Giáo dục

Thương tiếc thầy Trần Hồng Quân

Công Chương (thực hiện) 27/08/2023 11:45

Sự ra đi của GS.TS Trần Hồng Quân đã để lại nhiều thương tiếc đối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, các nhà giáo, nhà khoa học và các thế hệ học trò.

nguyen-huu-loc-tran-hong-quan-6a.jpg
GS.TS Trần Hồng Quân (thứ 5 từ pải qua) và phu nhân tham dự một sự kiện do Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tổ chức.

GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từ trần ngày 25/8/2023 tại Bệnh viện Quân y 175. Cả cuộc đời và sự nghiệp của GS.TS Trần Hồng Quân gần như dành toàn bộ cho sự phát triển giáo dục nước nhà.

PGS.TS. Nguyễn Đình Tứ (Chánh Văn phòng ĐHQG-HCM, Thư ký Hội đồng Đại học ĐHQG-HCM): "Tôi trưởng thành hơn mỗi khi được tiếp xúc với thầy"

Tôi và thầy cách nhau vài thế hệ, hồi xưa nghe kể về thầy người từng là Hiệu trưởng trường Đại học tôi học, rồi giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, tôi dành cho thầy sự kính nể và ngưỡng vọng, nhưng thực sự hơi xa xăm… vì chưa một lần được gặp mặt.

Rồi may mắn cũng đến với tôi, khi tôi được cùng thầy hoạt động chung trong Hội đồng Đại học của Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM), với cương vị Thư ký Hội đồng, tôi có cơ hội được tiếp xúc và học hỏi thầy nhiều hơn…

nguyen-dinh-tu-tran-hong-quan-1a.png
GS.TS. Trần Hồng Quân (thứ 3 từ trái qua) cùng với tác giả (thứ 2 từ trái qua), và các thầy cô trong ngày khánh thành tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại ĐHQG-HCM.

Mỗi lần tổ chức phiên họp Hội đồng, dù ngay tại TP.HCM hay một địa phương khác, thầy đều sắp xếp tham dự đầy đủ… những phát biểu đóng góp của thầy, thường là rất nhỏ nhẹ, ngắn gọn, nhưng lại như được kết tinh từ một tâm hồn, một khối óc đầy nhiệt huyết và trí tuệ luôn đau đáu vì sự tiến bộ của giáo dục đại học nước nhà. Khi thầy phát biểu, cả Hội đồng ngưng lặng lắng nghe, như muốn thấm sâu những trăn trở, suy tư và tâm huyết của thầy.

Với tôi nói riêng và anh em tổ chức họp Hội đồng nói chung, mỗi khi thầy xuất hiện, tôi lại cảm nhận được sự quan tâm, nguồn năng lượng tích cực và tự tin yêu rằng hội nghị/cuộc họp sẽ được tổ chức tốt đẹp…

Tôi trưởng thành hơn mỗi khi được tiếp xúc với thầy. Ttừ những sự kiện lớn của ĐHQG-HCM, hay những dịp Lễ, Tết ghé thăm thầy, thầy đều trao đổi, chia sẻ những quan điểm, định hướng để giáo dục đại học nước nhà tốt đẹp hơn.

Gần đây nhất là tôi cùng Ban Giám đốc ĐHQG-HCM thăm thầy tại bệnh viện 175, thầy chia sẻ về tình trạng sức khỏe, rồi định hướng những cốt lõi cho ĐHQG-HCM trong chiến lược 2021-2030 tầm nhìn 2045… Thầy nói rằng, từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, từ cách tiến hành và vũ khí chiến tranh, khoa học về quân sự đã qua giai đoạn mới, với trách nhiệm là ĐHQG, thì ĐHQG-HCM phải khẳng định sự đóng góp của mình với nền khoa học nước nhà, với an ninh của đất nước….

Thế mà không ngờ, lần gặp đó lại là lần cuối cùng tôi được trò chuyện, tiếp xúc với thầy.

Vĩnh biệt thầy, một người thầy đáng kính, một tâm hồn cao thượng, một khối óc và bầu nhiệt huyết luôn vì giáo dục đại học Việt Nam.

Thầy ra đi, tôi thấy mất mát lớn lao… và trên trời có một ngôi sao vừa vụt tắt…

nguyen-huu-loc-tran-hong-quan-4.jpg
GS.TS Trần Hồng Quân phát biểu tại một sự kiện do Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tổ chức.

PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc (Trưởng khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG-HCM): "Mỗi lần gặp thầy đều hỏi thăm sự phát triển của Khoa và Trường"

Mặc dù thầy từng là Trưởng khoa Cơ khí và Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhưng thời sinh viên, tôi không có dịp tiếp xúc với thầy. Vào năm 1982, khi tôi thi đậu vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và được đi học nước ngoài thì thầy đã chuyển công tác ra Bộ làm Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Khi học tôi về nước và công tác tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vào 1993, lúc đó thầy đang là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tôi rất ấn tượng thời gian đó là chính sách bầu cử trưởng đơn vị theo chủ trương của Bộ do thầy chỉ đạo, cụ thể trực tiếp bầu chức vụ Trưởng khoa Cơ khí vào năm 1993 và kết quả biết ngay sau khi kiểm phiếu, chứ không như theo Quy trình nhiều bước như hiện nay.

nguyen-huu-loc-tran-hong-quan-2a.jpg
GS.TS Trần Hồng Quân và PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc tại một sự kiện. Ảnh tư liệu.

Sau khi về hưu, thầy cô luôn tham gia các sự kiện Khoa Cơ khí tổ chức, ví dụ ngày Nhà giáo Việt Nam, tiệc tất niên, các sự kiện đặc biệt của Khoa Cơ khí… và thầy cô rất hòa đồng, luôn lắng nghe và phát biểu rất chuẩn mực.

Từ 2013 khi làm Trưởng khoa thì tôi thường xuyên có dịp tiếp xúc và nói chuyện với thầy nhiều. Và lần gặp nào, thầy cũng đều thể hiện sự quan tâm đến Giáo dục - Đào tạo và làm sao để phát triển Khoa và Nhà trường.

Lần gặp gần nhất hơn 3 tuần trước trong Bệnh viện Quân y 175, thầy vẫn còn rất minh mẫn và kể lại lịch sử Trường và Khoa giai đoạn 1975-1976, lý do tên trường đổi thành Trường Đại học Bách khoa TP.HCM vào tháng 10/1976.

nguyen-huu-loc-tran-hong-quan-5a.jpg
GS.TS Trần Hồng Quân (thứ 5 từ trái qua) tham dự một sự kiện do Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tổ chức.

Đặc biệt thầy hỏi thăm về phát triển Khoa Cơ khí và Trường Đại học Bách khoa hiện nay khi nằm trong hệ thống Đại học Quốc gia. Thầy quan tâm cơ chế tự chủ của Trường và Khoa để làm sao có thể phát triển trong tình hình hiện nay.

Thầy rất quan tâm lịch sử Trường, quan tâm ngày thành lập Trường, và năm thành lập các Trường thuộc Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật khi xưa. Tôi hứa là sẽ in cho thầy một số tư liệu liên quan lịch sử Khoa và Trường… Nhưng thầy đã mãi ra đi…

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM): "Nguyện sẽ tiếp tục cống hiến cho giáo dục cả đời như tấm gương của thầy"

Năm học 1986-1987, khi mới về công tác tại trường, tôi thật sự ấn tượng về thầy, người Bộ trưởng gốc Nam Bộ, chân thành và gần gũi với mọi người khi thầy đến thăm trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thầy đến xưởng Động cơ đốt trong của trường và hỏi tỉ mỉ về thiết bị dạy học ngành ô tô mà Mỹ để lại. Thầy quan tâm đến điều kiện ăn ở, giảng dạy của các thầy cô trong những năm đó thực sự khó khăn.

do-van-dung-tran-hong-quan-1.jpg
GS.TS Trần Hồng Quân và PGS.TS Đỗ Văn Dũng tại một hội thảo về giáo dục. Ảnh tư liệu.

Những năm thầy làm Bộ trưởng hàng loạt cải cách được thực hiện, thay đổi hoàn toàn bộ mặt của giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học (GDĐH): chuyển từ nền GDĐH theo phiên bản Liên Xô sang đào tạo theo tín chỉ kiểu phương Tây, xây dựng chương trình đào tạo mới, đổi mới tuyển sinh…

Sau này, khi tôi làm Hiệu trưởng, với cương vị Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, thầy luôn hỏi thăm và khen ngợi về những thành công trong việc đổi mới ở trường và mong muốn tôi chia sẻ kinh nghiệm với các trường ĐH khác trong các hội nghị hội thảo do Hiệp hội tổ chức.

Khi Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cải cách thành công, phát triển mạnh mẽ, thầy đã ghé thăm, lắng nghe kinh nghiệm đổi mới giáo dục đại học ở trường rồi động viên: “Đổi mới giáo dục đại học rất khó. Em là một trong số ít Hiệu trưởng được đào tạo bài bản về quản lý GD ở Úc và áp dụng thành công những cái hay của mô hình giáo dục đại học của các nước phát triển vào thực tiễn Việt Nam. Tuy nhiên, muốn đổi mới giáo dục thì lãnh đạo phải sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm và phải đối mặt với nhiều thử thách khi tư duy đổi mới của các bên liên quan chưa theo kịp”. Thật ấm lòng và vững tin khi nghe thầy dặn.

do-van-dung-tran-hong-quan-2.jpg
GS.TS Trần Hồng Quân và PGS.TS Đỗ Văn Dũng cùng tham dự một sự kiện.

Lúc tôi thôi quản lý, thầy nhắn tin: “Em thôi làm Hiệu trưởng, anh và nhiều người tiếc cho trường. Thôi thì em tiếp tục cống hiến theo cách khác. Chúc em khỏe”. Tôi nguyện sẽ tiếp tục cống hiến cho giáo dục cả đời như tấm gương của thầy.

Thầy thực sự là một cây đại thụ của giáo dục nước nhà. Thầy vĩnh viễn ra đi là một sự mất mát to lớn đối với đất nước nhưng tấm gương của thầy sẽ mãi mãi soi sáng thế hệ chúng tôi.

Tiến sĩ Dương Minh Tâm (nguyên Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, Chủ tịch Hội Cơ Khí TPHCM – HAME): “Vẫn nhớ thầy lắng nghe chăm chú khi tôi trình bày

Các bạn cùng lớp Cơ khí ACK76 với tôi có may mắn được thầy Trần Hồng Quân giảng một số chuyên đề, mặc dù từ năm 1996 Thầy rất bận trong nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Ấn tượng nhất với tôi là thầy có tác phong khiêm tốn, giản dị và rất cầu thị ngay cả những ý kiến trao đổi còn non nớt của sinh viên, tranh luận kiến thức các bài giảng uyên thâm của thầy ngành Chế tạo máy.

Những tri thức truyền đạt của thầy mà mãi sau này tôi mới hiểu ra, không chỉ bó hẹp trong môn học kỹ thuật, còn toát lên sự khát khao tìm tỏi đổi mới tư duy, vươn đến điều tốt hơn, phục vụ hết lòng cho tiến bộ đất nước.

anh-man-hinh-2023-08-27-luc-11.41.51.png
TS. Dương Minh Tâm và GS.TS Trần Hồng Quân tại một sự kiện.

Năm 1981, thầy Trần Hồng Quân trong nhiệm vụ Hiệu trường nên nhờ KS. Nguyễn Tuấn Kiệt phụ trách hướng dẫn đề tài tốt nghiệp của tôi “Máy mài khôn bánh răng”. Công nghệ mài khôn chính là công trình luận văn tiến sĩ của Thầy Quân ở Hungary. Thật quá may cho tôi, được thầy Quân gọi đến gặp thầy trao đổi tiến độ đề tài ở A5 - Văn phòng Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa. Đều đặn vào lúc 9 giờ đêm thứ Năm hàng tuần, sau khi Thầy tạm kết thúc công việc hàng ngày!

Kỷ niệm một thầy, một trò trao đổi trong không gian yên tỉnh tại khuôn viên nhà trường... Tôi vẫn nhớ thầy lắng nghe chăm chú khi tôi trình bày, trầm ngâm lúc lâu rồi mới có ý kiến dặn dò, chỉnh sửa... Hình dáng, phong cách đó in sâu trong lòng tôi.

Ngay khi về nước năm 1995, tôi tham gia vào dự án thành lập Khu công nghệ cao TP.HCM và có cơ hội gặp lại thầy trong nhiều lần khi dự hội thảo, hội nghị... Xúc động khi thầy vẫn khỏe, vui và tiếp tục có những ý tưởng sáng tạo, cải cách nền GDĐH Việt Nam.

anh-man-hinh-2023-08-27-luc-11.44.35.png
GS.TS Trần Hồng Quân trong một dịp đến thăm Khu công nghệ cao TP.HCM.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - GS.TS Trần Hồng Quân nhiều lần đến thăm, góp ý về vấn đề nhân lực cho công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao để thúc đầy phát triển nước ta nhanh hơn một cách bền vững. Thầy động viên những thành tựu khoa học công nghệ bước đầu của Khu Công nghệ cao TP.HCM…

Nhớ lần thầy Trần Hồng Quân được tôi giới thiệu về một số chíp vi mạch - bán dẫn, drone, UAV... đã chế tạo và thương mại hóa thành công tại khu Công nghệ cao... Thầy hỏi rất kỹ về quy trình công nghệ và thông số... rồi chúc mừng.

Cá nhân tôi vô cùng thương tiếc về sự ra đi của thầy Trần Hồng Quân! Luôn ghi nhớ công ơn và sự nghiệp giáo dục to lớn của thầy cho nền giáo dục nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương tiếc thầy Trần Hồng Quân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO