Đô thị

TP.HCM phát triển khu kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh

GS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM 21/03/2024 19:19

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, các nguồn tài nguyên thiên nhiên liên tục bị khai thác; sự gia tăng của rác thải dẫn đến những tác động tiêu cực đến môi trường. Mô hình kinh tế tuần hoàn dần trở thành xu hướng phát triển tất yếu của thế giới.

Kinh tế tuần hoàn: giảm thiểu và tái sử dụng chất thải

Kinh tế tuần hoàn là mô hình thúc đẩy phát triển bền vững các loại vật liệu và năng lượng bằng cách chúng như một loại vật liệu thứ cấp. Nền kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế được phục hồi và tái tạo theo thiết kế dựa trên ba nguyên tắc vận hành chính bao gồm: (1) bảo tồn và nâng cao vốn tự nhiên; (2) tối ưu hóa năng suất tài nguyên; (3) thúc đẩy hiệu quả hệ thống.

Thông qua việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào và đầu ra trong chu trình, đặc biệt là thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, các nguồn tài nguyên được sử dụng hợp lý và tăng cường tái tạo các hệ thống tự nhiên.

Nền kinh tế tuần hoàn tối ưu hóa năng suất tài nguyên bằng cách luân chuyển các sản phẩm và vật liệu càng nhiều càng tốt trong các chu trình kỹ thuật và sinh học. Từ đó thúc đẩy hiệu quả của hệ thống bằng cách giảm thiểu các tác động kinh tế tiêu cực đến môi trường thông qua thiết kế chất thải và ô nhiễm ngay từ đầu của quá trình sản xuất.

Tại nước ta, để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, việc chuyển đổi từ mô hình “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” cần được xem là một ưu tiên trong trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

gs-phuoc.jpg
GS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM đang chia sẻ thông tin.

Thực tế Việt Nam đã tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua một số mô hình như: vườn - ao - chuồng, thu biogas từ chất thải chăn nuôi, các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp, tuần hoàn nước, tái chế chất thải thành sản phẩm hữu ích… Mặc dù, các hoạt động này mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, nhưng tỉ lệ tuần hoàn vật chất còn thấp nên chưa được hệ thống hóa, kết nối thành nền kinh tế quay vòng, tuy nhiên các mô hình này là bước đầu tiếp cận với kinh tế tuần hoàn.

TP.HCM phát triển kinh tế tuần hoàn

UBND TP.HCM đã phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Kế hoạch này nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn, tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả; gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài hướng tới nền kinh tế xanh, các-bon thấp và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

TP.HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; Ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế.

TP.HCM còn tập trung thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn

Trong đó có thể kể đến kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp bền vững, áp dụng 3R, 4R, 4Rs, 3F, 4F… trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

mo-hinh-trong-rau-thuy-canh.jpg
Mô hình trồng rau thủy canh

Phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay đang là xu thế chung để phát triển kinh tế xanh và bền vững. Thực tế tại nước ta, hiện nay, đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp áp dụng các nguyên tắc 3R, 4R (Refuse - Reduce - Reuse -Recycle) trong trồng trọt cây nông nghiệp và sản xuất nông sản.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm,… xây dựng hệ sinh thái khép kín theo mô hình 3F (Feed - Farm - Food) còn được gọi là chuỗi cung ứng xanh như mô hình sản xuất tiên tiến, khép kín từ “Sản xuất con giống gia súc, gia cầm - Sản xuất thức ăn - Chăn nuôi gia công - Giết mổ và chế biến thực phẩm song song với phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại theo mô hình siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch DABACO”.

Ngoài ra, mô hình 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer) phát triển từ mô hình 3F cũng đã được ứng dụng vào các dự án chăn nuôi lợn hữu cơ - sản xuất phân hữu cơ - sản xuất thức ăn hữu cơ tạo ra chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt, từ trồng trọt đến đất đai.

Các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững đã được ứng dụng thành công ở Việt Nam như: Tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; mô hình nông -lâm kết hợp; mô hình vườn - rừng; mô hình tuần hoàn lấy phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị khác; mô hình tiết chế hóa, gắn liền với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi.

Trong đó, một số mô hình cụ thể đang triển khai và mang lại hiệu quả áp dụng các như: mô hình vườn - ao - chuồng; mô hình lúa - tôm, lúa - cá. Mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình sản xuất tổng hợp bò - trùn quế - cỏ, ngô - gia súc, gia cầm - cá; mô hình thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước…

Nông nghiệp bền vững không chỉ đơn giản là giảm thiểu nhu cầu sử dụng, tái sử dụng và tuần hoàn vật chất trong nông nghiệp mà còn đề cao hiệu quả sử dụng các nguồn dinh dưỡng khoáng và hữu cơ. Nhu cầu ngày càng tăng và cạnh tranh đối với thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, chất xơ và các sản phẩm cây trồng năng lượng sinh học đang tạo áp lực nghiêm trọng lên tài nguyên đất.

Điều này xảy ra đồng thời với việc xã hội ngày càng quan tâm hơn đến các hoạt động quản lý tài nguyên và môi trường, đặc biệt là khi nói đến quản lý chất dinh dưỡng. Việc triển khai Quản lý dinh dưỡng 4Rs (Right source, Right rate, Right time, Right place) trong tương lai cần phải tích hợp với các mục tiêu canh tác đang thay đổi nhằm tạo ra kết quả bền vững hơn.

Mô hình tận dụng phụ phẩm nông sản

Mô hình này có thể giúp chấm dứt lạm dụng hóa chất, nguyên vật liệu tổng hợp, khó phân hủy sinh học. Tăng cường sử dụng nguyên vật liệu vi sinh, hữu cơ, áp dụng kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm đầu vào, phát triển năng lượng tái tạo, giảm nguyên liệu hóa thạch.

Mô hình tận dụng chất thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm để sản xuất phân hữu cơ, phân trùng quế. Trùn quế dùng để sản xuất thức ăn hữu cơ; quá trình phân hủy kỵ khí tạo khí sinh học, sản xuất năng lượng sinh học

Mô hình tận dụng phụ phẩm trại nuôi tôm, chế biến tôm để sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, dầu tôm, phân bón, năng lượng tái tạo; Phụ phẩm từ cá tra sản xuất ra được chiết xuất collagen, enzyme, phân bón, dầu cá, thức ăn chăn nuôi,…

Mô hình tận dụng phân động vật nuôi trùng quế để sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm

Mô hình sử dụng nước thải để nuôi tảo - sản xuất nhiên liệu sinh học - sản xuất thức ăn chăn nuôi - xử lý và tận dụng nước thải.

Mô hình tận dụng chất thải từ cây ăn quả để ủ lên men nuôi cấy lợi khuẩn - sản xuất thức ăn chứa lợi khuẩn cung cấp cho gia súc, gia cầm - sản xuất phân hữu cơ từ chất thải động vật bón cho cây trồng.

Mô hình trồng cây ăn quả, rau củ sử dụng các chế phẩm sinh học diệt sâu bệnh hại như chế phẩm Bacillus thuringienis (Bt) phòng trừ các loại sâu keo, sâu tơ, sâu khoang; chế phẩm nấm côn trùng; chế phẩm nấm đối kháng; chế phẩm tuyến trùng sinh học; chế phẩm Momosertatin trừ sâu hại rau; chế phẩm kháng sinh Ditacin có nguồn gốc từ xạ khuẩn…

Mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp tuần hoàn cho nhiều du khách có nhu cầu đến tham quan và học tập thực tế.

Có thể kể đến vườn cây ăn quả, ổi, dưa lưới, nha đam, rau sạch… được canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP theo quy trình nghiêm ngặt, đồng thời ứng dụng các phương pháp tự nhiên để cải tạo đất như trồng đậu xanh xen các vườn cây, trồng cỏ Vetiver để cải tạo đất và tạo sinh khối…

Ao chứa nước dự trữ để cung cấp nước tưới và sẽ triển khai nuôi cá, thủy sản và đồng thời kết hợp làm cảnh quan phát triển Farm Stay du lịch tại trang trại.

Tái sử dụng chất thải rắn, nước thải, bùn thải đô thị, nông thôn và nông nghiệp

Tái sử dụng chất thải rắn nông nghiệp làm phân hữu cơ, sản xuất Biogas. Nuôi giun quế làm thức ăn nuôi trồng thủy sản: Phân trâu bò, phân lợn và chất độn như cỏ, rơm rạ, bèo, dây lang, thân cây lạc... hoặc lá cây khô được sử dụng để làm chất nền để nuôi giun quế. Ngoài ra, phân tươi của gia súc ăn cỏ như bò là có thể cho giun ăn trực tiếp, hoặc có thể ngâm phân tươi đó với phân chuồng đã ủ hoại làm thức ăn cho giun. Sản xuất nhiên liệu từ trấu; bã mía được sử dụng trong sản xuất nhiệt và điện trong nhà máy đường; nước thải chăn nuôi được xử lý bằng hầm biogas vừa giảm mùi hôi vừa thu khí đốt…

Theo Sống Xanh số 6
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM phát triển khu kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO