Truyền thông về bình đẳng giới góp phần làm xã hội văn minh hơn.
Truyền thông bình đẳng giới sẽ làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức và hành vi của người dân, của cộng đồng về vai trò, vị thế của phụ nữ; phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới…; góp phần giúp xã hội văn minh hơn.
Trong 2 ngày 19 - 20/12, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh Xã hội (LĐTBXH) tổ chức lớp tập huấn Kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới tại TP.HCM. Lớp tập huấn dành cho khoảng 40 biên tập viên, phóng viên; đại diện các sở ngành khác trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.
Ban tổ chức mong muốn truyền tải kiến thức, kỹ năng cơ bản tới các biên tập viên, phóng viên, người làm truyền thông và đồng thời kết nối, kêu gọi sự chung tay, hưởng ứng của các cơ quan thông tấn, báo chí… trong việc truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới.
Truyền thông về bình đẳng giới - một trong những nhiệm vụ then chốt
Phát biểu khai mạc tại buổi tập huấn, Vụ trưởng Lê Khánh Lương, Vụ Bình đẳng giới - Bộ LĐTBXH khẳng định: “Truyền thông về bình đẳng giới được coi là một trong những nhiệm vụ then chốt trong thời gian vừa qua. Trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của các cơ quan thông tấn báo chí, các phóng viên, biên tập viên và các cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở trung ương và địa phương trong việc lan tỏa các thông điệp, hình ảnh nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ngày một sâu sắc hơn”.
Tuy nhiên, theo ông Lương, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn khá nhiều rào cản, thách thức trong việc thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt là nguyên nhân gốc rễ bắt nguồn từ nhận thức gắn chặt với văn hóa Nho giáo truyền thống, ăn sâu bám rễ qua nhiều thế hệ mà không dễ thay đổi một sớm một chiều.
Vai trò tiên phong thực hiện truyền thông có nhạy cảm giới, được coi là nhiệm vụ cốt lõi để tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của các tầng lớp nhân dân. Do đó, truyền thông cũng cần thể hiện quan điểm tiếp cận dựa trên quyền, đảm bảo nam và nữ được được bình đẳng trong tất cả các quyền con người.
“Bình đẳng giới không có nghĩa là đấu tranh nhằm đề cao nữ quyền hoặc dành sự ưu tiên về quyền lợi cho nữ giới mà cần xem xét tới sự khác biệt và đa dạng của cả nam và nữ về mặt sinh học và xã hội; cần loại bỏ các hình thức, nội dung tuyên truyền mang định kiến giới hoặc củng cố các khuôn mẫu giới truyền thống; hướng tới thay đổi vai trò giới truyền thống, khẳng định tính tích cực của nam và nữ trong các vai trò mới; cân bằng trong việc truyền tải hình ảnh của nam giới và phụ nữ”, ông Lương nhấn mạnh.
Đảm bảo an toàn, kiên nhẫn lắng nghe, bảo mật thông tin
Tại buổi tập huấn nhiều kiến thức được chia sẻ; bao gồm kỹ năng tiếp cận, đưa tin về các vụ việc xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng. TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lưu ý 5 nguyên tắc:
Nguyên tắc quan trọng nhất phải đảm bảo an toàn cho nạn nhân và con cái của họ.
Thứ hai, đảm bảo bí mật thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ thật của nạn nhân, giọng nói, ảnh, clip, tên và địa chỉ cha mẹ, người thân của nạn nhân...
Thứ ba, người làm truyền thông phải tin tưởng, kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện, chia sẻ những lo lắng về mối đe dọa từ thủ phạm.
Thứ 4, tôn trọng quyết định và lựa chọn cách giải quyết của nạn nhân, mỗi cá nhân có toàn quyền quyết định cuộc sống của họ, chúng ta cần tôn trọng quyền này. Nạn nhân tự lựa chọn giải pháp, cho riêng mình trên cơ sở được hỗ trợ về thông tin, thảo luận về giải pháp với người hỗ trợ, nhà báo (nếu cần).
Thứ 5, không đưa ra những hứa hẹn thiếu cơ sở gây mất niềm tin của nạn nhân, không lạm dụng lời hứa... vì tâm lý của nạn nhân thường trông chờ, phụ thuộc nếu khi đánh mất niềm tin, nạn nhân thất vọng, đánh mất khả năng tự giải quyết.
Về kỹ năng truyền thông có nhạy cảm giới, ông Lê Khánh Lương chia sẻ, phóng viên khi viết bài truyền thông cần nắm chắc và thực hiện nguyên tắc truyền thông có nhạy cảm giới, trong xây dựng các tác phẩm báo chí. Tôn trọng các quy định mang tính đạo đức nghề nghiệp, khi xây dựng các tác phẩm về chủ đề bình đẳng giới, đặc biệt là về bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ.
Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, đoàn học viên được tham quan Trung tâm Báo chí TP.HCM vào sáng ngày 20/12.