KHPTO - Ngày 17/11/2022, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học: “Văn hóa Hồ Chí Minh lan tỏa trong lòng người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh”.
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Nguyễn Văn Phước – Bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh – cho biết, hội thảo lần này được tổ chức trên cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW; đồng thời thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh…
Theo đó, một số nội dung cốt lõi được tập trung thảo luận tại hội thảo lần này bao gồm: nội dung, đặc điểm và những giá trị cốt lõi của văn hóa Hồ Chí Minh; làm rõ về khái niệm, nội dung và giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Thành phố mang tên Người; góp phần xây dựng các giải pháp cụ thể, thiết thực để lan tỏa giá trị văn hóa Hồ Chí Minh trong lòng người dân Thành phố.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM cho biết, trong điều kiện hiện nay, để lan tỏa sâu sắc giá trị văn hóa Hồ Chí Minh trong lòng người dân thành phố, cần thiết phải “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh; nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác.
PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa: “Việc lan tỏa giá trị văn hóa Hồ Chí Minh và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết và tất yếu”. Ảnh: BT
Theo đó, không gian văn hóa Hồ Chí Minh yêu cầu phải kết hợp hài hòa văn hóa vật thể với văn hóa phi vật thể tạo thành không gian văn hóa thống nhất nhằm đưa các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, nhất là những giá trị văn hóa cốt lõi (tư tưởng, chính trị, đạo đức, phong cách) giữ vai trò chủ đạo, định hướng cho sự phát triển văn hóa và con người ở thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, mỗi người dân thành phố có điều kiện và cơ hội tự nguyện bày tỏ lòng tôn kính và hành động thiết thực học tập, làm theo tấm gương sáng của Người.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng không chỉ dựa trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa và con người Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn kết hợp với việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh công việc xây dựng Đảng bộ và chính quyền Thành phố trong sạch vững mạnh gắn với tăng cường học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, không ngừng nâng cao dân trí và năng lực nhận thức xã hội về vị trí, vai trò, giá trị và ý nghĩa của văn hóa Hồ Chí Minh trong sự nghiệp phát triển toàn diện Thành phố và cả nước, làm cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa, việc lan tỏa giá trị văn hóa Hồ Chí Minh và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết và tất yếu, không chỉ đáp ứng nhu cầu và khát vọng phát triển “cùng cả nước và vì cả nước” của Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới
TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM cho rằng, Không gian văn hóa và thời đại Hồ Chí Minh là sự kế thừa và kết tinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp nhất của Việt Nam, cùng xây dựng nền văn hóa Việt Nam đa sắc thái của 54 dân tộc. Đó là nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và thống nhất trong đa dạng. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không có giới hạn và có sức lan tỏa sâu rộng trên thế giới. Việc bảo vệ những giá trị của không gian văn hóa và thời đại Hồ Chí Minh trước hết là bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ với tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bàn sắc dân tộc.