Dòng chảy

TP.HCM sẵn sàng cho khoa học và công nghệ cất cánh

Hồng Ân 29/05/2023 - 08:57

Cơ chế, chính sách vượt trội cho TP.HCM giúp tháo nhiều điểm "nghẽn" về quản lý, khơi thông nguồn lực, kỳ vọng đưa khoa học và công nghệ (KH&CN) TP phát triển bùng nổ trong giai đoạn mới.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra và dự kiến kéo dài đến 24/6 với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết mới, thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội phát triển TP.HCM.

hinh-bia(1).jpg
TP.HCM về đêm nhìn từ Bến Bạch Đằng.

“Thăng hạng” cho kinh tế TP

Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, TP.HCM đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển KH&CN, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tăng trưởng tích cực của kinh tế TP thể hiện qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn tăng và ở mức cao trong giai đoạn 2011-2020, đạt trung bình 35,62%. Trong đó, đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng TFP là 74%.

h-ong-dung-2.jpg
Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng (thứ 4 phải qua) khai mạc Techmart Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng do Trung tâm Thông tin và thống kê KH&CN tổ chức.

Năng suất lao động xã hội của TP cao hơn 2,7 lần so với cả nước, bình quân đạt 235,5 triệu đồng/người, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước. Thống kê chỉ rõ, năng suất lao động của doanh nghiệp có hàm lượng KH&CN cao thuộc 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ trọng yếu gấp 1,57 lần năng suất lao động xã hội của TP.

Về nguồn nhân lực, những năm qua, đội ngũ cán bộ KH&CN trên địa bàn TP không ngừng tăng nhanh về số lượng, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Thị trường KH&CN từng bước hình thành, phát triển và tăng trưởng về quy mô, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.

Nhiều mô hình KH&CN hiện đại của quốc gia và khu vực được xây dựng hiện hữu tại TP, như: Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm và phòng thí nghiệm chuyên ngành...

Ngoài ra, chính sách về KH&CN, khởi nghiệp dần hoàn thiện hơn, bám sát nhu cầu thực tế, hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại TP. Nhờ đó, sức nóng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lan tỏa rộng khắp từ trong cộng đồng doanh nghiệp đến xã hội. Theo ghi nhận của Cộng đồng quốc tế, TP.HCM luôn nằm trong top 200 TP năng động nhất thế giới.

Tuy nhiên, ở nhiều góc độ, TP.HCM được đánh giá đang đứng trước nhiều thách thức, cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho KH&CN để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

h-ba-giang-khcn.jpg
Hàng trăm hội thảo, hội nghị KH&CN, đổi mới sáng tạo được tổ chức hằng năm tại TP.HCM.

Nhiều "điểm nghẽn" của ngành KH&CN

Báo cáo của Sở KH&CN TP.HCM tại hội nghị do trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức giữa tháng 5 vừa qua cho thấy, chính quyền TP nhìn nhận bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động KH&CN còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục để có thể phát triển xứng tầm, đáp ứng yêu cầu thực tế và trọng trách đầu tàu kinh tế cả nước.

Theo đó, nhận thức về vai trò KH&CN là nền tảng và động lực phát triển chưa được thấm nhuần sâu sắc trong hệ thống chính trị, xã hội và sự chuyển biến từ nhận thức thành hành động còn chậm. Sự phát triển KH&CN trong thời gian qua dù có nhiều giải pháp nhưng thực tế chưa thể theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và quản lý đô thị của TP.

Ngoài việc đầu tư của Nhà nước và xã hội cho KH&CN chưa tương xứng, chưa huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách, thì còn những hạn chế cố hữu như: cơ chế quản lý, cơ sở vật chất, sự liên kết phối hợp trong đào tạo - nghiên cứu - ứng dụng, thiếu những chuyên gia đầu ngành…

Thị trường KH&CN tuy đã hình thành nhưng phát triển còn chậm. Thiếu các tổ chức trung gian, môi giới, các quy định pháp lý cần thiết, đặc biệt là hệ thống bảo hộ hữu hiệu quyền sở hữu trí tuệ, khiến hoạt động mua, bán công nghệ và lưu thông kết quả nghiên cứu KH&CN còn hạn chế.

Một thực tế nữa là hệ thống dịch vụ KH&CN, bao gồm thông tin chuyên ngành, tư vấn chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng nhìn chung còn yếu kém về cơ sở vật chất và năng lực cung cấp dịch vụ đáp ứng các yêu cầu của hội nhập khu vực và quốc tế.

h-bia-2(1).jpg
Cửa ngõ phía đông TP.HCM với tuyến Metro 1.

Từ yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn cấp bách

Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị đã xác định, TP.HCM có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng Đông Nam bộ và cả nước. Mục tiêu đến năm 2030 “TP.HCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là TP dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính; thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á”.

Đồng thời, Nghị quyết 31 đưa ra giải pháp cần "ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ TP, đáp ứng yêu cầu phát triển TP trong giai đoạn mới".

Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/01/2023 của Quốc hội cũng đã đặt ra “Xây dựng, phát triển TP.HCM trở thành đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á”.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung TP triển khai còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Để đạt được các mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết nêu trên và yêu cầu từ thực tế, đòi hỏi phải có cơ chế thật sự đột phá nhằm tạo điều kiện cho TP khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của TP để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Trong đó, chú trọng tháo gỡ các khó khăn để phát triển mạnh mẽ KH&CN tại TP là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn cấp thiết đặt ra.

... Đến cơ chế vượt trội cho KH&CN TP cất cánh

Cơ chế vượt trội đối với KH&CN, đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố quan trọng để giúp TP.HCM bứt phá phát triển. Báo cáo của Sở KH&CN tại cuộc họp báo gần đây, do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cho thấy tầm nhìn này của TP. Theo đó, dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 đã đề xuất rõ cơ chế, chính sách đặc thù trong hoạt động quản lý KH&CN, đổi mới sáng tạo.

h-ong-mai-2.jpg

Những chính sách đặc thù cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt được đưa vào nghị quyết mới với kỳ vọng "mở toang cửa" đón hiền tài. Cụ thể đó là: Các chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thu nhập chịu thuế; Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt vào một số chức danh lãnh đạo trong tổ chức KH&CN công lập; Chính sách thù lao thực hiện nhiệm vụ KH&CN cao hơn mức áp dụng theo quy định thống nhất cả nước.

Về hạ tầng cho nghiên cứu khoa học, TP đã sẵn sàng để thành lập Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo, với tầm nhìn từng bước trở thành đơn vị nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ ngang tầm khu vực.

Trong cuộc họp báo trên, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Thị Kim Huệ thông tin, sau khi đề án thành lập Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo được phê duyệt, TP sẽ ưu tiên đầu tư trang thiết bị các lab cho Viện, trong đó có các lab liên kết đặt tại các trường đại học và các viện. Ước tính tổng mức đầu tư trên là hơn 3.000 tỷ đồng, nhằm khắc phục, xóa bỏ tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp trong đầu tư cho KH&CN.

h-ba-hue.jpg
Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Thị Kim Huệ  tại buổi họp báo.

“Đồng thời, TP cũng đang xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa chỉ 123 Trương Định (Quận 3) với diện tích sàn gần 18.000 m2, nhằm kết nối hợp tác, hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho các ngành và lĩnh vực ưu tiên của TP. Khi hình thành, Trung tâm sẽ hỗ trợ tốt để phát triển các trung tâm khác trong TP, hình thành mạng lưới liên kết, phối hợp chặt chẽ về đổi mới sáng tạo; đồng thời tăng cường hợp tác với cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài nước”, bà Huệ chia sẻ.

Như vậy, với tất cả những chính sách, cơ chế mang tính vượt trội trên, nền KH&CN TP đứng trước thời cơ lớn tháo những điểm "nghẽn" hiện tại, tăng năng lực cạnh tranh, giải bài toán thu hút đầu tư và bứt phá phát triển, tiến tới đạt mức ngang tầm khu vực trong tương lai gần.

Dự thảo chính sách đặc thù cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt tại TP.HCM

1. Chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thu nhập chịu thuế

- Áp dụng đối với thu nhập từ lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt làm việc tại các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, Trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với vai trò là các cố vấn chiến lược, chuyên gia tư vấn, kết nối, huấn luyện hoặc các nhà đầu tư chiến lược tài chính cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Các cá nhân này sẽ được ưu đãi thuế nếu thoả các tiêu chí, điều kiện, nội dung hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tham gia vào các lĩnh vực được TP ưu tiên phát triển.

2. Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt vào một số chức danh lãnh đạo trong tổ chức KH&CN công lập

- Thay vì hiện nay áp dụng theo quy định ngạch, bậc chung của viên chức, TP sẽ áp dụng mô hình quản trị mới theo thông lệ tốt của thế giới.

- Tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác xác định trên cơ sở trình độ, năng lực và yêu cầu công việc khi thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt vào một số chức danh lãnh đạo trong tổ chức KH&CN công lập, phù hợp với tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi do HĐND TP quy định.

3. Chính sách thù lao thực hiện nhiệm vụ KH&CN cao hơn mức áp dụng theo quy định thống nhất cả nước

- Chuyên gia, nhà khoa học khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong các lĩnh vực trọng điểm của TP được trả mức thù lao cao hơn mức áp dụng theo quy định thống nhất cả nước.

- Chính sách này kỳ vọng sẽ thu hút các chuyên gia, nhà khoa học chất lượng cao làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, thương mại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên của TP, hình thành nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực trọng điểm của TP.

(Theo Sở KH&CN TP.HCM)

Các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH&CN trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 630 của UBND TP.HCM ngày 3/3/2022)

+ Chương trình nghiên cứu Ứng dụng công nghệ phục vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số;

+ Chương trình nghiên cứu Phát triển công nghệ công nghiệp;

+Chương trình nghiên cứu Phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe;

+Chương trình nghiên cứu Phát triển, ứng dụng công nghệ nông nghiệp công nghệ cao;

+ Chương trình nghiên cứu Ứng dụng phục vụ quản lý và phát triển đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM sẵn sàng cho khoa học và công nghệ cất cánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO