TP.HCM rà soát công tác chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, các cơ quan cần tập trung vào đánh giá tiến độ, rà soát công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm.
Chiều 5/12, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tiếp đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 (Ban Chỉ đạo Trung ương) và Bộ Quốc phòng để làm việc về công tác chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Tham dự có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng nhiều lãnh đạo Bộ Quốc phòng, bộ ngành, quân khu; lãnh đạo Thành ủy, UBND, sở ngành TP.HCM…
Các cơ quan cần tập trung rà soát, đánh giá tiến độ
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã tổ chức rất thành công các sự kiện kỷ niệm trong năm 2024. Đặc biệt, kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Năm 2025 tiếp tục có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, trong đó có sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là sự kiện quan trọng thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất, cả nước hướng đến chủ nghĩa xã hội và hiện nay đất nước hướng đến kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để chủ động chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan tập trung vào đánh giá tiến độ, rà soát công tác chuẩn bị. Đồng thời tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các giải pháp, biện pháp nhằm tháo gỡ để các hoạt động kỷ niệm đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.
Hơn 13.000 người tham gia diễu binh, diễn hành
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy đã báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo đó, TP.HCM sẽ tổ chức Lễ diễu binh, diễu hành vào ngày 30/4/2025. Trong đó phần Diễu binh gồm 35 khối của lực lượng vũ trang, công an do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp thực hiện. Phần Diễu hành tiếp sau sẽ do Thành phố đảm nhiệm với số lượng 11 khối.
Dự kiến tổng số lực lượng huy động cho khối diễu binh, diễu hành với 13.120 người tham gia. Đến nay, Thành phố đã nhận 11 đơn vị thực hiện góp ý và đã tổng hợp, tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện theo các góp ý trình Ban chỉ đạo Thành phố gửi Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, phê duyệt.
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa - phó tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, sáng 30/4/2025, tại đường Lê Duẩn, quận 1, chương trình sẽ có bắn 21 loạt đại bác trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không quân bay chào mừng; diễu hành của xe mô hình Quốc huy - khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc - xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - xe mô hình biểu tượng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam; diễu binh các khối quân đội, dân quân tự vệ; diễu binh các khối công an; diễu hành các khối quần chúng.
Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ban ngành chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện các nhiệm vụ của Thành phố được xác định trong Đề án diễu binh, diễu hành.
Chủ trì phối hợp với Bộ quốc phòng và các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt mọi công tác chuẩn bị giúp Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì sơ duyệt, tổng duyệt Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành. Sớm cung cấp các mốc thời gian cụ thể để Bộ Quốc phòng tổ chức hợp luyện theo kịch bản buổi Lễ. Đồng thời, bảo đảm vị trí chỉ huy, điều hành về công tác sẵn sàng chiến đấu, an ninh, an toàn của Bộ Quốc phòng tại khu vực Lễ đài…
Ngoài ra cần lắp đặt hệ thống camera; màn hình LED tại một số địa điểm thích hợp phục vụ nhân dân theo dõi truyền hình trực tiếp bắn pháo lễ; chương trình lễ kỷ niệm và phục vụ công tác điều hành các lực lượng diễu binh, diễu hành. Cũng như đảm bảo độ thoáng trên không, ánh sáng khu tập kết, sơ duyệt và trục đường Lê Duẩn…
Nhiều hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cũng cho biết, Thành phố xác định công tác đền ơn đáp nghĩa và chăm lo đời sống cho người có công là trách nhiệm và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh việc hỗ trợ đời sống vật chất, Thành phố sẽ triển khai nhiều hoạt động thiết thực như tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, phục dựng hình ảnh liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây mới và sửa chữa 140 nhà tình nghĩa, nhà tình thương. Thành phố cũng tổ chức các chương trình về nguồn, họp mặt tri ân người có công cách mạng tiêu biểu, trong đó có nhiều cá nhân đang cư trú tại các tỉnh, thành khác, từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Thành phố cũng đang đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát kỹ lưỡng và đề xuất thêm các chính sách nhằm chăm lo tốt hơn cho các nhóm đối tượng như người có công, hộ nghèo, cận nghèo, diện bảo trợ xã hội, cũng như lực lượng công nhân đang lao động tại Thành phố. Những đề xuất này sẽ được trình HĐND TP.HCM trong kỳ họp cuối năm 2024. Riêng về nhà ở, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã vượt chỉ tiêu, hoàn thành xây mới và sửa chữa 575 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, với tổng kinh phí hơn 28,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, TP.HCM tích cực triển khai cuộc bình chọn "50 tác phẩm, công trình, nhân vật, sản phẩm tiêu biểu" trong các lĩnh vực như văn học, nghệ thuật, xây dựng và sản phẩm chủ lực. Cuộc bình chọn thu hút sự tham gia của các chuyên gia, trí thức và đông đảo nhân dân Thành phố. Kết quả sẽ được công bố vào dịp cuối năm 2024, thể hiện tinh thần đoàn kết và phát huy truyền thống cách mạng của Thành phố.