TP.HCM có nhiều nỗ lực bảo đảm đáp ứng nhu cầu đến trường của học sinh
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá TP.HCM đã có nhiều nỗ lực bảo đảm đáp ứng nhu cầu đến trường của học sinh trên địa bàn trong điều kiện nhiều nơi thiếu trường lớp.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025 tại TPHCM.
TP.HCM đã chủ động, sáng tạo, đi đầu, năng động trong nhiều hoạt động
Phát biểu tại buổi làm việc chiều 10/10 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025, đây là công việc thường xuyên, hàng năm. Việc kiểm tra tại TP.HCM, nhằm nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học, đồng thời xác định những khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao những kết quả đạt được của TP.HCM, thể hiện đầu tiên qua hệ thống văn bản đầy đủ, kịp thời vào khoảng thời gian đầu năm học. Ngoài ra, địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng bổ sung trường, lớp học và bố trí đội ngũ giáo viên, bảo đảm đáp ứng nhu cầu đến trường của học sinh trên địa bàn.
“TP.HCM cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định mang tính tiên phong, có ý nghĩa thực tiễn, thể hiện sự quan tâm của Sở GD&ĐT TP.HCM, đồng thời chủ động làm công tác truyền thông thể hiện tính nhân văn, kịp thời. Chẳng hạn thiếu phòng học đã chủ động tham mưu Đề án 4.500; thiếu giáo viên chủ động phối hợp sở ban ngành, tham mưu chính sách thu hút giáo viên,…
Đặc biệt, TP.HCM đã chủ động, sáng tạo, đi đầu, năng động trong nhiều hoạt động như dạy học ngoại ngữ, xây dựng thành phố học tập với nhiều mô hình, cách làm hay có thể nhân rộng toàn quốc”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
"TP.HCM thực sự đã chủ động ban hành các Bộ tiêu chí sớm"
Tại buổi kiểm tra, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), Phó Trưởng đoàn thường trực thông tin, trong ngày 9 và 10/10, đoàn đã làm việc tại Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức và Phòng GD&ĐT Quận 5. Tại mỗi đơn vị, đoàn làm việc với 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 Trường THCS và 1 Trường THPT và 1 Trung tâm GDTX. Ngoài ra, đối với công tác giáo dục ngoài nhà trường, đoàn cũng đã kiểm tra 1 Trung tâm Tin học Ngoại ngữ và 1 Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống.
Qua kiểm tra, các thành viên trong đoàn đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025 của các đơn vị. Cụ thể các văn bản đã được TP.HCM triển khai rất sớm và mang tính chất bao quát. Chẳng hạn với việc thiếu thừa trường lớp, TP.HCM đã xác định 147 xã, phường thiếu trường công lập, các em học trường ngoài công lập được xác định mức bù học phí cho học sinh.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP.HCM tham mưu cho UBND thành phố cập nhập và nắm bắt kịp thời để ban hành các danh mục dịch vụ theo rà soát hàng năm. Cụ thể năm học 2023-2024 UBND TP.HCM ban hành Nghị quyết 04 “Về quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM” năm học này đã ban hành Nghị quyết 13 thay thế Nghị quyết trước đó với các tiếp cận mới. “Việc ban hành Nghị quyết 13 giúp các địa phương, nhà trường chủ động triển khai đây là một ưu điểm rất tốt”, ông Thái Văn Tài khẳng định.
Cũng theo đánh giá của ông Thái Văn Tài, TP.HCM ban hành Bộ tiêu chí đánh giá trường học số, từ đó giúp các trường theo tiêu chí đó để xây dựng đề án từ đó trang bị các thiết bị chuyển đổi số trong giáo dục. Hiện nay cũng có rất ít địa phương ban hành nội dung này. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã sớm ban hành Bộ tiêu chí để đánh giá Trường hội nhập tiên tiến quốc tế.
“TP.HCM thực sự đã chủ động ban hành các Bộ tiêu chí sớm để các trường nắm bắt, thực hiện. Chẳng hạn cơ sở giáo dục nào định hướng theo mô hình Trường tiên tiến hội nhập quốc tế sẽ soi chiếu vào các tiêu chí đó để quyết định đầu tư. Hay trong thực hiện chuyển đổi số, sẽ có những căn cứ đánh giá rất rõ ràng, rành mạch, từ đó đầu tư có mục tiêu”, ông Thái Văn Tài nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, sau khi thành phố ban hành đề án xây dựng 4.500 phòng học, Sở cũng đã tổ chức nhiều đoàn đến các quận, huyện làm việc, nắm tình hình để xác định các dự án khả thi để xây dựng. Trong đó đến năm 2025 có hơn 60 dự án với khoảng 1.500 phòng học, góp phần nhằm giảm tải sĩ số học sinh trên lớp ở một số địa phương như: TP Thủ Đức, Quận 12, Gò Vấp… nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học.