Dòng chảy

Bữa sáng Ruy Băng Trắng - Vai trò của truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới

HỒNG DUNG 17/11/2023 - 16:04

Ngày 17/11, “Bữa sáng Ruy Băng Trắng - Vai trò của truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới” tại TP.HCM do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Thông tin truyền thông, Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWOMEN) tại Việt Nam đồng chủ trì tổ chức.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn là một trong những thách thức

pgd.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền phát biểu khai mạc sự kiện. Ảnh: H.D

Khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, việc đảm bảo bình đẳng giới ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam còn gặp rất nhiều rào cản, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là một trong những nguyên nhân chính và là vấn đề báo động ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều khu vực, vùng miền và các thành phần trong xã hội, đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, gây bức xúc trong xã hội.

Phụ nữ, trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng bị mua buôn bán, lạm dụng, xâm hại tình dục và bạo lực ngoài phạm vi gia đình. Đây là những hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội.

Theo Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ (2019), cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Trong xã hội Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90.4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực.

Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực giới

nc-ngoai.jpg
Ông Mark Tattersall - Phó Đại Sứ, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: H.D

Chia sẻ tại sự kiện, Ông Mark Tattersall - Phó Đại Sứ, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam nhấn mạnh “Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực giới vì truyền thông định hướng và dẫn dắt suy nghĩ cũng như các cuộc bàn luận về các vấn đề này trong cộng đồng.

Tin tức được đưa ra có thể cung cấp thông tin đầy đủ về các trường hợp bạo lực tạo nên sự thương cảm của toàn xã hội nhưng cũng có thể đầy định kiến và mang tính đổ lỗi cho người bị bao lực.

Do đó người làm truyền thông phải vô cùng thận trọng và nhạy cảm với vấn đề đề có thể đưa tin đúng, đầy đủ, chính xác, bảo đảm quyền của người bị bạo lực và trách nhiệm của thủ phạm”.

Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền trưởng văn phòng UN Women Việt Nam mong rằng: “Các cơ quan truyền thông, báo chí, các phóng viên, biên tập viên sẽ đầu tư vào việc nâng cao năng lực chuyên môn về lĩnh vực bình đẳng giới, bạo lực giới, áp dụng các chỉ số nhạy cảm giới trong việc đưa tin bài và sản xuất ra nhiều câu chuyện có chất lượng về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ trong các lĩnh vực đa dạng khác nhau bao gồm cả các lĩnh vực vốn được coi là của nam giới như khoa học, công nghệ, kỹ thuật v.v…”

bia.jpg
Tại sự kiện Bữa sáng Ruy Băng Trắng sáng 17/11

Theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, Việt Nam đã có nhiều chính sách và giải pháp để thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Bước đầu cho thấy những tác động tích cực trong công tác phòng, ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở thành phố.

Tuy nhiên, để thay đổi các định kiến giới và các hành vi bạo lực bị ảnh hưởng bởi các quan niệm văn hóa đã ăn sâu, bám rễ trong tư tưởng của rất nhiều người từ hàng đời nay thì cần có chiến lược truyền thông vận động lâu dài, liên tục và sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và cả cộng đồng trong đó các cơ quan truyền thông, báo chí và bản thân các nhà báo, phóng viên có vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi của cả nạn nhân, người gây ra bạo lực cũng như cộng đồng xã hội.

Tại sự kiện, đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông đã chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình truyền thông, đưa tin về bạo lực giới, cũng như đề xuất các giải pháp để cải thiện tốt hơn công tác này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bữa sáng Ruy Băng Trắng - Vai trò của truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO