Tìm đầu ra cho sản phẩm thực phẩm an toàn ở đâu?

Khởi Giao| 20/12/2022 21:08

Sản xuất nông nghiệp TP.HCM mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân. Phần còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau.

Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM vừa tổ chức hội nghị sơ kết công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm đảm bảo an toàn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa TP.HCM và 15 tỉnh, thành giai đoạn 2021- 2025.

Thực phẩm tươi sống phải có tiêu chuẩn VietGAP

Tại hội nghị này, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, cho biết, ngành nông nghiệp đạt được một số thành quả. Chất lượng, an toàn thực phẩm được cải thiện nhưng không ổn định. Việc truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ còn thấp. Số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc vẫn còn xảy ra, gây bức xúc cho người tiêu dùng.

PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, việc quan trọng trong xây dựng thực phẩm sạch là đảm bảo đầu ra cho nông dân và doanh nghiệp.  

“TP.HCM yêu cầu hệ thống trường học, bếp ăn tập thể, căntin dành cho học sinh từ mầm non đến trung học phải lấy nguồn thực phẩm đầu vào, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, phải có tiêu chuẩn VietGAP, chuỗi thực phẩm an toàn chứ không phải đơn thuần là thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, chứng minh bằng hoá đơn theo luật. Hệ thống nhà hàng, khách sạch phục vụ du lịch cũng vậy. Còn siêu thị cũng phải ghi rõ ràng xuất xứ VietGAP hay không để người tiêu dùng lựa chọn,” Bà Phong Lan cho biết.

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, TP.HCM yêu cầu hệ thống trường học, bếp ăn tập thể, căntin dành cho học sinh từ mầm non đến trung học phải lấy nguồn thực phẩm đầu vào, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, phải có tiêu chuẩn VietGAP, chuỗi thực phẩm an toàn

Theo PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, thực phẩm trong siêu thị sẽ đắt hơn chợ truyền thống, nhưng nếu lấy sức khỏe làm đầu, một đồng tiết kiệm hôm nay nếu lỡ mua thực phẩm không an toàn sẽ phải trả giá rất nhiều trong tương lai.

Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM và Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn của 15 tỉnh đã xây dựng và phát triển đề án chuỗi nông lâm thủy sản an toàn, bền vững, tìm đầu ra cho sản phẩm an toàn giai đoạn 2022 - 2025.

Đề án này dựa trên bốn tiêu chí:

  • Tăng cường thanh tra, xử lý sai phạm;
  • Giảm số vụ ngộ độc;
  • Kết quả kiểm nghiệm rau củ quả, thực phẩm sử dụng có giảm đi và tiến đến triệt tiêu những chất cấm gây hại sức khỏe hay không;
  • Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, tăng lượng thực phẩm sạch.

Tính đến cuối tháng 10/2022, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cùng với các chi cục chuyên ngành thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố thẩm định và cấp giấy chứng nhận tham gia Đề án “chuỗi thực phẩm an toàn” cho 295 cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Đến nay, tỷ lệ sản xuất và cung ứng thực phẩm đạt chuẩn trong các chuỗi thực phẩm đạt chuẩn (chỉ tính các chuỗi thực phẩm an toàn và các sản phẩm đạt VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO...) cung cấp cho người dân TP.HCM mỗi năm đạt khoảng 321.850 tấn thịt heo, 534.635.284 quả trứng gia cầm, 272.102,8 tấn rau, củ, quả; 25.470 tấn thủy sản.

Hình thức liên kết sản xuất còn thấp

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho biết, năm 2022, sản lượng rau củ quả các loại cung cấp cho TP.HCM khoảng 60%. Lâm Đồng xây dựng được 210 chuỗi nông sản cho TP.HCM, tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ thông qua hình thức liên kết sản xuất vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng sản lượng toàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn TP Cần Thơ, từ 2018 đến nay, đơn vị đã phối hợp với Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM xây dựng phát triển 13 chuỗi cung ứng thủy sản cung ứng cho thị trường TP.HCM.

“Hằng năm, Cần Thơ cung cấp bình quân hơn 5.600 tấn thủy sản và sản phẩm thủy sản các loại. Các sản phẩm đều được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, sản lượng vẫn chưa tương xứng với khả năng sản xuất, cung ứng nguồn thực phẩm của Cần Thơ với các tỉnh, thành phố trong cả nước và ngược lại, đặc biệt với thị trường lớn như TP.HCM,” Ông Tấn Sơn cho biết.

Để nâng cao chất lượng, an toàn, minh bạch nguồn thực phẩm cho tiêu dùng trong thời gian tới, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, cho rằng, Ban và Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn các tỉnh cần xây dựng và phát triển một số chuỗi giá trị nông lâm thủy sản bền vững. Từ đó góp phần triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp, nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản bền vững giao thương giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố.

Đồng thời, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tìm đầu ra cho sản phẩm an toàn, được sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn, sản phẩm được sản xuất từ các doanh nghiệp đạt chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM tăng cường kiểm tra đột xuất hàng hóa tại các chợ đầu mối.

Đặc biệt là hỗ trợ sản phẩm OCOP. “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP - là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm

Đồng thời, TP.HCM sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, các chợ trên địa bàn thành phố; thường xuyên khảo sát vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn của các tỉnh để ký kết, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm sẽ được Ban Quản lý hỗ trợ hoàn thiện thủ tục, quy định truy xuất nguồn gốc thực phẩm để tiêu thụ tại TP.HCM.

Trách nhiệm kiểm soát an toàn thực phẩm cho một đô thị lớn 13 triệu dân như TP.HCM là rất nặng nề, đòi hỏi phải có một cơ chế, mô hình, tổ chức bộ máy thích hợp.

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, trước mắt không thể đòi hỏi tăng biên chế, vậy phải tổ chức sao cho hoạt động hiệu quả hơn, thống nhất đầu mối quản lý để tăng sức mạnh, đề cao vai trò và trách nhiệm, phân công hợp lý hơn.

UBND TP.HCM đã có đề án thành lập Sở An toàn Thực phẩm trực thuộc UBND TP.HCM trình Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm đầu ra cho sản phẩm thực phẩm an toàn ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO