Tiếp thêm kiến thức phòng tránh bệnh lý có xu hướng trẻ hóa cho hơn 300 giảng viên, sinh viên
Hơn 300 sinh viên, giảng viên của Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM tham gia chương trình "Vui khỏe mỗi ngày", được các bác sĩ tiếp thêm kiến thức phòng tránh bệnh lý có xu hướng trẻ hóa như: đột quỵ, thoát vị đĩa đệm và tim mạch.

"Vui khỏe mỗi ngày" tháng 3/2025 do Tạp chí Khoa học phổ thông và Công đoàn Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM phối hợp tổ chức tại Hội trường Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, sáng ngày 7/3.
Chương trình diễn ra với sự đồng hành của Hệ thống Bệnh viện Saigon ITO và Bệnh viện Nhân dân 115.
Tiếp thêm kiến thức về sức khỏe cho người dạy, người học
Phát biểu tại chương trình, Nhà báo. ThS Bùi Hương - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông cho biết nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 – 8/3/2025), với sự đồng hành cùng nhà trường và sự hỗ trợ từ các bệnh viện, chương trình "Vui khỏe mỗi ngày" với chủ đề "Phòng tránh thoát vị đĩa đệm, đột quỵ và tim mạch" đã thu hút đông đảo giảng viên, sinh viên tham dự. Qua chương trình này, ban tổ chức hy vọng các bác sĩ sẽ cung cấp nhiều thông tin bổ ích về sức khỏe, từ đó giúp giảng viên và sinh viên nhà trường nâng cao kiến thức chăm sóc tốt cho sức khỏe.

Ngoài việc phối hợp tổ chức "Vui khỏe mỗi ngày", Nhà báo.ThS Bùi Hương còn chia sẻ thêm, trước đây, Tạp chí Khoa học phổ thông đã phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM tổ chức nhiều chương trình cộng đồng ý nghĩa, như hỗ trợ các gia đình thương binh liệt sĩ tại huyện Củ Chi, giúp đỡ các em học sinh khó khăn ở huyện Bình Chánh và nhiều hoạt động xã hội khác.
Tại chương trình, ông Đinh Hồng Vân - Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM - gửi lời cảm ơn đến Tạp chí Khoa học phổ thông và đơn vị đồng hành.
Theo ông Vân, với sự phát triển của khoa học công nghệ, cuộc sống hiện đại mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng kéo theo những tác động từ môi trường, dẫn đến các bệnh lý có thể ảnh hưởng sớm đến sức khỏe. Vì vậy, nhà trường phối hợp với Tạp chí Khoa học phổ thông và các bác sĩ để chia sẻ kiến thức y khoa, giúp nâng cao sức khỏe cho giảng viên và sinh viên.
Bệnh đột quỵ, thoát vị đĩa đệm, tim mạch có xu hướng trẻ hóa
Vốn đã trở thành thương hiệu, chương trình "Vui khỏe mỗi ngày" tiếp tục đến với người dân, sinh viên Thành phố với những chủ đề thiết thực, bổ ích do các bác sĩ trình bày.
Theo các bác sĩ, ngày nay các bệnh lý đột quỵ, thoát vị đĩa đệm và tim mạch có xu hướng trẻ hóa. Việc nhận biết, phòng ngừa bệnh sớm sẽ giúp giảm thiểu thời gian và chi phí điều trị bệnh.

Tại chương trình, ThS. BS.CKI Nội Thần Kinh Đặng Quang Huy - Khoa Bệnh Lý Mạch Máu Não, Bệnh viện Nhân dân 115 - đã trình bày báo cáo với chủ đề "Nhận biết, phòng tránh bệnh đột quỵ".
ThS. BS.CKI Nội Thần Kinh Đặng Quang Huy cho biết, thực tế, mỗi ngày Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận nhiều ca cấp cứu, có đến 60-70% trường hợp nghi ngờ đột quỵ. "Đây không phải là bệnh lý quá mới mẻ cho nên việc nhận diện được sớm các triệu chứng và điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn chặn được biến chứng xấu như tàn phế, tử vong", bác sĩ Huy nói.
Theo đó, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây đột quỵ có thể kể đến như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch, lạm dụng đồ uống có cồn, lối sống thụ động,…
Theo bác sĩ Huy, gần đây, tỉ lệ đột quỵ của người trẻ tăng lên. Thực tế, bệnh viện cũng tiếp nhận những ca đột quỵ liên quan đến việc sử dụng chất kích thích, stress trong công việc.
Bác sĩ Huy nhấn mạnh hậu quả của đột quỵ rất nghiêm trọng. Việc hồi phục sau đột quỵ hiếm khi là hoàn toàn và ước tính đến 40% người bệnh sống tại nhà cần hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày sau đột quỵ. Do đó, để phòng ngừa bệnh đột quỵ, mỗi người cần có lối sống lành mạnh, điều chỉnh chế độ ăn, điều trị tốt các bệnh lý nền tảng và tầm soát sức khỏe định kỳ.

Cũng tại chương trình, BS.CKII Phan Anh Kiệt - Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận thuộc Hệ thống Bệnh viện Saigon ITO trình bày báo cáo với chủ đề: "Nhận biết, phòng tránh thoát vị đĩa đệm".
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 5 người thì có 4 người đau cột sống một lần trong đời và cứ 6 ngày nghỉ việc vì lý do sức khoẻ thì trong đó có 1 ngày nghỉ vì đau cột sống.
Bác sĩ Kiệt cho biết, thoát vị đĩa đệm đang có xu hướng trẻ hoá trên toàn thế giới, có chiều hướng tăng mạnh trong khoảng thời gian 10 năm gần đây, từ 3 % đến gần 5% dân số.
Theo đó, để phòng ngừa bệnh thoát vị đĩa đệm cần khuân nâng đúng cách, tránh hút thuốc lá, giữ tư thế đúng,... Trong đó, tránh hoàn toàn những tư thế sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng xấu đến cột sống như cúi khom, nằm võng, ghế bố, ngồi xổm, bưng vác vật nặng sai tư thế, nằm ngủ gối quá cao,...
Với bệnh lý về tim mạch, ThS.BS Lã Thị Thùy - Phó Khoa Điều trị - Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận thuộc Hệ thống Bệnh viện Saigon ITO - cũng nhận định bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa.
Thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp trong độ tuổi 16-65 chiếm 25%, cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp. Vì vậy, theo bác sĩ Thùy, việc kiểm soát huyết áp có vai trò rất quan trọng, giúp: cải thiện sức khỏe (khi có tăng huyết áp thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong tăng gấp 3 lần), giảm nguy cơ đột quỵ (gần 80% bệnh nhân đột quỵ lần đầu có liên quan đến huyết áp), bảo vệ thận, cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng tuổi thọ, tiết kiệm chi phí điều trị y tế.
Sôi động chuyên mục hỏi - đáp
Tại chương trình, các giảng viên và sinh viên đã đặt ra nhiều câu hỏi cho các bác sĩ, tập trung vào các vấn đề về sức khỏe như phòng ngừa đột quỵ, thoát vị đĩa đệm và bệnh tim mạch.

Cô Phan Thị Công Minh - Giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM - băn khoăn liệu một người chưa mắc bệnh nhưng muốn tăng cường sức khỏe cơ bắp và cột sống có cần phải chụp X-quang toàn bộ cơ thể hay không? Cô cũng thắc mắc làm sao để điều hòa tốt giữa nhịp thở và nhịp tim.
Trả lời các câu hỏi trên, BS.CKII Phan Anh Kiệt - Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận - cho biết việc chụp X-quang toàn bộ hệ thống xương khớp là không cần thiết, nếu như không có dấu hiệu bất thường. Trong trường hợp có các triệu chứng như cột sống cong, các khớp đau thì cần phải đến bệnh viện kiểm tra.
BS.CKII Phan Anh Kiệt khuyến cáo để có một cơ thể khỏe mạnh, đặc biệt là cột sống, ngoài việc bổ sung dinh dưỡng, cần duy trì cơ và dây chằng khỏe mạnh. Với cột sống cổ, mỗi người có thể thực hiện những bài tập giãn cơ đơn giản. Đối với lưng, cần tránh ngồi lâu, nên đứng dậy và vận động. Ngoài ra, mỗi người có thể tham gia các hoạt động như bơi lội, đạp xe đạp hay đi bộ để nâng cao sức khỏe.

Trả lời thắc mắc về việc điều hòa nhịp thở và nhịp tim, ThS.BS Lã Thị Thùy - Phó Khoa Điều trị của Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận - cho biết thông thường, nhịp thở của con người là 20 nhịp/phút, còn nhịp tim dao động từ 60-100 lần/phút. Trong những trường hợp căng thẳng hay hồi hộp, chúng ta có thể sử dụng nhịp thở để giảm bớt các triệu chứng này, ví dụ như ngồi thiền, hít thở sâu, giúp cơ thể thư giãn.


Ấn tượng với chương trình
Sau khi tham gia chương trình, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM đánh giá cao chương trình "Vui khỏe mỗi ngày" do Tạp chí Khoa học phổ thông tổ chức.

"Chương trình lần này nhận được sự quan tâm lớn từ giảng viên, nhân viên và sinh viên trong trường. Qua phần trình bày của các bác sĩ, chuyên gia, mọi người đã có thêm nhiều thông tin bổ ích về các bệnh lý như đột quỵ, thoát vị đĩa đệm, bệnh tim mạch, cùng các biện pháp phòng ngừa", PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ.
Còn theo cô Trần Ngọc Hà - Giảng viên Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, nội dung chương trình rất hay và hữu ích, giúp cô có thêm kiến thức để nâng cao sức khỏe bản thân. Đặc biệt, chương trình được bác sĩ trình bày rất cặn kẽ với nhiều thông tin bổ ích. Trước đây, các thông tin về sức khỏe trên mạng xã hội có những điểm đúng và sai, khiến bản thân khó phân biệt. Tuy nhiên, khi tham gia chương trình và được các bác sĩ chia sẻ, mọi thứ trở nên rõ ràng và chính xác hơn.
Chăm chú lắng nghe phần chia sẻ của các bác sĩ, em Võ Hoài Trâm - sinh viên năm 3, Khoa Quản trị Kinh doanh - cho biết chương trình "Vui khỏe mỗi ngày" rất bổ ích đối với bản thân. "Qua chương trình, em hiểu biết nhiều hơn về các dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh đột quỵ, cơ xương khớp. Em nhận thấy rằng các căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến người lớn tuổi mà ngay cả những người trẻ cũng có thể gặp phải nếu không duy trì một lối sống lành mạnh", em Võ Hoài Trâm chia sẻ.
Thay mặt ban tổ chức, ThS. Nhà báo Bùi Hương - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông trân trọng cảm ơn Ban lãnh đạo Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO, Bệnh viện Nhân dân 115, ThS. BS.CKI Nội Thần Kinh Đặng Quang Huy - Bệnh viện Nhân dân 115, BS.CKII Phan Anh Kiệt - Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận, ThS.BS Lã Thị Thùy - Phó Khoa Điều trị - Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận đã đồng hành cùng chương trình "Vui khỏe mỗi ngày" lần này.