TP.HCM nâng cấp các dịch vụ đô thị ở khu vực nông thôn
UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 7/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, TP.HCM nâng cấp các dịch vụ đô thị ở khu vực nông thôn theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn của đô thị để hỗ trợ quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế. Nghiên cứu quy hoạch bố trí các điểm dân cư nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng công nghiệp dịch vụ và phát triển đô thị ở các vùng.
UBND TP.HCM giao thủ trưởng các sở, ngành TP và UBND các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ được phân công chủ trì thực hiện có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp lồng ghép các công cụ quản lý như: quy hoạch, hướng dẫn quản lý, quy định quản lý, kiểm kê di sản, đánh giá giá trị kiến trúc cảnh quan…
Đồng thời, tăng cường tổ chức tuyên truyền về chương trình quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các chính sách có liên quan nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng khu vực nông thôn, để người dân hiểu rõ hơn về bản sắc đặc trưng kiến trúc cảnh quan trong quy hoạch xây dựng và chủ động tham gia vào công tác giữ gìn giá trị kiến trúc cảnh quan.
Mặt khác, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình về nhà ở nông thôn trên địa bàn; cân đối vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở; tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động để người dân hiểu rõ và hưởng ứng tham gia các chính sách, quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, tổ chức nghiên cứu, khảo sát đánh giá và quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn phù hợp với địa bàn quản lý, đảm bảo mục tiêu phát triển quy hoạch, kiến trúc nông thôn Việt Nam phù hợp với Luật Kiến trúc, định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam và các quy định liên quan.
Trong giai đoạn 2021-2025, các địa phương cần nghiên cứu thế mạnh, đặc điểm của từng khu vực, xác định các yếu tố đặc trưng đô thị trên địa bàn cấp quận, huyện, phát huy các tiềm năng của từng khu vực làm cơ sở hình thành các đô thị phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát triển các điểm dân cư tập trung có quy mô, có điều kiện và chất lượng sống theo điều kiện sống của người dân đô thị tại các vùng có kinh tế phát triển cao. Khu vực ven đô cần được xác định rõ và có các giải pháp quy hoạch hòa hợp với không gian đô thị, giữ được bản sắc, khai thác tốt tiềm năng trong giai đoạn trước mắt và định hướng phát triển bền vững trong tương lai.
Rà soát, xây dựng tiêu chí và hình mẫu kiến trúc đặc trưng của từng địa bàn (khu vực sông kênh rạch nhiều, vùng đất thấp, nền đất yếu với các kiến trúc nhà ở bám theo sông rạch như Nhà Bè, Cần Giờ; khu vực có địa hình có khí hậu nóng ẩm ít sông kênh rạch, nền đất cứng như Củ Chi, Hóc Môn và vùng cộng hưởng các khu vực có kiến trúc đô thị của nhiều văn hóa lâu đời đặc trưng như vùng trung tâm Quận 1, Quận 3, Quận 5) làm cơ sở xây dựng các quy chế, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc phù hợp.
Ngoài ra, xác định định hướng các khu vực thuộc các huyện trong TP sẽ phát triển và thành lập đô thị trong ngắn hạn để khoanh vùng các khu vực khả thi thực hiện quản lý quy hoạch kiến trúc nông thôn cho phù hợp. Phát triển, tạo lập không gian văn hóa cộng động hài hòa, đảm bảo quy hoạch đô thị, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng để tạo đội ngũ kế thừa cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.