Công nghệ

TP.HCM hướng tới đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn

Hòa Nhật18/02/2024 12:11

Các trường trên địa bàn TP.HCM đang chú trọng công tác đào tạo để giải quyết thiếu hụt nguồn cung kỹ sư phần mềm cho ngành bán dẫn.

Theo Nghị quyết 98/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, lĩnh vực công nghệ chip được TP.HCM xác định là ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, để phát triển thành trung tâm ngành công nghệ bán dẫn của Việt Nam, hướng đến toàn cầu.

Theo các chuyên gia đánh giá, mặc dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng cơ hội phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là rất lớn.

TP.HCM sở hữu vị trí địa lý chiến lược thuận lợi cho thương mại quốc tế, nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao cùng lực lượng lao động trẻ, có kỹ năng (85% kỹ sư thiết kế chip tại Việt Nam tập trung ở TP.HCM).

Chỉ có điều, Việt Nam hiện mới có khoảng 5.000 - 6.000 kỹ sư phần cứng được đào tạo cho ngành chip, trong khi nhu cầu dự kiến là 20.000 người trong vòng 5 năm tới và 50.000 người trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thiếu hụt nguồn cung kỹ sư phần mềm cho ngành bán dẫn.

Để nâng cao kỹ năng và mở rộng nguồn nhân lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và các công ty công nghệ toàn cầu để phát triển các khóa học chuyên biệt về sản xuất bán dẫn, góp phần thu hẹp khoảng cách hiện có so với nhân lực quốc tế. Trong đó, TP.HCM có thể triển khai các chương trình chuyên biệt tại các trường đại học nhằm tập trung vào công nghệ bán dẫn, vi điện tử và các lĩnh vực liên quan.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng sự có mặt của các nhà thiết kế hàng đầu có thể giúp nhân lực của TP.HCM phát triển ở tầm cao hơn. Do đó, TP.HCM cần tăng cường phối hợp với các công ty này để nâng tầm chất lượng nhân sự cho lĩnh vực nghiên cứu thiết kế chip, tạo tiền đề tốt cho chương trình sản xuất chip bán dẫn của TP.HCM. Đồng thời, thông qua các đối tác, TP.HCM có thể tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ cao và kêu gọi nguồn vốn FDI trong lĩnh vực này.

ban-dan.jpg
Đại học Quốc gia TP.HCM đẩy mạnh đào tạo về bán dẫn

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM (VNUHCM), cho biết hiện nay VNUHCM đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Trong giai đoạn 2023-2030, VNUHCM đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới.

Theo đó, các trường đại học thành viên VNUHCM triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. VNUHCM sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.

Dự kiến trong năm 2024, trường sẽ thành lập hai phòng thí nghiệm mới, có khả năng chia sẻ trong toàn hệ thống VNUHCM và các trường đại học khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, thành lập Viện Công nghệ Bán dẫn là đơn vị đầu mối, thực hiện nghiên cứu chuyên sâu, R&D trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Ngoài VNUHCM, một số trường khác trên địa bàn TP.HCM cũng chú trọng đào tạo lĩnh vực bán dẫn. Trường Đại học Bách khoa TP.HCM có một số ngành đào tạo có chuyên ngành thiết kế vi mạch bậc đại học và sau đại học. Trong đó, bậc đại học có ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông với 250 sinh viên/năm, kỹ thuật viễn thông (Việt Pháp ) 20 sinh viên/năm và hệ thống mạch - phần cứng (chương trình tiên tiến với 30 sinh viên/năm). Bậc cao học, ngành kỹ thuật điện tử - kỹ thuật viễn thông cũng có chuyên ngành về thiết kế vi mạch.

Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng đang xây dựng đề án mở ngành đào tạo về thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn, dự kiến sẽ tuyển sinh 2 ngành này trong năm tới.

Trường Đại học CMC dự kiến năm 2024 sẽ mở thêm ngành, chuyên ngành thiết kế vi mạch nhằm cung cấp nhân lực thiết kế vi mạch theo tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam và của thị trường toàn cầu.

Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cũng thông báo mở và tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch trong năm 2024, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhà trường đặt sự chú trọng vào việc mang đến môi trường học tập và nghiên cứu hiện đại, đồng thời đảm bảo cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để sinh viên có thể tự tin và thành công trong lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM hướng tới đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO