Khoa học

Tiễn biệt GS.TS Võ Tòng Xuân - nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam

Võ Liên 20/08/2024 07:11

GS.TS Võ Tòng Xuân ra đi là sự mất mát to lớn của cộng đồng khoa học, giáo dục và nông nghiệp Việt Nam.

GS.TS, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động (GS.TS.NGND.AHLĐ) Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ qua đời sáng ngày 19/8 tại TP.HCM, hưởng thọ 84 tuổi.

GS.TS Võ Tòng Xuân là nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, "cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon của vựa lúa ĐBSCL.

TS.LS. Nguyễn Tiến Dũng (Chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học Nam Cần Thơ): "Một nhà khoa học, một người thầy lớn trong công tác giáo dục và đào tạo..."

GS Võ Tòng Xuân đã có một cuộc đời và một sự nghiệp học thuật, nghiên cứu khoa học thật đáng ngưỡng mộ. Thầy không chỉ là một Nhà giáo nhân dân mà còn là một tấm gương sáng về lòng kiên trì, đam mê và trách nhiệm. Thầy không ngừng nỗ lực trong việc phát triển nền nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong việc cải tiến kỹ thuật canh tác và bảo vệ môi trường.

Những nghiên cứu và dự án của thầy đã mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu người nông dân và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Những kiến thức quý báu mà thầy truyền đạt không chỉ giúp cho các nhà khoa học Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung hiểu biết thêm về lĩnh vực nông nghiệp mà còn giúp hình thành những phẩm chất đạo đức và tinh thần làm việc cần thiết trong cuộc sống. Thầy là người dẫn đường, truyền cảm hứng cho cho nhiều thế hệ các nhà khoa học, sinh viên trong việc theo đuổi ước mơ và cống hiến cho sự nghiệp khoa học và giáo dục.

gs-ts-vo-tong-xuan-d.jpg
GS Võ Tòng Xuân (bên trái) khi còn trẻ.

Thầy Võ Tòng Xuân còn là hình mẫu về sự tận tụy với nghề và lòng yêu nghề cực kỳ sâu sắc. Những đóng góp của thầy đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên, học viên Trường Đại học Nam Cần Thơ.

Có thể nói rằng, GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học hàng đầu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, một người thầy lớn trong công tác đào tạo lực lượng khoa học cho đất nước trong nhiều thập niên qua và là "cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, thầy Võ Tòng Xuân còn có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại các cơ sở giáo dục và đào tạo khu vực phía Nam. Đặc biệt là tại Trường Đại học Nam Cần Thơ, từ năm 2013 đến nay, Thầy Võ Tòng Xuân đã có những đóng góp nổi bật cho Trường Đại học Nam Cần Thơ, cụ thể như sau:

Thứ nhất, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng sáng lập từ năm 2009 đến năm 2013, Hiệu trưởng Trường từ năm 2013 đến năm 2020, sau đó thầy trở thành Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ cho đến nay. Thầy đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Nhà trường trong suốt thời gian qua. GS.TS Võ Tòng Xuân đã đồng hành cùng Nhà trường từ khi mới viết đề án, thành lập Hội đồng sáng lập cho đến ngày hôm nay, đã cùng vượt qua bao nhiêu khó khăn, thăng trầm, những đóng góp của Giáo sư góp phần giúp cho Trường Đại học Nam Cần Thơ có được vị trí đáng tự hào như ngày hôm nay.

gs-vo-tong-xuan.jpg
GS Võ Tòng Xuân tại một sự kiện của Trường Đại học Nam Cần Thơ.

Thứ hai, thầy Võ Tòng Xuân đã cố vấn cho Hội đồng trường trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên. Thầy đã có nhiều sáng kiến, giải pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên của Trường, giúp nâng cao năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên nhiều thế hệ. Qua đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường luôn vững kiến thức, giỏi chuyên môn, trở thành các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm, là những thầy cô tận tâm với học viên, sinh viên.

Thứ ba, thầy Võ Tòng Xuân với sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy nổi bật đã giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tại Trường Đại học Nam Cần Thơ. Sự am hiểu sâu rộng của Thầy về các lĩnh vực đã góp phần tích cực vào việc xây dựng và cải thiện chương trình đào tạo của trường theo xu hướng phát triển giáo dục hiện đại của thế giới.

Thứ tư, Thầy Võ Tòng Xuân với vai trò là một nhà khoa học đã đóng góp quan trọng trong việc tư vấn và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học tại Trường. Thầy không chỉ chia sẻ kiến thức chuyên môn mà còn giúp giảng viên và sinh viên trong việc thiết kế và tham gia thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến sự phát triển bền vững của nông nghiệp và môi trường. Thầy có rất nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không chỉ trong nước mà còn thế giới.

Thứ năm, trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế. Thầy đã giúp xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Nam Cần Thơ và các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế thuộc các lĩnh vực về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Điều này không chỉ giúp Nhà Trường có cơ hội mở rộng hợp tác nghiên cứu và phát triển bền vững.

Với những đóng góp của thầy Võ Tòng Xuân đã giúp cho Trường Đại học Nam Cần Thơ ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền giáo dục đại học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

giao-su-vo-tong-xuan-01.jpg
GS Võ Tòng Xuân là "cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon của vựa lúa ĐBSCL.

GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân sẽ mãi là tấm gương sáng chói để toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên, sinh viên Nhà Trường tiếp tục học hỏi, noi theo, phấn đấu, vươn lên và phát triển trong tương lai. Qua đó góp phần thực hiện thành công sứ mệnh mà thầy cùng với Hội đồng sáng lập, Hội đồng Trường và Ban Giám hiệu Trường Đại học Nam Cần Thơ đã đề ra ngay từ khi mới thành lập là: "Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ cao; thực hiện nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ tư vấn và phù hợp với nhu cầu xã hội, theo hướng ứng dụng trong các lĩnh vực sức khỏe, kinh tế - xã hội, kỹ thuật - công nghệ để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời tham gia hội nhập vào khu vực Đông Nam Á".

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn thầy vì tất cả những gì thầy đã cống hiến cho Trường Đại học Nam Cần Thơ và cho nền giáo dục đại học nói chung.

Một lần nữa, chúng tôi xin trân trọng biết ơn Thầy GS.TS Võ Tòng Xuân vì đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Trường Đại học Nam Cần Thơ trong suốt thời gian qua. Tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên, sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ mãi ghi nhớ và tự hào về những công lao đóng góp to lớn của GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân - Một nhà khoa học, một người thầy lớn trong công tác giáo dục và đào tạo một lực lượng khoa học lớn cho đất nước trong nhiều thập niên qua và là "cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

GS Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS)): "Giáo sư Võ Tòng Xuân là nhà khoa học 'chuyển giao' tiêu biểu"

Trong thời gian giảng dạy ở Viện Đại học Cần Thơ, anh Võ Tòng Xuân xây dựng một chương trình tivi rất nổi tiếng, có tên là "Gia Đình Bác Tám". Chương trình tivi chỉ nhằm hướng dẫn cho nông dân miền Nam cách trồng lúa sao cho khoa học và có năng suất cao.

gs-nguyen-tuan.jpg
GS Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS).

Tôi còn nhớ hình ảnh của một người đàn ông trông có vẻ trí thức một cách dân dã, tay cầm cây lúa lên, rồi giải thích về quá trình trưởng thành và sự ảnh hưởng của sâu rầy mà tôi - một người không có học về nông học - vẫn thấy dễ hiểu. Phong cách giải thích những ý tưởng khoa học cho thường dân của anh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tôi sau này khi tôi giải thích các khái niệm khoa học phức tạp cho công chúng, tôi đều nghĩ đến anh. Đó là một chương trình tivi mà tôi nghĩ bất cứ ai ở vào thế hệ tôi cũng đều biết, chứng tỏ sự lan tỏa và thành công của chương trình khoa học phổ thông nhưng rất thiết thực.

Tên tuổi của GS Võ Tòng Xuân gắn liền không chỉ với "Gia Đình Bác Tám", mà còn giống lúa Thần Nông mà anh thuyết phục nông dân sản xuất và đưa Việt Nam lên nước thứ hai xuất khẩu gạo. Anh còn có công lớn với nhiều giống lúa khác. GS Võ Tòng Xuân từng tâm sự:

"Cuối năm 1976 đầu 1977 tại Tân Châu (An Giang) xuất hiện rầy nâu loại biôtýp mới. Lúc đó giặc rầy nâu khủng khiếp đang đốt cháy hầu hết các cánh đồng lúa cao sản. Hàng trăm ngàn bà con nông dân điêu đứng; nhiều người bán hết cả tủ thờ để đầu tư trừ rầy nâu nhưng vẫn thất bại, phải cột xuồng nối đuôi nhau đi sang các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau để mua gạo ăn đong. Tôi đánh một điện tín ngay cho Viện Lúa quốc tế IRRI ở Philippines, và 2 tuần sau nhận được 4 bịch giống lúa mới nhất. Tôi và anh Nguyễn Văn Huỳnh đã thanh lọc tính kháng rầy và tiềm năng năng suất của 4 giống này, đã chọn được giống IR36, sau đó nhân ra khoảng 2 tấn lúa giống IR36".

Võ Tòng Xuân kể thêm: "Chúng tôi đã thuyết phục được lãnh đạo Đại học Cần Thơ, tạm thời cho đóng cửa nhà trường, để tất cả ban giảng huấn và hơn 2000 sinh viên các khoa nông nghiệp và sư phạm cùng ra đồng tham gia chống dịch. Sau 2 ngày tập huấn cấp tốc, học cách gieo trồng giống lúa mạ mới kháng rầy, và rồi thầy trò đã hết lòng thuyết phục nông dân chấp nhận trồng giống lúa mới kháng rầy, với kết quả thần kỳ là qua mấy vụ "giống lúa cao sản mới kháng rầy" đã phủ xanh ĐBSCL và dịch rầy nâu hoàn toàn được khắc phục.

Chiến thắng của nông dân ĐBSCL đối với con rầy nâu là một kỳ công làm cho các chuyên gia quốc tế đều phải thán phục. Đây là sự phối hợp lực lượng rất độc đáo mà Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện được". (Báo Đại Đoàn Kết 2/5/2022)

Những đóng góp của GS Võ Tòng Xuân được ghi nhận qua nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng Nikkei châu Á 2002 về Tăng trưởng vùng, Giải thưởng Derek Tribe về khoa học kỹ thuật Australia 2005, Huy chương "Kỵ mã Nông nghiệp" của Bộ Nông-Lâm-Thủy sản Pháp, Giải thưởng Ramon Magsaysay 1993 về Phục vụ nhà nước,... Cuối năm 2023 ông được trao giải VinFuture với công trình Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh.

Anh là người làm việc miệt mài, ngay cả đến những ngày cuối đời. Có thời gian (2010 - 2013) anh là Hiệu Trưởng Trường Đại học Tân Tạo. Năm 2013, anh là người tham gia sáng lập và Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ.

GS Võ Tòng Xuân là một trường hợp tiêu biểu về nghiên cứu không phải để làm dày lí lịch khoa học mà nghiên cứu để chuyển giao thành tựu nghiên cứu đem lại lợi ích cho hàng triệu người.

Trường hợp của anh cũng giống như trường hợp Giáo sư Đồ U U bên Trung Quốc (Giải Nobel 2015), người mà nghiên cứu chỉ nhắm đến lợi ích thiết thực cho bệnh nhân sốt rét. Sự nghiệp và đóng góp của anh Võ Tòng Xuân là một tấm gương về nghiên cứu chuyển giao (translational research) mà thế giới phương Tây đang bàn luận sôi nổi ngày nay. Giới trẻ nên học cách làm khoa học thực tế và cách dấn thân đem khoa học đến đại chúng như anh Võ Tòng Xuân.

Vĩnh biệt anh Võ Tòng Xuân và mong anh chuyển nghiệp an lành.

ThS Phan Văn Hiệp (Giảng viên khoa kỹ thuật - công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến, cũng là giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS): "Thầy đã tìm ra giải pháp giúp nông dân làm giàu"

Với tôi, GS Võ Tòng Xuân không chỉ là một nhà khoa học uyên thâm đáng kính mà còn là người bạn, ân nhân của hàng triệu nông dân trên cả nước. Những giống lúa mới, những phương pháp canh tác hiện đại, những giải pháp công nghệ trong chế biến nông sản mà thầy mang đến cho nông nghiệp đã giúp thay đổi cuộc sống của hàng triệu nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và trên cả nước. Bên cạnh đó, GS Võ Tòng Xuân còn là một nhà sư phạm mẫu mực, người đã đào tạo hàng ngàn sinh viên nhiều thế hệ để tiếp bước thầy trong việc nghiên cứu phát triển nền nông nghiệp nước nhà.

thay-phan-van-hiep.jpg
Thầy Phan Văn Hiệp (thứ hai từ phải qua) cùng GS Võ Tòng Xuân (thứ ba từ phải qua).

Tôi gặp thầy cuối năm 2019 trong lễ trao giải thưởng "Sáng tạo trong tầm tay" do Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ - tổ chức cho lĩnh vực nông nghiệp của vùng Đông Nam Bộ. Tôi là thí sinh dự thi với giải pháp "Máy sấy năng lượng mặt trời sấy nông sản, thực phẩm, dược liệu", còn thầy là 1 trong 5 giám khảo của cuộc thi. Rất khác các giám khảo còn lại, sau buổi gala trao thưởng, thầy tìm gặp tôi với câu nói mà tôi khắc cốt ghi tâm "thầy đã tìm ra được giải pháp để giúp nông dân mình làm giàu rồi Hiệp ơi".

Mối lương duyên giữa tôi và thầy bắt đầu như vậy đó.

Tôi nhớ buổi trưa mùng 3 Tết năm 2020, thầy gọi cho tôi khi thầy đi ngang vùng trồng nấm rơm của An Giang trên quốc lộ 91 rằng: "Hiệp ơi, em phải xuống tìm cách sấy khô nấm rơm nhé. Nếu em làm được việc này thì em sẽ là ân nhân của hàng triệu nông dân miền Tây đó".

Ngay sau đó, thầy giới thiệu để tôi đưa máy sấy xuống cơ sở của chú Năm Nghi, ông vua nấm rơm của miền Tây và thầy trực tiếp đến sấy, đánh giá về chất lượng của nấm rơm sau sấy. Thầy đã phân tích, góp ý từng chi tiết nhỏ để sản phẩm nấm rơm sấy đạt chất lượng cao nhất.

Ngày nhận giải thưởng Vin Future, thầy có tâm sự với tôi rằng thầy rút kinh nghiệm của lần nhận Giải thưởng Ramon Magsaysay trước đây, lần này thầy sẽ cấp học bổng cho hàng trăm kỹ sư nông nghiệp học lên cao học, nghiên cứu sinh để phục vụ cho nền nông nghiệp của đất nước.

Thầy ra đi là mất mát lớn của đất nước, của hàng ngàn thế hệ học trò, của hàng triệu nông dân Việt. Nhưng tôi tin những di sản thầy để lại sẽ tiếp tục được các thế hệ học trò phát huy. Tôi nguyện hứa với thầy sẽ cố gắng tận tâm nỗ lực để thực hiện ước mơ về máy sấy rẻ tiền, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với người nông dân mà thầy đã tin tưởng gửi gắm nơi tôi.

Thông tin lễ tang GS.TS Võ Tòng Xuân

Theo cáo phó, nghi thức nhập quan lúc 15h00 ngày 19/8.

Nghi thức động quan lúc 8h00 ngày 22/8.

Linh cữu được an táng tại quê nhà Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiễn biệt GS.TS Võ Tòng Xuân - nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO