Tìm nguyên nhân bạo lực học đường ở Trường Lê Lai, Q.8

Như Quỳnh| 09/11/2010 16:26

Trường Trung học cơ sở Lê Lai, Quận 8, TP.HCM là nơi có tình hình bạo lực diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Một nhóm nghiên cứu gồm: Lê Thị Hồng Thắm, Tô Gia Kiên, khoa y tế công cộng, Trường đại học y dược TP.HCM đã nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân. Kết quả cho thấy, các em có hành vi bạo lực luôn muốn chứng tỏ mình. Ba mẹ các em thường la rầy, đánh đập mỗi khi các em sai phạm và có thái độ xúi giục các em thực hiện hành vi bạo lực khi bị người khác xúc phạm. Nhà trường không đồng nhất trong cách xử lý các hành vi sai phạm của các em, đôi khi còn dùng hành vi bạo lực.<_o3a_p>

Thầy cô “bản lĩnh” hơn các em thì các em mới chịu học!

Trường THCS Lê Lai có tình trạng bạo lực diễn ra trong một thời gian dài trên mười năm, theo như thầy Ngô Đức Bình, đại diện cho trường THCS Lê Lai thì“chuyện đánh nhau giữa học sinh trong trường với nhau, học sinh của trường bị thanh niên bên ngoài đánh trước cổng trường có từ năm 1996”. Theo kết quả nghiên cứu, các em thực hiện hành vi bạo lực có kết quả học tập trung bình hoặc yếu. Tuy nhiên có điểm đặc biệt là: đa số cho rằng vấn đề học tập là không khó. Một số thầy cô cũng nhận thấy, các em học yếu không phải do kém tư duy mà do không chịu chăm chỉ học hành, và còn tùy thuộc vào thầy cô, nếu thầy cô bản lĩnh hơn các em và có thể quản lý các em thì các em học rất tốt ở môn học đó và ngược lại.

Đa số các đối tượng nghiên cứu cho biết, ba mẹ không có nghề nghiệp ổn định, phải bỏ nhiều công sức để đi kiếm tiền nuôi con bằng những nghề lao động chân tay. Khi ba mẹ các em gặp chuyện không vui thì sẽ có cãi cọ và dẫn đến đánh nhau. Đa số các anh chị của các em đều nghỉ học sớm và đi làm thuê, làm mướn, có người bị ở tù vị tội đánh người gây thương tích, mỗi khi em mình có va chạm, đánh nhau thì những người anh chị này đều ra bênh vực.

Về phía phụ huynh, đa số đều cho con những gì mà con thích, nhưng lại không quản lý được giờ giấc của con, kể cả ngày giờ đi học. Phụ huynh không nắm rõ kết quả học tập, cũng như không biết được con chơi với ai và thích chơi những gì. Nhưng khi biết con mình làm sai thì dùng bạo lực đối với con như la rầy, đánh đập, xích lại không cho con đi chơi. Điều này cũng được một số thầy cô khẳng định: trên 80% các em thực hiện hành vi bạo lực bị roi đòn từ cha mẹ. Có em kể: “Đánh vô bụng, đánh vô đầu… ba nắm đầu em đánh… đập vô cạnh sắt luôn, rồi có khi lấy móc sắt chập 2-3 cây đánh em, bởi vậy người em thẹo không nè, thẹo do ổng đánh”.

Nhà trường cần phải tham gia giải quyết bạo lực

Về phía nhà trường, khi học sinh đánh nhau trong trường thì thầy cô sẽ ra can thiệp, nhưng khi đánh nhau trước cổng trường thì có lúc nhà trường không can thiệp, cho dù các em nhờ sự giúp đỡ. Một phụ huynh kể: “Có lần con tôi ở trong trường mới vừa đi ra, bị mấy người ở bên phường 14 qua đánh... Ở trên lầu bạn nó nhìn thấy, kêu mở cửa ra cho thằng nhỏ chạy vô mà không ai mở hết, có một mình thằng nhỏ ở ngoài, mười mấy hai chục thằng đánh mà không ai mở cửa cứu”. Nhà trường có nhiều cách xử lý hành vi sai phạm của các em, nhưng đối với thầy cô khác nhau thì sẽ có cách xử lý khác nhau, có thầy thì dạy dỗ, có thầy thì đánh! Đa số các em cho rằng thầy cô xử lý hành vi sai phạm đối với mình là không công bằng. Một em nói: “Theo em nghĩ, không có công bằng. Em nhớ lần lớp tám, lỗi là do hai đứa, phạt (đình chỉ học tập) em tới mười ngày, phạt đứa kia có ba ngày”.

Để giải quyết vấn đề bạo lực trong trường, nhóm nghiên cứu đề nghị: địa phương cần tổ chức nhiều buổi truyền thông đại chúng về phương pháp giáo dục con cái cho các bậc cha mẹ, và phải nhấn mạnh rằng: yêu thương dạy bảo chứ không nên dùng những hình phạt mang tính bạo lực để răn đe, đặc biệt là không nên xúi giục con đánh trả lại đối với người có hành vi bạo lực với mình. Bên cạnh đó, địa phương cũng nên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về vấn đề bạo lực học đường cho nhà trường, để nhà trường biết rõ hơn, đặc biệt là phải nhấn mạnh đến hành vi bạo lực học đường bao gồm cả hành vi hiếp dâm và chửi nhau. Sau đó, nhà trườngtuyên truyền lại cho các em học sinh. Nhà trường cũng nên đề ra một số hình phạt cụ thể đối với từng mức độ sai phạm của các em và công khai thông báo những hình phạt đó. Nhà trường nên can thiệp và giải quyết tất cả những trận bạo lực của các em xảy ra trong và trước cổng trường, cũng như dạy cho các em biết làm như thế nào khi mình bị bạo lực. Cần tổ chức những chương trình về tâm lý học sinh, để thầy cô biết cách quản lý và ứng xử trước những hành vi sai phạm các em, đặc biệt là các em cá biệt.

Nhà trường nên kết hợp với công an địa phương để xây dựng một đội chuyên nghiệp nhằm quan sát, kiểm tra các hành vi nguy cơ dẫn đến bạo lực, đặc biệt là hành vi mang hung khí đến trường; đồng thời đội ngũ chuyên nghiệp này nên đứng canh ở trước cổng trường mỗi khi học sinh ra về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm nguyên nhân bạo lực học đường ở Trường Lê Lai, Q.8
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO