Thuốc trị tiêu chảy

DS. HUỲNH VĂN NHIỆM| 01/04/2011 11:04

Tiêu chảy không phải là một bệnh mà là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây kích thích đường tiêu hóa, như thức ăn, nước uống bị nhiễm độc, nhiễm vi khuẩn, virus… khiến cơ thể phải phản ứng lại bằng cách tăng nhu động ruột (tăng co bóp cơ ruột) và tăng tiết nước vào lòng ruột, mục đích là tạo điều kiện để tống xuất nhanh những chất mà cơ thể không dung nạp ra ngoài qua đường hậu môn.

Như vậy, về bản chất, tiêu chảy trước hết là một phản ứng có lợi để bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, nếu phản ứng này quá mức sẽ khiến cơ thể mất nước, mất chất điện giải, gây những xáo trộn bất lợi, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Vậy dùng thuốc trị tiêu chảy có lợi hay có hại?

Thuốc trị tiêu chảy về tân dược có thể chia thành mấy loại sau đây:

Thuốc ức chế nhu động ruột

Đây là nhóm thuốc có tác dụng cầm tiêu chảy hiệu quả nhất, nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ đáng lưu ý nhất: nhóm thuốc này bắt nguồn từ những dẫn chất của nha phiến (thuốc phiện) và những hóa chất tổng hợp có tác dụng tương tự, trước đây có Laudanum, Parégoric, Diarsed, Diphenoxylat, nay đã cấm lưu hành, chỉ còn nhóm thuốc có hoạt chất là loperamid, như Imodium, Lomedium, Lopradium… Nhóm thuốc này chủ yếu là tác dụng lên thần kinh trung ương, làm ức chế phản xạ co bóp của thành ruột, khiến ruột trơ ra (liệt ruột) không đẩy phân đi xuống, nên phân bị dồn ứ lại trong lòng ruột, nước và các chất hòa tan trong phân sẽ bị hấp thu lại vào cơ thể, khiến phân đặc dần lại, vậy là cầm ngay triệu chứng tiêu chảy, lại còn làm hết đau bụng (do ruột hết co bóp)!

Tuy nhiên, đa số trường hợp tiêu chảy là do nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hay chất độc từ thức ăn, nước uống… mà loại thuốc cầm tiêu chảy nhóm này chỉ có tác dụng giữ phân lại trong ruột, tức là giữ lại những chất có hại mà cơ thể muốn tống xuất ra ngoài. Do đó xét cho cùng: lợi bất cập hại! Các thuốc nhóm này nếu dùng liều cao hoặc dùng nhiều lần sẽ gây liệt ruột hoặc táo bón sau khi ngưng dùng thuốc.

Ngoài ra, không được dùng các thuốc nhóm Imodium, Lomedium, Lopradium này cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai…

Thuốc kháng sinh

Có nhiều loại kháng sinh có thể diệt vi khuẩn gây bệnh trong đường ruột như neomycin, nifuroxazid, tetracyclin,amoxycillin, cephalosporin, quinolon… nhưng kháng sinh dù rất mạnh cũng không có tác dụng để diệt trừ được những tác nhân thường gây tiêu chảy nhất như độc tố, virus, hay ký sinh trùng… Vì vậy, việc dùng kháng sinh để trị tiêu chảy cần phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, nhằm xác định loại vi khuẩn nào có thể là thủ phạm và kháng sinh nào là tốt nhất để diệt loại vi khuẩn đó (đôi khi phải cấy phân và làm kháng sinh đồ mới biết được).

Để tránh trường hợp vi khuẩn kháng thuốc, hoặc kháng sinh uống vào tiêu diệt cả các vi khuẩn hoại sinh có lợi trong đường ruột, gây tình trạng loạn khuẩn ruột, có thể đưa đến chứng tiêu chảy kéo dài nguy hiểm hơn!

Thuốc trợ sinh (probiotics)

Những thuốc này không có tác dụng trực tiếp diệt vi khuẩn có hại mà trái lại, đưa thêm vào cơ thể những chủng vi khuẩn hay nấm men có lợi, để giúp quân bình lại hệ vi khuẩn đường ruột, hạn chế ảnh hưởng của các vi khuẩn có hại, do đó, giúp làm giảm tiêu chảy, đặc biệt có ích trong trường hợp phòng ngừa và điều trị chứng tiêu chảy do uống nhiều kháng sinh gây ra. Trong nhóm này có các thuốc Antibio, Biolactil, Biosubtyl, Ultra-levure, hoặc thường ăn sữa chua (yaourt)...

Thuốc hấp phụ

Nhóm này được bào chế từ than hoạt tính hoặc đất sét trắng (kaolin, smectite) có tác dụng hấp thu và giữ các độc tố, vi khuẩn và cả một phần nước để sau đó cơ thể đào thải ra ngoài theo phân. Một số thuốc còn có tác dụng tráng một lớp màng mỏng để ngăn các chất kích thích thành ruột và giảm tiết nước, do đó làm giảm triệu chứng tiêu chảy, như: Kaopectin, Smecta… nhưng theo các chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới thì những thuốc này vẫn không loại bỏ được nguyên nhân gây tiêu chảy.

Các thuốc này còn làm giảm tác dụng của những thuốc khác nếu uống chung với nó.

Thuốc bù nước và chất điện giải

Như trên đã nói, người ta thường chết khi bị tiêu chảy cấp, kể cả thổ tả, không phải vì vi khuẩn hay độc tố, mà chính vì cơ thể bị mất nước, cho nên biện pháp trước hết và tốt hơn hết là kịp thời bù nước bằng đường uống, trừ trường hợp trầm trọng cần phải đưa đến cơ sở y tế để truyền dịch.

Dung dịch bù nước có Oresol, Hydrite gói hay viên, có bán ở các nhà thuốc hoặc trạm y tế, có thể mua vài gói về để sẵn ở nhà. Khi cần lấy thuốc pha với nước chín (theo toa hướng dẫn) và cứ mỗi lần tiêu chảy hay nôn ói, cho uống một ly (nhỏ - lớn tùy tuổi)…

Nếu không có gói Oresol hay viên Hydrite, thì có thể tạm dùng nước cháo loãng pha với một chút muối, hoặc dung dịch nước đường + muối pha theo tỷ lệ: 8 muỗng cà phê (gạt bằng) đường cát + 1 muỗng cà phê (gạt bằng) muối bột, pha với 1 lít nước, cho uống cho đến khi ngừng tiêu chảy.

Thuốc trị tiêu chảy từ dược liệu theo đông y hoặc kinh nghiệm dân gian cũng gồm có nhiều loại:

- Loại có nguồn gốc từ nha phiến như Cao thuốc phiện, Anh túc xác (vỏ trái nha phiến), Lục thần thủy, Tiêu chảy Con Rồng… Loại này có tác dụng ức chế nhu động ruột như các tân dược nhóm 1 nêu trên, nên cũng cầm tiêu chảy nhanh, nhưng vẫn lợi bất cập hại.(Riêng thuốc Cồn thuốc Con Rồng của Mekophar, nay đã thay đổi công thức, không còn chứa dẫn chất từ nha phiến nữa).

- Loại gồm những dược liệu có nhiều chất chát (tanin) như vỏ cây Ổi (hoặc lá Ổi), vỏ cây Chiêu liêu, vỏ trái Măng cụt, Ngũ bội tử… Chất tanin trong những dược liệu này có tác dụng làm co săn niêm mạc ruột, làm giảm tiết nước, đồng thời cũng làm giảm sự lên men trong đường ruột, do đó làm giảm tiêu chảy.

- Loại có tính cay, nóng như Gừng, Riềng, Quế, Hồi hương… có tính sát trùng đường ruột, làm giảm sự lên men trong ruột, đồng thời gây hưng phấn, làm ấm cơ thể, có tác dụng tốt trong chứng tiêu chảy thuộc hàn chứng (tiêu chảy nhiều nước, tay chân lạnh…).

Tùy theo nguyên nhân gây tiêu chảy, thể trạng và tuổi tác bệnh nhân, cũng như hoàn cảnh sinh hoạt mà dùng loại thuốc thích hợp. Ví dụ: nếu người lớn đang khỏe mạnh, đang khoan khoái trên đường du lịch mà nửa đường bỗng bị “Tào Tháo rượt” do thực phẩm hay nước uống gây ra, thì chắc không thể chần chừ chọn lựa, mà có thể tạm thời dùng một loại thuốc cầm nhanh tiêu chảy như Imodium, Lomedium, Lopradium để cắt cơn, chấp nhận điều bất lợi có thể xảy ra do thuốc mang lại. Cũng có thể mua sẵn viên Berberin, Berberal đem theo mà dùng. Nhưng nếu không ở trường hợp cấp bách lắm thì tùy trường hợp mà sử dụng thuốc hợp lý hơn.

Tuy nhiên, dù trong trường hợp nào thì người bị tiêu chảy nhiều lần vẫn phải dùng biện pháp bù nước đầy đủ để tránh tình trạng mất nước nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em. Một thành kiến sai lầm tai hại của một số người lớn khi thấy trẻ tiêu chảy thì kiêng không cho uống nước, vì e nước uống vào sẽ làm tiêu chảy nhiều hơn (!?).

Thật ra, khi bị tiêu chảy, nước thoát ra là nước từ trong tế bào, trong máu, tiết qua thành ruột mà chảy ra, còn nước uống vào được hấp thu qua niêm mạc suốt dọc ống tiêu hóa để bù lại số nước mất đi, giúp cơ thể duy trì hoạt động bình thường, không bị xáo trộn dẫn đến hôn mê, thậm chí có thể tử vong.

Một điều cần lưu ý nữa là khi bị tiêu chảy nhiều lần, làm mất chất dinh dưỡng, thì không nên nhịn ăn mà nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; trẻ em nhỏ thì có thể tiếp tục bú sữa mẹ. Nếu trẻ bú bình thì có thể pha sữa loãng hơn và cho bú làm nhiều lần. Nếu trẻ tiêu chảy vì không chịu một loại sữa nào đó thì nên hỏi ý kiến của người chuyên môn để thay bằng loại sữa thích hợp.

Trong đa số trường hợp tiêu chảy thông thường, chỉ cần bù nước đầy đủ để cơ thể khỏi bị xáo trộn và tự điều chỉnh, trong một vài ngày chứng tiêu chảy có thể hết mà khỏi cần đến thuốc.

Trong trường hợp tiêu chảy kéo dài, phân có máu, đàm; hoặc kèm theo nôn ói nhiều, nhất là ở trẻ em, thì nên đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuốc trị tiêu chảy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO