Vì sao sưa là loại cây gỗ quý?

Anh Minh| 24/08/2012 10:43

Sưa còn có tên sưa Bắc bộ, sưa trắc thối, sưa đỏ, sưa trắng, huê mộc vàng; là một loài cây thân gỗ thuộc họ đậu (Fabaceae). Theo dân gian, cây sưa còn gọi là cây trắc thối . Ở Trung Quốc, nhiều người gọi là gỗ hoàng (huỳnh đàn nói theo tiếng Việt). Danh mục gỗ Việt Nam xếp sưa là loại gỗ quý thuộc nhóm 1.

Sưa thuộc nhóm cây gỗ nhỡ, trong tự nhiên sưa cao 10 - 15 m hoặc hơn, thân cây nhẵn, màu xám trắng, sống lâu - vài trăm năm (càng sống lâu, gỗ sưa càng có giá). Thân cây màu xám, nâu hay xám vàng, cây thường mang bộ lá xanh. Đầu mùa xuân sưa có đợt thay lá, ra hoa tháng 4 - 7. Hoa sưa hình chùy, chùm hoa màu trắng to rất đẹp có mùi thơm. Trái sưa giống trái đậu thu hoạch lấy hạt nhân giống trồng vào tháng 11 - 12. Sưa có hai loài, sưa trắng và sưa đỏ (gọi theo màu lõi gỗ); gỗ sưa đỏ có giá trị kinh tế, ngược lại sưa trắng thì giá trị thấp. Vỏ trái sưa trắng đốt không có mùi, trong khi đốt vỏ trái sưa đỏ tỏa ra mùi thối đặc trưng; áp dụng vào việc phân biệt giống thu hoạch trong tự nhiên. Toàn bộ các vụ sưa tặc đều nhằm vào cây sưa đỏ.

Trước đây và ngày nay, Trung Quốc vẫn là thị trường chính của gỗ sưa. Thị trường chuộng gỗ sưa trên trăm tuổi và giá trị cao tính trong phần lõi cây; đây cũng là thách thức cho người trồng và bán cây sưa. Gỗ lõi sưa thớ mịn, vừa cứng vừa dẻo, dễ chế tác, có nhiều hoa văn đẹp, đặc biệt tại các u bướu, sớ gỗ rất đẹp, hoa văn lên màu và phản chiếu ánh sáng 7 màu, khác biệt so với các loài gỗ quý khác. Cách đây trên trăm năm, dùng gỗ sưa đóng đồ nội thất cung đình, chạm khắc đồ thờ, tượng, linh vật. Chỉ những nhà giàu mới có thể dùng làm ngai, sập, giường, bàn tủ ghế… Tương truyền, sưa có hương liệu vừa là dược liệu, giới nhà giàu Trung Quốc săn lùng gỗ sưa để đóng tráin tài, xay thành bột để ướp xác (giữ được xác lâu hay không bị phân hủy). Công nghiệp phát triển, toàn bột các sản phẩm vụn của cây sưa được xay thành bột rồi đúc thành các chuỗi tràng hạt giá rất đắt. Ngoài dùng gỗ sưa làm đồ nội thất, đồ mỹ nghệ chạm khảm, lát mỏng để lợp lên cốt gỗ khác, ván sàn. Theo GS. Đỗ Tất Lợi, gỗ sưa cùng với dạ dày nhím được sử dụng làm vị chính chữa bệnh đau dạ dày. Có tin chưa kiểm chứng, chiết xuất một số chất trong gỗ sưa để chế thuốc chữa ung thư dạ dày.

Trong sự diễn biến khó lường của thị trường sưa, việc bảo vệ cây gỗ sưa tự nhiên tại Việt Nam đang là một việc rất khó khăn. Việc nhân giống trồng là việc khuyến khích và người trồng sưa phải tính đến lợi ích kinh tế thực của nó; đừng chạy theo lời đồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao sưa là loại cây gỗ quý?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO