TP.HCM: Định hướng mỗi quận, huyện phải có một sản phẩm du lịch
Sở Du lịch TP.HCM hiện đang nghiên cứu, tham mưu thành phố xây dựng chính sách khuyến khích và huy động các nguồn lực du lịch.
![dulich-2.jpg](https://khpt.1cdn.vn/2024/02/12/dulich-2.jpg)
Theo thống kê, doanh thu du lịch của TP.HCM dịp Tết Dương lịch ước đạt khoảng 2.013 tỷ đồng. Dịp Tết Nguyên đán 2025 đạt 7.690 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến TP.HCM dịp Têt Nguyên đán 2025 ước đạt 87.358 lượt, tăng 16,5% so với cùng kỳ 2024.
Nhiều sự kiện du lịch lớn được tổ chức
Theo Sở Du lịch TP.HCM, năm 2024, công tác xúc tiến và quảng bá du lịch được đẩy mạnh bằng việc tham dự các Hội chợ du lịch quốc tế tại nhiều quốc gia: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Singapore, Lào… Các sự kiện văn hóa du lịch lớn tại TP.HCM như Lễ hội Tết Việt, Lễ hội Áo dài, Hội chợ Du lịch Quốc tế (ITE HCMC), Đường hoa, Hội chơ Hoa Xuân 2025… được tổ chức.
Tại Hội chợ ITE HCMC 2024, ngoài sự tham gia của các gian hàng từ các thị trường du lịch trọng điểm truyền thống như: Úc, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ấn Độ, khu vực Trung Đông… Lần đầu tiên, có đại diện khách hàng quốc tế từ Brazil, Uruguay, Cộng hòa Czech, Bangladesh, Pakistan… MICE EXPO 2024 có sự tham gia của 500 doanh nghiệp. Ngày Du lịch Thế giới với thông điệp Du lịch và Hoà bình là cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và cùng nhau xây dựng kế hoạch hành động.
Tăng cường hợp tác và phát triển du lịch liên vùng
Cơn bão số 3 Yagi vào đầu 9/2024 đã làm ngưng trệ hoạt động kinh doanh du lịch của nhiều địa phương, nhất là các tỉnh trọng điểm du lịch: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và miền núi phía Bắc. Bão tố, lũ quét, ngập lụt ở các địa phương phía bắc mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp, nhưng gián tiếp cũng để lại hậu quả cho du lịch TP.HCM.
Và dù bị ảnh hưởng của bão lũ, thiên tai, TP.HCM vẫn trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch quốc tế và nội địa. Góp phần không nhỏ vào thành tích chung của du lịch Việt Nam trong năm 2024: với 17,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023).
Du lịch Thành phố đã liên kết với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ, Hà Nội và vùng Kinh tế Trọng điểm miền Trung, Tây Bắc. Theo đó, các diễn đàn, hội nghị xúc tiến du lịch được kết hợp tổ chức nhằm thúc đẩy liên kết và quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM.
Năm 2025, ngành du lịch TP.HCM đặt mục tiêu đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng hơn 40%); đón 45 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 260.000 tỉ đồng (tăng 37%).
Điều này là có thể bởi nhiều thế mạnh của TP.HCM: Có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá; là trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước; có nhiều cơ sở du lịch chất lượng; có nguồn nhân lực đông và chuyên nghiệp; có cơ sở hạ tầng giao thông tốt; hội tụ đa dạng các hoạt động giải trí, vui chơi, tham quan, mua sắm phù hợp nhiều đối tượng khách…
Thời gian gần đây, TP.HCM đã có nhiều công trình, dự án hạ tầng được đưa vào hoạt động như tuyến bus đường sông, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Công viên Văn hóa Bờ sông… Thông tin từ Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1), chỉ trong 10 ngày dịp Tết Ất Tỵ (từ 24/1 đến 2/2), tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) phục vụ hơn 761.000 lượt khách, với 1.700 chuyến tàu, thu về hơn 11,7 tỷ đồng tiền vé.
Các trải nghiệm trên sông - điểm nhấn của du lịch TP.HCM
Cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, mục tiêu của ngành du lịch TP.HCM năm 2025 là rất ấn tượng, thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường du lịch Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Ông đề nghị, ngành du lịch TP.HCM đẩy mạnh và phát triển các loại hình du lịch văn hoá mới. Phát huy các đặc thù của văn hoá Nam Bộ như du lịch đường sông để tăng tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Sở Du lịch TP.HCM hiện đang nghiên cứu, tham mưu thành phố xây dựng chính sách khuyến khích và huy động các nguồn lực du lịch. Xây dựng cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, xây dựng Đề án quản lý và phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố; Đề án phát triển du lịch y tế giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đẩy mạnh chuyển đổi số.
Thành phố định hướng: mỗi quận, huyện phải có một sản phẩm du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch liên quận được hình thành từ chương trình mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc trưng như Hành trình về với cội nguồn, du lịch xanh - khám phá miệt vườn giữa lòng thành phố; Biệt động Sài Gòn - Những căn hầm huyền thoại, Một góc Sài Gòn Xanh…
Chú trọng đón dòng khách du lịch từ các thị trường mới
Ngày 24/6/2023, Quốc hội Việt Nam đã thông qua sửa đổi bổ sung một số điều của "Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam". Từ ngày 15/8/2023, Việt Nam chính thức miễn visa 45 ngày cho công dân một số nước được nhập cảnh vào Việt Nam theo quy chế miễn thị thực: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Italy, Đan Mạch, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Tây Ban Nha và Belarus.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15/1/2025 về việc miễn thị thực theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 cho công dân các nước: Cộng hoà Ba Lan, Cộng hòa Czech và Liên bang Thụy Sĩ. Đây là những cơ hội để đón đầu dòng khách du lịch nước ngoài. TP.HCM cần đầu tư nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu… và xây dựng những tour, tuyến du lich phù hợp, hấp dẫn cho các đối tượng khách này.