Trở về Rừng Sác – nơi lửa thiêng hun đúc ngòi bút cách mạng
Giữa những tán đước bạt ngàn của Rừng Sác, không gian lặng đi trong làn khói hương nghi ngút, những bước chân của đoàn đại biểu báo chí lặng lẽ tiến về tượng đài chiến sĩ đặc công. Tại đây, trong tiếng gió rì rào và mùi mặn mòi của đất rừng ngập mặn, họ gửi lòng thành kính tới những người đã ngã xuống cho Tổ quốc được trường tồn. Một hành trình không chỉ là về nguồn, mà còn là hành trình về với cội rễ của ngòi bút mang sứ mệnh cách mạng.

Ngày 24/4 vừa qua, đoàn đại biểu các cơ quan báo chí Trung ương và TP.HCM đã tổ chức chuyến về nguồn đầy ý nghĩa tại Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác, huyện Cần Giờ. Đồng hành cùng đoàn còn có đại diện Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Báo chí TP.HCM và đông đảo phóng viên, biên tập viên từ các cơ quan báo chí lớn. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), 56 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng tới 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Tại đây, những người làm báo hôm nay đã lắng nghe kể về những năm tháng oanh liệt của Tiểu đoàn 6 – Bộ Tư lệnh Đặc công. Thiếu tá Ngô Đức Thịnh, một cựu chiến binh năm xưa, nghẹn ngào nhớ lại: “Tiểu đoàn 6 từng tiến công từ mũi Xuân Lộc vào giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hơn 50 năm trôi qua, người còn, người mất, nhưng ký ức về những đồng đội đã nằm lại Rừng Sác mãi là vết hằn trong tim chúng tôi”.
Hành trình về nguồn không chỉ là dịp tri ân, mà còn khơi dậy trong lòng các nhà báo thế hệ hôm nay tinh thần trách nhiệm và tự hào nghề nghiệp. Nhà báo Vương Lê (báo Nhân Dân) xúc động: “Mỗi lần trở lại đây là một lần sống lại cảm xúc thiêng liêng. Được sống trong hòa bình là điều quý giá, và chúng tôi – những người cầm bút – càng phải xứng đáng với hy sinh của thế hệ cha anh”.
Không chỉ có Rừng Sác, những phóng viên – chiến sĩ thông tin năm xưa từ báo Giải Phóng (nay là báo Đại Đoàn Kết) từng theo chân các đơn vị quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4/1975. Chính nơi đây, họ đã ghi lại bằng máu và mồ hôi những trang sử vàng của báo chí cách mạng Việt Nam.

Chuyến đi không chỉ để tưởng nhớ, mà còn là lớp học sống động về lòng yêu nước và sự kiên cường. Nhà báo Thành Luân, báo Đại Đoàn Kết: Tôi đã nhiều lần trở lại chiến khu Rừng Sác và mỗi lần là mỗi cảm xúc đặc biệt. Cả cha tôi và ông của tôi đều tham gia các cuộc kháng chiến cứu nước, nên tôi cảm nhận rõ rệt được cảm xúc, niềm tự hào của những thân nhân liệt sĩ, gia đình có công trong những dịp hướng tới 50 năm thống nhất đất nước. Đối với tôi, đó không chỉ là niềm tự hào về truyền thống gia đình, còn là niềm tự hào về nghề báo, những chiến sĩ trên mặt trận thông tin.
Trong thời bình, những phóng viên, nhà báo càng phải góp phần hơn nữa vào sự tôn vinh, tri ân đối với các thế hệ đi trước, những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh cho Tổ quốc quyết sinh. Ngay tại Khu di tích lịch sử này đã có 915 liệt sĩ đã hy sinh và đến nay vẫn còn 542 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Thân xác các anh đã hòa vào đất mẹ để đất nước được hòa bình, thống nhất. Chúng ta phải có trách nhiệm để lan tỏa lòng yêu nước, giáo dục niềm tự hào, giữ lửa truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Trong khuôn khổ chương trình, đoàn đã tham quan doanh trại, hầm trú ẩn, bếp dã chiến, tượng sáp tái hiện chiến sĩ đặc công… – tất cả như đưa họ quay ngược thời gian về những tháng năm hào hùng. Đặc biệt, đoàn đã dành phút mặc niệm trang nghiêm tưởng nhớ 915 liệt sĩ đã hy sinh tại Rừng Sác, trong đó có 542 người đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

Ngoài Rừng Sác, TP.HCM còn tổ chức các hoạt động về nguồn tại Củ Chi với chủ đề “Củ Chi – Đất thép thành đồng”, cùng chuỗi hành trình “Từ Mậu Thân đến mùa xuân đại thắng”, khắc họa sâu sắc chiều dài lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc.
Rừng Sác không chỉ là vùng đất ghi dấu chiến công, mà còn là điểm tựa tinh thần cho những người làm báo hôm nay. Ngọn lửa thiêng từ mảnh đất anh hùng ấy vẫn đang cháy âm ỉ trong từng trang viết, từng ống kính máy ảnh, từng dòng tít rực lửa – tiếp tục soi sáng hành trình báo chí cách mạng trong thời đại mới.