Y học

Trẻ sinh non, nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật trẻ sơ sinh

An Quý 17/11/2023 - 13:59

Trẻ sinh non, nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh. Tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm 60% tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. Tiếp xúc da kề da ngay sau sinh giúp giảm 40% nguy cơ tử vong sớm ở trẻ sơ sinh.

Những thống kê trên được đưa ra vào Hội thảo hưởng ứng ngày Thế giới vì Trẻ sinh non do Bệnh viện Từ Dũ tổ chức vào ngày 17/11.

z4888694681922_40243cf5d25c1152073ef4a7abf74d33.jpg
Các gia đình có con sinh non tham gia hội thảo hưởng ứng ngày Thế giới vì Trẻ sinh non do Bệnh viện Từ Dũ tổ chức vào ngày 17/11.

Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 17/11/2008. Đây là ngày hướng tới việc nâng cao nhận thức về những khó khăn của việc sinh non và tôn vinh cuộc sống của trẻ sinh non và gia đình của các em trên toàn thế giới. Qua đó kêu gọi mọi người cùng cộng đồng chăm sóc phụ nữ có thai, dự phòng sinh non và ghi nhận những đóng góp của nhân viên y tế trong công tác chăm sóc, điều trị trẻ sinh non.

Sinh non là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 15 triệu trẻ sinh non (cứ 10 trẻ có 1 trẻ sinh non). Theo báo cáo, ở Việt Nam, khoảng 60% trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi là các bé mới sinh.

Tử vong ở trẻ sơ sinh do đẻ non, nhẹ cân chiếm tới 25%

Nhân Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non 2023, trong khuôn khổ của hoạt động “Da kề da ngay sau sinh: Thực hành đơn giản, tác động tối ưu”, UNICEF triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tiếp xúc da kề da ngay sau sinh và Chăm sóc Kangaroo dành cho trẻ sinh non.

z4888694664806_197675dce73b26c8b5cb05f6738449a0.jpg
TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết, tỷ lệ trẻ đẻ non, nhẹ cân hiện nay đang chiếm khoảng 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh.

Tiếp xúc da kề da liên tục và kéo dài giữa trẻ sơ sinh và cha mẹ là yếu tố then chốt của chăm sóc Kangaroo. Việc này khuyến khích cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, giảm mức độ căng thẳng và tăng cường sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình.

Tại Việt Nam, chăm sóc trẻ bằng phương pháp chăm sóc Kangaroo (KMC) được thực hiện đầu tiên vào những năm đầu của thập kỷ 90. Theo Bộ Y tế, nguyên nhân gây nên tử vong ở trẻ sơ sinh do sinh non, nhẹ cân chiếm tới 25%. Những nguyên nhân này có thể phòng tránh được hoặc can thiệp với chi phí phù hợp.

bs-ngoc-hai.jpg
BSCKII Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, tại Hội thảo "Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non"

TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết, so với năm 2010, tử vong mẹ đã giảm 69/100.000 trẻ đẻ sống xuống còn 46/100.000 trẻ đẻ sống. Trong mục tiêu phát triển bền vững đặt ra giảm tỷ lệ tử vong mẹ xuống còn 45/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2030.

Theo TS Khoa, đối với giảm tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi, giảm từ 17/1.000 trẻ đẻ sống năm 2015 xuống còn 12,1/1.000 trẻ đẻ sống vào năm 2022. Tử vong trẻ sơ sinh hiện nay giảm còn 9,8/1.000.

“Thống kê Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ trẻ đẻ non, nhẹ cân hiện nay đang chiếm khoảng 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh. Tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm 60% tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và đến 71% tử vong trẻ dưới 1 tuổi. Nguyên nhân gây nên tử vong trẻ sơ sinh phần lớn là do đẻ non, nhẹ cân, ngạt, chấn thương sau sinh, dị tật do các nhiễm khuẩn… Trong đó, đẻ non, nhẹ cân chiếm tới 25%,” TS Khoa cho biết.

z4888696068998_009c093d06095851402d8920b60b23f5.jpg
Gia đình có trẻ sinh non tặng hoa cảm ơn...
z4888696124154_48b2e74c9d171593e3ba32971ddaccca.jpg
... BSCKII Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ và đại diện khoa Sơ sinh - nơi đã chăm sóc bé ngay khi bé vừa chào đời

BSCKII Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết đến 95% trẻ mới sinh được thực hiện “da kề da”. Mỗi năm, Bệnh viện Từ Dũ ghi nhận trên 13 ngàn trẻ non tháng. Các gia đình có trẻ non tháng được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc ở chi phí phù hợp nhất.

“Để giảm tỷ lệ tử vong trẻ non tháng, một Trung tâm Hồi sức Sơ sinh dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động năm 2024 với sự hỗ trợ của Hội đồng Hồi sức Sơ sinh Châu Âu,” BSCKII Ngọc Hải cho biết thêm.

Da kề da giúp giảm 40% nguy cơ tử vong sớm ở trẻ sơ sinh

BS Hải cho biết: “Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc tiếp xúc da kề da có thể (và nên) được bắt đầu ngay sau sinh, ngay cả trước khi trẻ sơ sinh được coi là ổn định về mặt lâm sàng.

Tiếp xúc da kề da ngay sau sinh giúp trẻ: ổn định thân nhiệt; điều hòa nhịp thở, nhịp tim; phòng hạ đường huyết; giảm mắc các bệnh nhiễm khuẩn; kích thích tiêu hóa và giúp trẻ tăng cân; giúp não bộ trẻ phát triển tối ưu; tăng kết nối, gắn kết tình cảm mẹ con và giảm 40% nguy cơ tử vong sớm ở trẻ sơ sinh.”

z4789306095580_367639ee82be667874e1da7e66963b29.jpg
Các nhân viên y tế Bệnh viện Từ Dũ hướng dẫn mẹ chăm sóc bé theo phương pháp Kangaroo, da kề da.

Mặc dù chăm sóc da kề da cho trẻ sinh non và nhẹ cân mang lại các lợi ích to lớn như vậy, nhưng việc thực hiện phương pháp này một cách thường quy vẫn luôn là thách thức trên toàn cầu. Phương pháp này cần sự thay đổi đáng kể trong mô hình chăm sóc trẻ sơ sinh “truyền thống” là tách trẻ mới sinh ra khỏi mẹ, đặc biệt nếu trẻ sinh ra quá nhỏ hoặc quá ốm yếu.

Theo ThS.BS Nguyễn Huy Du, chuyên gia sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, nhân Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non, UNICEF mong muốn giới thiệu mô hình, trong đó các bà mẹ, trẻ sơ sinh và tất cả thành viên gia đình tạo thành khối gắn kết không thể tách rời và xoay quanh đó là toàn bộ hoạt động chăm sóc bà mẹ - trẻ sơ sinh.

da-ke-da.jpg
Tiếp xúc da kề da ngay sau sinh giúp trẻ: ổn định thân nhiệt; điều hòa nhịp thở, nhịp tim; phòng hạ đường huyết; giảm mắc các bệnh nhiễm khuẩn; kích thích tiêu hóa và giúp trẻ tăng cân; giúp não bộ trẻ phát triển tối ưu; tăng kết nối, gắn kết tình cảm mẹ con...

UNICEF Việt Nam đang hợp tác với Bộ Y tế để hỗ trợ và mở rộng các can thiệp hỗ trợ cứu sống trẻ sơ sinh, bao gồm phương pháp chăm sóc Kangaroo (KMC) trên khắp cả nước. Trọng tâm là cứu nhiều sinh mạng trẻ em, đảm bảo các can thiệp được thực hiện ở mọi ngõ ngách Việt Nam.

Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non hướng tới việc nâng cao nhận thức về những khó khăn của việc sinh non, cũng như giáo dục cộng đồng về những rủi ro và hậu quả của sinh non.

2/3 trẻ nhập khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ, là trẻ sinh non

BSCKII Nguyễn Diễm Hà, Phó Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ, tại Bệnh viện Từ Dũ đã thực hiện phương pháp chăm sóc Kangaroo (KMC) từ năm 1997. Trải qua hơn 26 năm, trung bình mỗi ngày khu KMC phải chăm sóc và điều trị trung bình 147 ca sinh non.

Việc chăm sóc sớm giúp các biến chứng cũng như di chứng về sau như bong võng mạc trẻ sinh non, bệnh phổi, xuất huyết não… Đến nay, bệnh viện đã hỗ trợ nuôi thành công các bé sinh non, thậm chí bé có cân nặng thấp nhấp là 500gr và tuổi thai thấp nhất là 24 tuần.

“Tuy nhiên, số lượng trẻ sinh non khá đông. Cụ thể, trong năm 2023, số trẻ nhập khoa Sơ sinh là 9.300; số trẻ sinh non dưới 37 tuần là 6.000 trẻ, chiếm 2/3. Trong đó 50%, tức là 3000 trẻ có tuổi thai từ 28 - 34 tuần. Đặc biệt, số trẻ dưới 28 tuần chiếm khoảng 20% số trẻ sinh non dưới 34 tuần. Trong khi khu Kangaroo chỉ có 90 giường” BS Diễm Hà nêu ra vài con số về trẻ sinh non.

z4789306101119_4be447645f7bee39638f49e016d7489e.jpg
Phương pháp Kangaroo - giúp trẻ tiếp cận với mẹ sớm hơn, giúp cho trẻ rút ngắn thời gian nằm viện và giúp cho trẻ phát triển toàn diện hơn.

Để điều trị thành công trẻ sinh non, theo BS Diễm Hà, các bác sĩ phải điều trị hồi sức tích cực sớm từ những giây phút đầu tiên, sau đó điều trị thật tốt trong giai đoạn hồi sức và cuối cùng là phương pháp Kangaroo - giúp trẻ tiếp cận với mẹ sớm hơn, giúp cho trẻ rút ngắn thời gian nằm viện và giúp cho trẻ phát triển toàn diện hơn.

TS. Trần Đăng Khoa khuyến nghị, phụ nữ có thai cần đi khám thai định kỳ, ít nhất 4 lần trong thai kỳ, tăng cường khả năng phát hiện sớm các nguy cơ, các bất thường hoặc các bệnh lý trong thai kỳ; chế độ ăn uống đầy đủ, phù hợp cũng như chế độ lao động - luyện tập phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trẻ sinh non, nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật trẻ sơ sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO