Đô thị

Tọa đàm về hệ thống thẻ vé tự động cho giao thông công cộng tại TP.HCM và Hà Nội

An Bình 20/05/2025 - 16:58

Ngày 20/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại".

toa-dam.jpg
Các đại biểu tham dự tọa đàm

Thông tin tại tọa đàm cho thấy, trong những năm gần đây, Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy và chuyển đổi hướng tới hệ thống giao thông thông minh, đặc biệt là lĩnh vực giao thông công cộng. Một trong những bước đi quan trọng là việc triển khai hệ thống thẻ vé tự động cho giao thông công cộng, đặc biệt là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP.HCM.

Đây là lần đầu tiên người dân có thể sử dụng các phương tiện thẻ vé khác nhau như thẻ vé tháng, thẻ ngân hàng, tài khoản ví điện tử để sử dụng dịch vụ metro tự động mà không cần thu soát vé thủ công. Qua đó, giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại các quầy vé, cửa soát vé và tạo ra trải nghiệm thuận tiện hơn cho hành khách. Không chỉ dừng lại ở hệ thống metro, các dự án giao thông công cộng như xe buýt, bãi đỗ xe cũng đang tiến hành triển khai thí điểm hệ thống thẻ vé tự động.

Ông Fukuda Chihiro, Phó Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam cho biết JICA đã và đang hỗ trợ xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại các nước: Thái Lan, Philippines, Indonesia, Bangladesh. Tại Việt Nam với dự án ở TP.HCM, hệ thống AFC đã được triển khai. Hệ thống AFC có 3 điểm đáng chú ý như sau:

Thứ nhất là tính hiệu quả và minh bạch trong vận hành. Hệ thống này giúp việc đi tàu trở nên thuận tiện nên hiệu suất vận tải được nhân lên, áp lực công việc của nhân viên thu phí được giảm bớt. Đồng thời tránh được việc bỏ sót thu phí và những hành vi gian lận, quản lý việc thu phí theo thời gian thực bằng việc số hoá dữ liệu doanh thu.

Thứ hai là tính thuận tiện cho người sử dụng tăng lên. Hệ thống AFC sẽ giúp hoàn thiện hạ tầng nhằm tối ưu sự thuận tiện của phương tiện giao thông công cộng. Qua đó nâng cao mức độ hài lòng của người dân, góp phần tăng số lượng người sử dụng lâu dài.

Thứ ba là cải thiện chính sách về giao thông và kế hoạch vận hành. Dựa trên số liệu sử dụng có thể nắm được tình hình vận hành các tuyến và khung giờ đông đúc, điều chỉnh giờ chạy tàu, thiết kế các tuyến đường sắt và xem xét chiến lược cấp phí. Từ đó góp phần xây dựng cơ chế vận hành tốt hơn.

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị và có kế hoạch tăng số tuyến trong thời gian tới. Chúng tôi cho rằng việc áp dụng hệ thống AFC là hết sức cần thiết trong giao thông công cộng phát huy được hiệu quả, có tính bền vững hơn. Việc áp dụng hệ thống AFC để các hệ thống giao thông công cộng phát huy được hiệu quả tôi đã nhấn mạnh trong 3 điểm ở trên.

Ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch HĐQT Metro Hà Nội chia sẻ: Hiện nay, ở Hà Nội hay TP.HCM đang sử dụng hệ thống thu soát vé tự động. Ở Hà Nội, từng tuyến có hệ thống riêng, người nào sử dụng vé tháng thì rất thuận tiện, đi vào đi ra ổn định, không vấn đề gì. Nhưng nếu mua vé lượt thì phải đến nhà ga rồi đưa tiền cho nhân viên bán vé hoặc mua bằng máy bán vé. Ngoài ra, thẻ vé của hai tuyến chưa liên thông được với nhau. Đây là hai điểm bất tiện, tạm gọi là nhược điểm. Còn hai hệ thống thu soát vé tự động của cả hai tuyến này nếu hoạt động đơn tuyến rất tin cậy. Việc xử lý thông tin rất chính xác và tốc độ đóng mở cửa rất nhanh, bởi vì thông tin đơn giản. Đấy là ưu điểm lớn nhất của hệ thống này. Đặc biệt trong giờ cao điểm, hành khách phải đi ra, đi vào cổng rất nhiều nên hệ thống càng đơn giản, đóng mở càng nhanh thì thoát càng nhanh.

Còn câu hỏi khi nào người dân có thể sử dụng các loại hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, thẻ ngân hàng hay là VNeID, hệ thống Sở Xây dựng đang làm, chúng tôi rất mong là có thể liên thông, liên thông giữa các tuyến đường sắt đô thị với nhau, liên thông giữa đường sắt đô thị với xe buýt. Và công cụ thanh toán sẽ thông minh hơn, người dân không phải sử dụng tiền mặt để mua.

Hiện nay, Cục Cảnh sát C06, Bộ Công an là đơn vị chủ lực phối hợp với TP. Hà Nội, TP.HCM, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính thực hiện phương án sử dụng VNeID để mua vé. Mức độ ấy còn cao hơn nữa và nếu theo tiến độ hiện nay đang dự kiến khoảng 15/9 sẽ phải đưa hệ thống này vào hoạt động.

Ông Satoru Horiuchi, Tổng giám đốc Công ty Tokyo Metro Việt Nam cũng chia sẻ: Ở Nhật Bản, trước đây các nhân viên nhà ga thu vé lên tàu bằng giấy tại cổng soát vé đã chuyển sang sử dụng thẻ từ tính tại cổng soát vé tự động. Sau đó người dùng có thể đi tàu bằng thẻ trả trước (prepaid card) được xử lý bằng cổng xuất vé tự động, đó là Metro Card NS năm 1991. Để thúc đẩy việc sử dụng thẻ, thẻ trả trước được đồng bộ hóa với các công ty đường sắt khác chạy ở các khu vực ngoại ô, gọi là thẻ Passnet năm 2000. Vì thế, hệ thống cổng xuất vé tự động cũng được đồng bộ với các công ty đường sắt khác.

Có thể nói rằng từ năm 2000, hệ thống liên thông giữa các công ty đường sắt đã được đồng bộ. Sau đó, do hệ thống thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi trên khắp nước Nhật chủ yếu sử dụng công nghệ thẻ vé Penika (ví dụ như thẻ SD năm 2001) thì vé tàu cũng chuyển từ kiểu thẻ trả trước sang hệ thống thanh toán sử dụng công nghệ thẻ vé Penika, tức là thẻ IC giao thông, thẻ Suica năm 2001 và Pasmo năm 2007. Ngoài ra năm 2007, sau khi thẻ Suica và Pasmo có thể sử dụng chung thì các loại thẻ này có thể dùng để đi cả tàu và xe buýt. Hiện nay có thể sử dụng thẻ IC giao thông để đi lại không chỉ trong vùng Kanto mà trên khắp nước Nhật, tức là đã được đồng bộ hóa toàn quốc năm 2013.

Khi tiến hành đồng bộ hóa thẻ trả trước, các công ty đường sắt đã thống nhất thành lập một cơ chế gọi là cửa sổ nghiên cứu Passnet và để đồng bộ hóa thẻ Pasmo và Suica, các công ty đường sắt lập ra tổ nghiên cứu Pasmo. Nhờ đó mới có thể triển khai hệ thống sử dụng thẻ qua lại. Đó là quá trình mà Nhật Bản đã trải qua để đi đến một hệ thống thẻ được đồng bộ thống nhất.

Qua 90 phút Tọa đàm, các đại biểu đã phân tích, luận bàn, đánh giá và hệ thống hóa các vấn đề để chúng ta có cái nhìn khái quát, toàn diện về hoạt động thanh toán điện tử trong giao thông công cộng cả về những mặt được, cũng như những khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ… Từ đó, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất rất sâu sát, có tính thực tiễn và khả thi trong phối hợp giữa các cơ quan hữu quan thúc đẩy hoạt động thanh toán điện tử trong giao thông công cộng, qua đó đưa chủ trương của Chính phủ ngày càng được triển khai sâu rộng và hiệu quả trong thực tiễn đời sống, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ đời sống dân sinh trong xã hội số./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm về hệ thống thẻ vé tự động cho giao thông công cộng tại TP.HCM và Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO