Thủ tướng dự tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Chiều 25/6 (giờ địa phương), tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của WEF, với chủ đề "Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo tại các nước đang phát triển".
Thủ tướng đang có chương trình tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Đại Liên 2024) và làm việc tại Trung Quốc.
WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau. Các đối tác thành viên của WEF phải nộp phí thành viên trong khoảng 60.000 - 600.000 Franc Thụy Sĩ tùy theo cấp độ khác nhau.
Tại tọa đàm, ông Sebastian Buckup, Thành viên Ủy ban điều hành WEF, Giám đốc các mạng lưới và quan hệ đối tác WEF cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam có bước phát triển vượt bậc. Một trong những động lực giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua chính là dựa trên đổi mới sáng tạo. Tọa đàm nhằm chia sẻ những thành công của Việt Nam cũng như đề xuất các ý tưởng, mong muốn cùng Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ về các biện pháp và ưu tiên của Việt Nam trong phát triển công nghệ, nguồn lực và đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong quá trình phát triển của mình, Việt Nam luôn nhận thức đúng đắn về đổi mới sáng tạo, lập nghiệp, với quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp".
Theo Thủ tướng, đổi mới sáng tạo đã trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới sáng tạo không chỉ góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức mang tính khu vực, toàn cầu mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và của toàn thế giới nói chung.
Với nhận thức đó, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo như: Xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và lập nghiệp; xây dựng các chiến lược, chương trình phát triển, tập trung vào kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành mang lại giá trị gia tăng cao như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, hydrogen…
Cùng với đó, Việt Nam tập trung phát triển hạ tầng bao gồm hạ tầng số, hạ tầng điện, nước, giao thông, hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động các nguồn lực bao gồm nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài (gồm nguồn tài chính, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực… là quan trọng và đột phá). Việt Nam lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và kích hoạt, huy động mọi nguồn lực xã hội vào thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lập nghiệp.
Trên tinh thần, "cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển" và trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng cho biết, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế gới như Google, Apple, Intel, Synopsys, Meta, Nvidia… đã và đang tìm hiểu, đầu tư vào Việt Nam.
Cũng tại Tọa đàm, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của WEF đặt nhiều câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề cùng quan tâm.
Trao đổi về những sáng kiến để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; triển khai các chương trình và đề án cấp Quốc gia về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, chương trình hỗ trợ doanh ngiệp chuyển đổi số, chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam...
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ để hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo, trong đó xây dựng, triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030…; huy động các nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ về bí quyết giúp Việt Nam có nền giáo dục với giáo dục phổ thông phát triển đạt kết quả cao hơn các nước trong khu vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đặt giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu và dành nguồn lực thỏa đáng cho lĩnh vực này để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; con người Việt Nam có tố chất thông minh, hiếu học; đặc biệt mỗi người dân từ tấm bé đã được chăm lo phát triển nhân cách, trí tuệ theo tố chất, khả năng, mong muốn… phù hợp với yêu cầu, điều kiện của đất nước trong từng thời kỳ.
Trả lời câu hỏi về vai trò của các công ty khởi nghiệp nước ngoài trong quá trình tăng trưởng với động lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, Thủ tướng cho biết, Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, dựa vào cả nguồn lực bên trong và bên ngoài.
Các công ty khởi nghiệp nước ngoài là động lực hỗ trợ thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo, thể hiện ở 3 vai trò chính là chuyển giao công nghệ và kiến thức; tạo sự cạnh tranh và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Do đó, Việt Nam luôn chào đón, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ theo hướng xanh, sạch, bền vững.
Về băn khoăn của đại biểu đối với vấn đề bảo mật và sử dụng dữ liệu, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cùng với các lợi ích, việc phát triển công nghệ cũng có những rủi ro, mặt trái; đây là vấn đề toàn cầu, tác động toàn dân. Việt Nam đã ban hành các quy định về bảo vệ, bảo mật thông tin và sử dụng dữ liệu; có giải pháp, đầu tư đảm bảo an ninh mạng thông tin. Cụ thể là có các chính sách, pháp luật để bảo vệ quyền con người, bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến kinh tế số, xã hội số, công dân số; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các chủ thể liên quan; đồng thời luôn luôn lắng nghe, bảo vệ người dân, doanh nghiệp trong quá trình phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng trao đổi nhiều vấn đề liên quan kế hoạch phát triển và cơ hội cho giới trẻ Việt Nam trong các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, dữ liệu lớn…
Trước các câu hỏi về những vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, Thủ tướng đề nghị có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, tăng cường đoàn kết quốc tế; tin tưởng thế giới sẽ vượt qua mọi khó khăn, hướng tới sự phát triển thịnh vượng chung.