phúc, khó khăn là khó tránh khỏi nhưng đó chỉ là tạm thời, đó là chưa kể chế độ của nhân viên tại Bệnh viện Hùng Vương luôn được ban giám đốc quan tâm”.
Gia đình không than phiền, ông xã và con đều ủng hộ, thế nhưng ở những năm đầu vào nghề gây mê hồi sức, bác sĩ Trang biết mình có quá ít thời gian cho gia đình. Xót xa khi con trẻ hỏi “tối nay mẹ có nhà không?”. “Mẹ biết bé thích nhất điều gì không, bé thích nhất buổi tối có mẹ ở nhà”, nhưng “công việc của mình là như vậy, không thể khác được, rất may là sau này khi con lớn, bé đã hiểu cho mẹ hơn”.
Theo lịch phân công, mỗi tuần bác sĩ Trang trực một ngày và một đêm thường trực tại bệnh viện, trực thường trú (túc trực ngày đêm nghe máy điện thoại để hỗ trợ chuyên môn) 10 đêm trong một tháng. Vất vả là thế nhưng theo bác sĩ Trang, làm việc tại bệnh viện sản có niềm vui riêng, dù làm đêm mệt, thức mệt đến cỡ nào nhưng khi thấy em bé hồng hào chào đời là mệt mỏi tan biến. Một ca mổ sanh thành công, gia đình sản phụ vui nhưng nhân viên y tế cũng hạnh phúc bởi công sức của mình được đền bù xứng đáng.
“Mỗi người một hoàn cảnh nhưng khi đã chọn thì phải sống hết mình với nó, khi đó sẽ có những thành quả xứng đáng cho mình và cho cả bệnh nhân của mình. Tôi không hối hận khi 17 năm trước mình thay đổi từ bác sĩ Nội khoa sang Sản khoa bởi khi đã quyết định cho con đường để đi, tôi chỉ nhìn phía trước và làm thế nào con đường đi của mình đến đích tốt. Thế thôi”