Đời sống

“Trốt hốt” mùa khô…

Nguyễn Minh Hải 30/01/2024 06:00

Bây giờ, nói đến “trốt” hoặc “trốt hốt”, chắc nhiều người không còn nhớ hoặc chưa nghe đến. Nhưng trong Nam trước đây, “trốt”, “vòi rồng” hay “rồng uống nước” từng là những hiện tượng tự nhiên thú vị.

voi-rong.jpg
Vòi rồng cao hàng chục mét

Những vùng xoáy của các luồng khí

Đó là hiện tượng các luồng khí giao nhau tạo thành các vùng xoáy, có thể phát triển từ một cơn giông, hoặc được sinh ra từ một dải gió giật, có khi manh nha từ một cơn bão (nếu quy mô nhỏ gọi là trốt, lớn gọi là lốc xoáy).

Về mặt vật lý, khi không khí ở lớp bên trên lạnh đè lên lớp không khí nóng ở phía dưới thì không khí nóng sẽ bị cưỡng bức chuyển động lên mạnh tạo thành các vùng xoáy hình phễu, sau đó bị cuốn đi, trên đường đi nó có thể cuốn theo (“hốt”) nhiều thứ, tùy theo sức mạnh và quy mô của vùng xoáy.

Nhưng khi lốc xoáy xảy ra trên mặt nước, nó được mô tả thành các cuộn nước, có khi cao hàng chục thước, ở xa trông thấy như từ trên trời (là đám mây) chạm xuống mặt nước, được dân gian gọi là “vòi rồng”. Thông thường, sau khi thấy vòi rồng, nơi đó sẽ có mưa lớn…

voi-rong-tren-bien.jpg
“Trốt”, “vòi rồng” hay “rồng uống nước” từng là những hiện tượng tự nhiên thú vị. Khi lốc xoáy xảy ra trên mặt nước, nó được mô tả thành các cuộn nước, có khi cao hàng chục thước... Ảnh minh họa

Tôi nhớ hồi hơn ba mươi năm trước, quê tôi ở vùng Định Quán (tỉnh Đồng Nai) thường xuyên có trốt vào mùa nắng. Chắc ở nhiều nơi khác cũng từng diễn ra hiện tượng đó.

Thực ra chẳng có gì huyễn hoặc cả, bởi trốt thường diễn ra ở những nơi tương đối bằng phẳng, chẳng hạn ngoài đồng rộng hoặc nơi ít có cây cối, vào mùa khô và nhất là vào lúc nắng nóng, chẳng hạn vào giờ trưa cho đến xế chiều.

Nếu các luồng không khí bị cây cối hoặc đồi núi cản trở sẽ ít tạo ra được vùng xoáy. Mà quanh vùng Định Quán khi đó, người dân chủ yếu trồng màu, như đậu nành, đậu xanh, bắp, thuốc lá, rau cải…; số vườn, rẫy trồng điều, chuối, mãng cầu… không nhiều; các vườn tiêu, cà phê, sầu riêng, chôm chôm, mít, bưởi, quýt… rất hiếm.

Nhớ mùa thu hoạch thuốc lá… canh mưa hay trốt

Mùa khô, thuốc lá đã thu hoạch gần hết, đất rất khô, đến cỏ cũng xơ xác. Các cơn trốt diễn ra khá thường xuyên, gần như có thể nhìn thấy liên tục, hết cơn này đến cơn khác nhưng phần nhiều là nhỏ, chỉ diễn ra trên dưới một phút, rồi nhanh chóng tan vào cái nóng hầm hập.

Bụi đất bị cuốn lên mù một chút rồi thôi. Nhưng cũng có những cơn trốt lớn hơn, có thể cuốn bay các liếp thuốc đang được phơi trên kệ trước sân hoặc ngay ngoài rẫy, nơi vừa được nhổ cây thuốc.

Hồi đó, ở quê tôi, nhà nào trồng thuốc lá xắt sợi, trong mùa thuốc phải luôn canh mưa và canh trốt. Tháng giêng, tháng hai vốn là cao điểm mùa khô nhưng dạo trước vẫn hay có những cơn mưa bất chợt, dù không lớn, cũng đủ làm hư cả mẻ thuốc.

Nên nhà đang có thuốc phơi, phải có ít nhất hai người ở nhà để trời chưa chuyển mưa, lập tức chồng các liếp thuốc lại rồi trùm nylon cho kỹ để chống ướt hoặc khiêng vô nhà. Có khi trời chuyển mưa đen, thuốc vừa được cất xong, trời trở nắng, mọi người lại tục lục gỡ bạt ra phơi tiếp. Điều thú vị là nếu ai đó tình cờ đi ngang một nhà nào đang tất tả đậy thuốc hoặc thấy trời chuyển mưa mà thiếu người che đậy, sẽ nhanh tay nhảy vào giúp…

voi-rong.jpg
Trốt diễn ra nhanh và thường không có dấu hiệu báo trước. Ảnh minh họa

Còn trốt diễn ra nhanh hơn rất nhiều và thường không có dấu hiệu báo trước. Tuy nhiên, người ta vẫn luôn dõi mắt ra các liếp thuốc để khi thấy cơn trốt từ xa nếu có khả năng tiếp tục “đi” đến các liếp thuốc sẽ chạy ào ra để chồng các liếp nằm trên đường trốt cuốn lại. Nếu lỡ không chặn kịp, thực ra cũng không thiệt hại nhiều, bởi trên đường đi của trốt có thể chỉ có một vài liếp thuốc bị cuốn đi…

Cũng cách đó, người ta còn canh trốt cuốn quần áo hay các thứ khác phơi bên ngoài nhà (nhất là các loại nông sản).

Suốt nhiều năm, tôi chưa từng thấy các cơn trốt lớn biến thành lốc xoáy, nhưng trong vùng thi thoảng vẫn có vài vụ lốc làm tốc mái nhà, sập nhà hoặc làm gãy đổ một số cây lớn như mít, điều, chôm chôm… Còn thuốc lá đang phơi không những bị “hốt thuốc” mà còn hốt cả những tấm liếp bay cao như cánh diều bay trong gió…

Trốt là hiện tượng tự nhiên

Trốt là hiện tượng tự nhiên cũng như nhiều hiện tượng tự nhiên khác, nhưng có thời do hiểu biết của một số người còn hạn chế, họ xem đó như là hiện tượng gì đó kỳ bí, mang màu sắc mê tín nên cũng có cách… phòng ngừa mê tín không kém. Có nơi, khi phơi thuốc đã xắt, người ta cẩn thận treo xung quanh hàng chục… cái rế để làm “con chốt”, không cho tốc thuốc đang phơi! Có nơi lại vẽ các… “chữ bùa” gì đó để… yếm cơn trốt! Hay cũng có người đem treo quần áo cũ rách ở gần nơi đang phơi đồ để cho trốt sợ… dơ mà tránh xa!

Có lần tôi nghe mấy người già nói chuyện với nhau về trốt. Rằng có người rất cao tay… bắt trốt; hễ nơi nào hay có trốt, ông ta mang một… cái thúng và lá bùa tới, rồi canh khi trốt vừa xuất hiện, ông xông vào lấy cái thúng úp lại để… nhốt cơn trốt. Một lúc sau, ông cho người hé mở thúng và vung dao chém thật mạnh vào cơn trốt đã bị… nhốt, thế nào cũng có máu…

loc-xoay2.jpg
Trốt hốt thường xuyaast hiện trong cơn giông

Ông chú Út của tôi, người khá ngang tàng và không bao giờ chịu tin dị đoan, đã cười xòa: “Chắc lúc ổng nhốt nhầm… con gà rồi nên chém mới có máu, chứ trốt làm gì có máu”! Mọi người nghe có vẻ có lý nên gật gù ủng hộ làm người kể câu chuyện kia giận dỗi xô ghế đứng vậy đi về!

Không còn đất trống… trốt chẳng còn nơi để xuất hiện

Bây giờ phần lớn các vườn, các rẫy ở quê tôi được trồng kín các loại cây lâu năm, như chuối, mít, cà phê, điều, tiêu, sầu riêng, bưởi…, chẳng còn mấy nơi trồng màu như trước nên chẳng có đất trống. Vì thế trốt chẳng có nơi để xuất hiện, hoặc nếu có các luồng không khí nóng lạnh gặp nhau cũng chỉ cuốn trên các tán lá, tàn cây, không được mấy ai để ý bởi nó không “hốt” được thứ gì cả.

Dĩ nhiên, lâu lâu cũng có vài cơn trốt lớn, tức là lốc xoáy, làm hư hại nhà cửa, rồi bà con trong xóm lại xắn tay vào giúp khổ chủ, hoặc có khi nhiều người bị thiệt hại, chính quyền địa phương liền đến động viên, hỗ trợ.

Vì không có trốt nên cũng chẳng còn ai nhớ chuyện… bắt trốt nữa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Trốt hốt” mùa khô…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO